Báo Đồng Nai điện tử
En

Mạnh tay xử phạt vi phạm giao thông

10:06, 08/06/2016

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2016 (gọi tắt Nghị định 46) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định 46 có hiệu lực từ ngày 1-8, thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2016 (gọi tắt Nghị định 46) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Nghị định 46 có hiệu lực từ ngày 1-8, thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý hành vi chạy quá tốc độ trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa).
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý hành vi chạy quá tốc độ trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa).

Điểm đáng lưu ý trong Nghị định 46 là sẽ tăng nặng mức phạt vi phạm giao thông nhằm tác động vào ý thức tuân thủ pháp luật của người dân.

* Tăng mức phạt 5 lần với xe ô tô

Nghị định 46 tăng mức phạt từ 10-15 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển xe ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu, hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở. Người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, nếu trước đây bị phạt từ 8-10 triệu đồng thì nay tăng lên 16-18 triệu đồng. Ngoài ra, khi đang điều khiển phương tiện, nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn và chất ma túy từ phía người thi hành công vụ sẽ bị phạt đến 18 triệu đồng.

Với quy định tước giấy phép lái xe (GPLX), các nghị định trước chỉ quy định tùy theo hành vi mà bị giữ GPLX tối đa 2 tháng, nhưng theo nghị định mới sẽ tạm giữ 3-5 tháng. Trong đó, sẽ tước quyền sử dụng GPLX từ 22-24 tháng (trong trường hợp có GPLX), hoặc phạt tiền từ 16-18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX, hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.

Một cán bộ cảnh sát giao thông cho rằng: “Mức phạt cao mà Nghị định 46 đưa ra không nhằm mục tiêu thu tiền của người vi phạm, mà chủ yếu mang tính giáo dục, cảnh báo, ngăn ngừa người tham gia giao thông vi phạm, đặc biệt là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua, như: uống rượu, bia khi lái xe; vượt đèn đỏ; lạng lách; đánh võng…”.

Bên cạnh đó, nhiều hành vi vi phạm giao thông xuất phát từ ý thức của người điều khiển phương tiện làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cũng bị tăng mức phạt cao lên gấp 5 lần so với trước đây. Cụ thể, nếu người lái ô tô dùng chân điều khiển vô lăng sẽ bị phạt từ 7-8 triệu đồng (trước đây chỉ xử phạt đối với xe 2 bánh); tăng mức phạt tiền lên 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô không nhường đường, hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.

Riêng mức phạt liên quan đến hành vi không tuân thủ các quy định về dừng xe, đậu xe trên đường cao tốc. Ví dụ, việc không đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm, theo quy định hiện hành phạt từ 800 ngàn đến 1,2 triệu đồng, sắp tới sẽ tăng mức phạt từ 5-6 triệu đồng.

Nếu trước đây chưa có quy định về thời gian mở đèn của ô tô và xe máy khi lưu thông trên đường, thì nghị định mới đã quy định rõ thời gian các xe lưu thông trên đường phải bật đèn từ 19 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, nếu không thực hiện sẽ bị phạt. Đặc biệt, hành vi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc va quẹt dẫn đến tai nạn giao thông mà bỏ đi thì dù không có lỗi cũng sẽ bị phạt tiền từ 18-20 triệu đồng.

Không chỉ “thẳng tay” xử phạt các hành vi vi phạm đối với ô tô, Nghị định 46 cũng tăng mức phạt đối với nhóm người điều khiển, người ngồi trên xe máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe máy. Cụ thể, người đang điều khiển xe sử dụng dù, điện thoại di động, thiết bị âm thanh (trừ thiết bị trợ thính), bị phạt từ 100-200 ngàn đồng (mức phạt tại Nghị định 171 là từ 60-80 ngàn đồng). Người điều khiển xe máy lưu thông trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50-80 mg/100ml máu, hoặc vượt quá 0,25mg đến 0,4 mg/lít khí thở thì theo quy định mới sẽ tăng gấp đôi với mức phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.

* Phạt nặng nhưng phải đảm bảo an toàn

Nghị định mới hướng tới các mục tiêu tăng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm giao thông có nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến ý thức của người điều khiển phương tiện, đồng thời bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi mà trước đây chưa quy định rõ mức xử phạt.

Theo các lực lượng chức năng, thời gian qua nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm trật tự an toàn giao thông là do hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ quá tải, ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người dân còn kém… Do đó, việc tăng mức phạt phần nào sẽ tác động vào ý thức của người đi đường, để họ thấy được hậu quả của việc không tuân thủ pháp luật giao thông. Tuy nhiên, làm sao để tăng hiệu quả xử phạt vi phạm giao thông, qua đó kéo giảm vi phạm và tai nạn giao thông mới là điều quan trọng và đúng với “tinh thần” của nghị định mới.

Ông Trần Văn Quang (ngụ xã Long Đức, huyện Long Thành) cho rằng, lâu nay cơ quan chức năng liên tục tăng chế tài xử phạt trong khi các yếu tố đảm bảo an toàn giao thông một cách bền vững vẫn chưa được thực hiện bài bản, khoa học. Để giải quyết những vấn đề này, có nhiều giải pháp mà bấy lâu nay xã hội đều quan tâm, như: mở rộng đường; phân tuyến hợp lý; tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông chấp hành pháp luật giao thông; tăng cường kiểm tra, giám sát và hướng dẫn của lực lượng thực thi pháp luật về giao thông…

Còn tài xế xe khách Trịnh Ngọc Lâm cho rằng, khi mức phạt tăng cao, người lái xe phải cẩn trọng hơn khi điều khiển phương tiện trên đường. “Đầu tiên phải nói đến là chất lượng đường sá, hệ thống biển báo còn quá nhiều bất cập, thậm chí còn là “cái bẫy” để xử phạt. Tiếp đến, nếu đường sá thi công không đảm bảo hoặc lực lượng cảnh sát giao thông thiếu hướng dẫn, xử lý không đúng quy trình… thì cần xử lý nghiêm để tạo sự thuyết phục với người dân” - tài xế Lâm lý giải.

Thanh Hải

 

 

 

Tin xem nhiều