Báo Đồng Nai điện tử
En

Sai phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm: Pháp luật sẽ mạnh tay

10:04, 10/04/2016

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7. Một trong những vấn đề quy định trong BLHS năm 2015 được dư luận quan tâm hiện nay là các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, mức xử lý hành vi sai phạm nghiêm khắc hơn.

Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7. Một trong những vấn đề quy định trong BLHS năm 2015 được dư luận quan tâm hiện nay là các hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được quy định cụ thể, rõ ràng hơn, mức xử lý hành vi sai phạm nghiêm khắc hơn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Trần Trung Nhân cho biết việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực VSATTP không phải đến nay luật mới quy định, mà trong BLHS năm 1999 đã có 2 điều 157 và 244 quy định. Tuy nhiên, các điều luật này vẫn còn những tồn tại, vướng mắc khiến cho việc xử lý các trường hợp vi phạm chưa đạt hiệu quả cao, dẫn đến việc các cơ quan chức năng chưa thể xử lý triệt để đối với các hành vi vi phạm. Để giải quyết những tồn tại đó, BLHS năm 2015 đã cụ thể hóa các điều luật và có thêm những quy định rõ ràng hơn trong việc xử lý các hành vi vi phạm trên lĩnh vực VSATTP.

* Vậy, BLHS năm 2015 đã có những thay đổi như thế nào trong việc xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực VSATTP, thưa ông?

- So với Điều 157 BLHS năm 1999 về tội sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm…, Điều 193 BLHS năm 2015 cũng quy định tội danh này, nhưng có những sửa đổi mang tính cụ thể hóa. Cụ thể, các dấu hiệu định khung hình phạt quy định tại Điều 157 BLHS năm 1999 còn mang tính trừu tượng, như: “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng” đã được cụ thể hóa tại Điều 193 BLHS năm 2015. Như tại khoản 2: “gây tổn hại sức khỏe cho 1 người từ 31-60%; gây tổn hại sức khỏe cho 2 người mà tổng tổn hại sức khỏe từ 31-60%; thiệt hại về tài sản từ 100-500 triệu đồng”; khoản 3: “gây tổn hại sức khỏe cho 1 người từ 61% trở lên…, gây thiệt hại tài sản từ 500 triệu đến 1,5 tỷ đồng”…

Ngoài ra, Điều 193 BLHS năm 2015 đã bổ sung các dấu hiệu định khung hình phạt liên quan đến trị giá của các lô hàng giả bị phát hiện, số tiền thu lợi bất chính của đối tượng… Đặc biệt, đã bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân khi phạm tội này với hình phạt chủ yếu bằng tiền (mức thấp nhất 1 tỷ đồng và cao nhất là 18 tỷ đồng).

Đối với tội vi phạm quy định về VSATTP, Điều 317 BLHS năm 2015 đã bổ sung các hành vi vi phạm quy định về VSATTP có tính nguy hiểm cho xã hội. Cụ thể, sẽ xử lý hình sự các hành vi: sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến bảo quản thực phẩm, hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ thực phẩm có sử dụng chất cấm; sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm; sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng, hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này, hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm; chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm, sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm…

* Với những quy định đó, theo ông, BLHS năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7) sẽ có tác động như thế nào đến việc xử lý trong lĩnh vực VSATTP?

- Với những sửa đổi khác về phạm vi chủ thể, về trách nhiệm hình sự, cũng như những sửa đổi đối với các tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm sẽ là những cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm những hành vi sử dụng chất cấm trong quá trình chăn nuôi. Theo tôi, với những sửa đổi đáng kể đó, chắc chắn BLHS năm 2015 sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo vệ VSATTP ở nước ta. Những quy định này đi vào cuộc sống sẽ là một chế tài mạnh để ngăn chặn các hành vi kinh doanh thực phẩm mất đạo đức, gây nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe con người.

Khoản 4, Điều 317 BLHS năm 2015 quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 12-20 năm: làm chết 3 người trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; thu lợi bất chính 1 tỷ đồng trở lên”.

* Thường thì các hộ gia đình, chủ doanh nghiệp khi bị phát hiện vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đều cho rằng do thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật nên mới vi phạm, theo ông, đây có phải là thực tế, các ngành chức năng cần có giải pháp gì trước thực tế đó?

Với cách nói đó, có thể thấy một phần họ biết nhưng vẫn cố tình vi phạm; số khác có thể do họ không biết nên mới vi phạm, nhưng bất kể lý do nào cũng không thể chấp nhận được. Đối với các ngành chức năng, đặc biệt lực lượng quản lý lĩnh vực VSATTP, phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu rõ các quy định của pháp luật, để từ đó họ chấp hành.

Như tôi đã nói, trước hết chúng ta phải làm cho người dân nắm và hiểu rõ từng quy định cụ thể của luật trong lĩnh vực này. Người dân phải biết hành vi nào là vi phạm, bị cấm…, sau đó mới tính đến việc xử lý. Để làm việc này, các phương tiện truyền thông và các cơ quan chức năng, tổ chức, đoàn thể… phải tăng cường tuyên truyền, phải giúp mọi người dân hiểu được quy định của pháp luật về lĩnh vực đó.

* Luật đã có, việc còn lại là hành động của các cơ quan thực thi pháp luật. Theo ông, việc giám sát của cơ quan chức năng sẽ như thế nào?

- Khi luật đã có hiệu lực, các cơ quan tư pháp sẽ phải phối hợp chặt chẽ để cùng theo dõi, giám sát, phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực VSATTP nói riêng. Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến VSATTP. Thời gian tới đây, các cơ quan tố tụng sẽ giám sát, theo dõi, nếu phát hiện sai phạm liên quan lĩnh vực này sẽ nhanh chóng điều tra, truy tố và đưa ra xét xử lưu động để giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung.

* Xin cảm ơn ông!

Trần Danh (thực hiện)

 

 

 

 

Tin xem nhiều