Mang trên mình 2 lệnh truy nã, sau nhiều năm lẩn trốn, Trần Tấn Lượng (26 tuổi, ngụ xã Long An, huyện Long Thành) đã đến cơ quan công an đầu thú để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Mang trên mình 2 lệnh truy nã, sau nhiều năm lẩn trốn, Trần Tấn Lượng (26 tuổi, ngụ xã Long An, huyện Long Thành) đã đến cơ quan công an đầu thú để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Việc Trần Tấn Lượng ra đầu thú được cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát truy nã (PC52) Công an tỉnh xem như là bài học để giúp những người đang trốn chạy pháp luật nhận ra lỗi lầm, sớm ra đầu thú để làm lại cuộc đời.
Trần Tấn Lượng đến cơ quan công an đầu thú sau gần 5 năm trốn truy nã. |
* Đầu thú sau gần 5 năm lẩn trốn
Trung tá Võ Kim Trọng, cán bộ trinh sát thuộc PC52, cho biết ngày 16-9-2010, được Hoàng Văn Anh (ngụ huyện Long Thành) rủ đi đánh anh Trần Tiến Đạt (34 tuổi, ngụ huyện Long Thành), Lượng đã cùng Anh vác dao đi đánh người, khiến anh Đạt bị thương tật tỷ lệ 26%. Sau khi gây án, Anh bị công an bắt, còn Lượng bỏ trốn. Sau một thời gian truy xét, đến năm 2011, Công an huyện Long Thành đã phát lệnh truy nã Trần Tấn Lượng về hành vi cố ý gây thương tích.
Trung tá Võ Kim Trọng kể lại, tiếp nhận hồ sơ truy nã của Lượng, PC52 đã cử người truy tìm đối tượng tại nhiều địa phương. Nghe tin Lượng trốn đến các tỉnh Bình Dương và Bình Phước làm thuê, trinh sát đã tìm đến đây, nhưng lại nhận được tin đối tượng đã chuyển đi nơi khác.
Cuối năm 2011, trong khi trinh sát PC52 đang truy tìm Lượng thì nhận được một quyết định truy nã đối với Lượng về hành vi trộm cắp tài sản do Công an quận Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng) chuyển đến. Theo hồ sơ của Công an quận Cẩm Lệ, trong thời gian lẩn trốn ở TP.Đà Nẵng, Lượng xin vào làm việc tại một công ty kinh doanh hàng điện tử. Một lần cùng nhân viên của công ty vận chuyển hàng đi tham dự triển lãm, Lượng đã cùng các nhân viên này trộm hàng của công ty rồi gửi xe khách đưa vào TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Vào cuộc điều tra, xác định Lượng đã bỏ trốn nên Công an quận Cẩm Lệ đã phát lệnh truy nã đối với Lượng.
Nhận thêm quyết định truy nã đối với Lượng, các trinh sát được giao nhiệm vụ tầm nã đối tượng càng quyết tâm truy bắt Lượng. Quá trình tầm nã, trinh sát thường xuyên liên lạc với gia đình Lượng để vận động đối tượng ra đầu thú thông qua những buổi gặp gỡ hoặc gửi thư cho người thân của đối tượng kêu gọi. Sự kiên trì giải thích về những chính sách khoan hồng của pháp luật đối với những người vi phạm pháp luật đã giúp gia đình Lượng hiểu và chủ động khuyên Lượng ra đầu thú.
* Khi người lầm lỗi quay đầu
Đưa em trai đến PC52 Công an tỉnh đầu thú, anh Trần Ngọc Vàng (anh trai Lượng) tâm sự, khi biết Lượng phạm tội gia đình rất buồn. Tuy nhiên, sau khi gây án Lượng đã trốn đi xa, lâu lâu mới gọi điện về nhà nên gia đình không thể nói chuyện nhiều với Lượng. Khi công an đến nhà vận động, gửi thư kêu gọi Lượng ra đầu thú, hiểu được chính sách khoan hồng của pháp luật đối với những người biết ăn năn hối cải, gia đình đã cố gắng khuyên Lượng ra đầu thú. Vì vậy, mỗi khi Lượng gọi điện về nhà, gia đình đều động viên Lượng đầu thú. Phải mất nhiều lần vận động, Lượng mới suy nghĩ và chịu quay về để đến công an đầu thú.
6 tháng đầu năm 2016, Công an tỉnh đã tiến hành bắt, vận động đầu thú được 100 đối tượng truy nã. Trong đó, bắt 42 đối tượng, vận động đầu thú 29 đối tượng, bắt theo quyết định truy nã của công an các tỉnh khác 29 đối tượng. H.L |
Anh Vàng chia sẻ: “Biết đầu thú là chấp nhận tù tội, nhưng có như vậy Lượng mới có cơ hội làm lại cuộc đời. Cuộc đời của Lượng còn dài, nếu cứ sống chui lủi thì tương lai không biết ra sao. Với suy nghĩ đó, gia đình đã vận động Lượng đi đầu thú cho bằng được”.
Trình bày với cán bộ tiếp nhận mình ra đầu thú, Lượng cho biết do sợ tù tội, lại suy nghĩ chưa chín chắn nên sau khi gây án Lượng đã bỏ trốn. Tuy nhiên, cuộc sống của một người mang thân phận bị truy nã không phải dễ dàng, bởi chẳng có ngày nào anh được sống tự do, lúc nào cũng phải cảnh giác, nghi kỵ tất cả mọi người xung quanh. “Mấy năm trốn truy nã, tôi chẳng được sống thật với chính con người mình mà lúc nào cũng bị ám ảnh bởi tội lỗi đã gây ra. Do đó, khi được gia đình động viên và cho biết những chính sách khoan hồng của luật pháp từ thư kêu gọi của công an, tôi đã quyết định quay về nhận tội” - Trần Tấn Lượng cho biết.
Nói về quá khứ lỗi lầm của mình, Lượng cho biết trước đây chỉ vì nghe theo bạn xấu, cộng với tuổi trẻ thiếu suy nghĩ nên đã vi phạm pháp luật. Giờ biết việc làm của mình là sai nên Lượng quyết định đầu thú để mong chuộc lại một phần lỗi lầm đã gây ra.
Phụ trách tầm nã Lượng, Trung tá Trọng cho biết, quá trình truy bắt các đối tượng truy nã, công an rất chú trọng công tác vận động đầu thú. Điều đó không chỉ thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật, mà nếu làm tốt công tác vận động sẽ giảm được rất nhiều tiền của Nhà nước.
Theo Trung tá Trọng, để bắt một đối tượng truy nã, đặc biệt là đối tượng nguy hiểm, lực lượng tầm nã phải mất nhiều công sức, thậm chí còn gặp nguy hiểm; nhưng nếu làm tốt công tác vận động sẽ khắc phục được những khó khăn đó. Vì vậy, Ban giám đốc Công an tỉnh đã phối hợp với Viện Kiểm sát, tòa án viết thư kêu gọi gửi đến người thân các đối tượng truy nã để cùng vận động đối tượng đầu thú. Với những nỗ lực đó, thời gian qua đã có nhiều đối tượng trốn truy nã đến cơ quan công an đầu thú để mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
“Việc vận động được đối tượng trốn truy nã ra đầu thú là một thành công của lực lượng tầm nã. Chúng tôi luôn lấy những vụ vận động thành công để làm bài học cho quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình. Chủ trương này vừa nói lên tính nhân văn vừa đỡ tốn kém công sức của lực lượng công an. Chúng tôi sẽ kiến nghị lãnh đạo đưa thêm những chương trình vận động hay hơn, gần gũi hơn để những người lầm lỗi đang trốn tránh pháp luật (và người thân của họ) hiểu được chính sách khoan hồng của pháp luật mà sớm ra đầu thú” - Trung tá Trọng chia sẻ.
Trần Danh