Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp dân cư xử đúng pháp luật

10:08, 29/08/2016

Cuộc sống luôn vận động, văn bản pháp luật liên tục thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Cuộc sống luôn vận động, văn bản pháp luật liên tục thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Vì vậy, để hướng dẫn người dân xử sự đúng pháp luật rất cần sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) tuyên truyền pháp luật cho đối tượng khuyết tật, người già.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) tuyên truyền pháp luật cho đối tượng khuyết tật, người già.

* Tơ lòng muôn vẻ

Mang tâm trạng nặng trĩu của người bị nhiễm HIV/AIDS, chị N. (công nhân ở phường Tân Biên, TP.Biên Hòa) nhờ trợ giúp viên Nguyễn Doãn Dương của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tư vấn. Chị N. băn khoăn khi phát hiện mình bị nhiễm HIV/AIDS có nên thông báo cho công ty nơi chị làm việc hay không. Nếu không thông báo, lỡ công ty phát hiện được điều này thì liệu chị có bị đuổi việc?... “Pháp luật và công ty không yêu cầu chị phải có trách nhiệm thông báo việc chị bị nhiễm HIV/AIDS, nên chị không cần phải thông báo. Nếu công ty đuổi việc chị vì lý do chị bị nhiễm HIV/AIDS là vi phạm pháp luật về phòng chống ma túy, HIV/AIDS và Bộ luật Lao động” - trợ giúp viên Nguyễn Doãn Dương giải đáp.

“Tôi có 2 sào đất trồng tràm chưa được cấp sổ đỏ, nay tôi muốn bán một phần đất để có tiền lo cho vợ đi mổ sỏi thận thì phải làm thủ tục ra sao cho hợp pháp?” - ông Bảy Muôn (ngụ phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) hỏi. Bà Trần Thị Thu Thủy, Trưởng văn phòng Thừa phát lại Biên Hòa, giải đáp: “Đất nông nghiệp chưa được cấp sổ đỏ, ông vẫn có quyền chuyển nhượng cho người khác. Để việc chuyển nhượng hợp pháp, tránh phát sinh kiện tụng về sau, ông nên yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận lại quá trình chuyển nhượng đất giữa đôi bên là được”.

Ông Lý A Lin (ngụ xã Phú Lợi, huyện Định Quán) hỏi luật sư Lê Hồng Khanh (Hội Luật gia tỉnh): “Vợ mình bỏ đi lấy chồng khác mấy năm nay nhưng tên của nó vẫn ở trong hộ khẩu của mình. Nó không chịu cắt khẩu về nhà cha mẹ nó ở, nó muốn xin mình cho nó trở về làm vợ mình vì nó đã bỏ thằng chồng mới. Mình không chấp nhận yêu cầu của nó, nhưng phải làm sao bắt nó cắt khẩu?”. Luật sư Khanh tư vấn, ông Lin hãy đề nghị vợ cũ làm thủ tục cắt và chuyển khẩu về hộ khẩu gia đình vợ ông hoặc nơi bà ấy cư trú. Nếu bà ấy không chấp nhận, ông có quyền đề nghị cơ quan chức năng tách khẩu và xác lập hộ khẩu mới chỉ có tên ông và các con, không có tên vợ ông.

* Cần cấp ủy, chính quyền chỉ đạo

Không phải ngẫu nhiên người dân biết được thông tin có đoàn công tác của tỉnh và huyện về địa phương tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí để đến tham dự, đặt câu hỏi, nhờ gỡ rối tơ lòng. Đa phần người dân tìm đến các buổi tư vấn, hỗ trợ pháp lý miễn phí khi trong tay có giấy mời của ấp hoặc các ban, ngành, đoàn thể của xã.

Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho biết qua các đợt tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người dân trên địa bàn tỉnh, nơi nào có đông người dân đến dự đều có sự chỉ đạo chặt chẽ, trực tiếp của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Còn nơi nào mà cấp ủy Đảng, chính quyền thiếu quan tâm hoặc khoán trắng cho một đơn vị, đoàn thể, như: nông dân, phụ nữ… đứng ra mời thì chỉ lèo tèo chục người đến dự.

Điều mà luật gia Nguyễn Đức đánh giá rất đúng tâm trạng của các ngành, đơn vị tỉnh và huyện thực hiện công tác tư vấn, trợ giúp pháp lý khi đoàn đến tuyên truyền mà mỏi mòn ngóng dân đến dự. Vì vậy, tại các báo cáo đánh giá công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các tổ chức, ngành, đơn vị đều đánh giá rất cao vai trò chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác này khi đoàn về địa phương làm công tác. Bởi, từ thực tế đi tuyên truyền, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho dân, đối tượng chỉ toàn là cán bộ, còn người dân chẳng mấy người được nhận phiếu mời, hoặc không biết thông tin để tìm đến, khiến chất lượng các buổi tuyên truyền, tư vấn, trợ giúp pháp lý không đạt được như mong muốn.

Ông Viên Hồng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng Phối hợp giáo dục, phổ biến pháp luật tỉnh, cũng thừa nhận vấn đề này. Ông Tiến nhấn mạnh, một số địa phương, cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nên việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai chưa kịp thời. Do vậy, cần phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để công tác này nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia của đông đảo nhân dân.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều