Thời gian qua, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng (QL-BVR) của tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ rừng khỏi sự tàn phá của con người. Tuy nhiên, công tác QL-BVR hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn...
Thời gian qua, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ khỏi sự tàn phá của con người. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, công tác quản lý, bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng và địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Tang vật do cơ quan chức năng thu giữ trong các vụ xâm hại rừng. |
Các cơ quan chức năng và địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân các xã có rừng, sinh sống trong và ngoài rừng nâng cao tinh thần trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng; tự giác giao nộp vũ khí, bẫy; không săn, bắn động vật rừng. Những người có nguồn sống dựa vào tài nguyên rừng được vận động chuyển đổi nghề khác để sinh sống.
* Xâm phạm rừng còn nhiều
Các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành nhiều biện pháp đấu tranh mạnh với các đối tượng cố tình vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý bảo vệ rừng; tăng cường tuần tra nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ vi phạm. Gọi hỏi, răn đe đối tượng có biểu hiện nghi vấn thường xuyên săn bắn, kinh doanh, nuôi nhốt động vật rừng; vận chuyển, khai thác, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép... Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng xâm phạm tài nguyên rừng vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đầu tháng 9-2015, Tổ kiểm tra, truy quét bảo vệ rừng huyện Vĩnh Cửu phối hợp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai kiểm tra, bắt quả tang Trần Văn Biên (ngụ xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu) đang vận chuyển 12 cá thể rắn hổ chúa có trọng lượng hơn 14kg, 1 con heo rừng và 1 con cầy vòi hương. Công an huyện Vĩnh Cửu đã khởi tố Biên về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Đồng Nai còn giữ được diện tích rừng khá lớn, đa dạng và phong phú (gần 185 ngàn hécta), trong đó có Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và một số rừng phòng hộ... Đồng Nai còn có hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản; nhiều nhà hàng, quán ăn buôn bán động vật rừng lén lút hoạt động; nhiều hộ dân ở trong và ngoài rừng có nguồn sống chủ yếu dựa vào rừng… Đây là những vấn đề đặt ra đối với những người làm công tác quản lý, bảo vệ rừng trước nguy cơ rừng ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng. |
Trước đó một ngày, lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai phát hiện Bùi Văn Nen và Bùi Văn Ấn (cùng ngụ xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) tàng trữ trái phép 1 súng tự chế và 13 viên đạn nên đã bàn giao 2 đối tượng cùng tang vật cho Công an huyện Vĩnh Cửu thụ lý.
Trong 3 tháng đầu năm 2016, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng toàn tỉnh đã phát hiện 50 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, chủ yếu khai thác rừng trái phép, vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã và vận chuyển, mua bán, cất trữ, chế biến lâm sản.
Trong đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 7 vụ, 7 đối tượng; tang vật thu giữ gần 85m3 gỗ các loại và 3 khẩu súng. Đặc biệt, vào cuối tháng 2-2016, tại ấp 5, xã Mã Đà đã xảy ra vụ sát hại con bò tót khoảng 200kg. Cơ quan công an đã điều tra làm rõ 3 đối tượng là người địa phương liên quan trực tiếp đến vụ này.
* Chung tay bảo vệ rừng
Theo các cơ quan chức năng, đối tượng phá rừng thường hoạt động về đêm, khi gặp bảo vệ rừng chống trả rất quyết liệt. Mặt khác, địa bàn tỉnh có rừng rộng, giáp ranh với các tỉnh hầu hết không còn rừng, dân cư sinh sống trong và ven rừng lớn, đời sống khó khăn.
Một số nhà hàng, quán ăn giáp ranh với rừng còn mua bán động vật rừng nên đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng săn, bắn động vật rừng hoạt động. Nhu cầu sản phẩm từ rừng nhiều nên việc ngăn chặn người dân vào rừng khai thác lâm sản và săn, bắt động vật rừng gặp rất nhiều khó khăn.
Trung tá Võ Đăng Khoa, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh, nhấn mạnh để giữ rừng được tốt hơn, ngoài việc đổi mới nội dung tuyên truyền, cần tuyên truyền đúng đối tượng, di dời các hộ dân sống thưa thớt trong rừng vào khu tập trung đông dân cư để quản lý. Chính quyền các cấp, các ngành cần tạo điều kiện cho các hộ dân sống trong và ven rừng có cuộc sống ổn định hơn… |
Đối tượng vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng, các hộ dân sống trong rừng đang dựa vào rừng phần lớn còn nghèo, trình độ dân trí thấp, không ít người không biết chữ, gia đình đông nhân khẩu, lại không có đất sản xuất nên việc phát hiện, bắt giữ, xử lý đối tượng gặp nhiều khó khăn.
Ngoài việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, phối hợp chặt chẽ các lực lượng truy quét những khu vực trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, theo ông Cao Sỹ Phúc, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn - thiên nhiên văn hóa, Đồng Nai, lực lượng kiểm lâm cần được củng cố lại, trang bị đầy đủ vũ khí, công cụ hỗ trợ, nâng cao đời sống, chế độ phụ cấp cho lực lượng này đủ mạnh về mọi mặt.
Nước ta đang phải đối mặt với hạn hán, xâm ngập mặn, sự nóng dần lên của trái đất do tác động của con người đến môi trường, trong đó có diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp, tài nguyên rừng ngày càng bị tàn phá. Để hạn chế những hậu quả đó, bằng mọi giá, mọi biện pháp và mọi cách, phải giữ lấy rừng, giữ lấy nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá này. Mỗi người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải tự giác nâng cao ý thức, chung tay góp sức bảo vệ rừng bằng những việc làm, hành động cụ thể.
Văn Nhuệ