Không có thành tích tham gia chiến đấu, lại bị kết án về tội đào ngũ, nhưng ông Phạm Văn Quý (74 tuổi, quê tỉnh Thái Bình, ngụ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) đã nảy sinh ý định làm giả hồ sơ nhằm hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước đối với người có công.
Không có thành tích tham gia chiến đấu, lại bị kết án về tội đào ngũ, nhưng ông Phạm Văn Quý (74 tuổi, quê tỉnh Thái Bình, ngụ thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) đã nảy sinh ý định làm giả hồ sơ nhằm hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước đối với người có công.
Để rồi ở độ tuổi “cổ lai hy”, ông Quý lại phải ra tòa lãnh án.
* Tự “nổ” thành tích cá nhân
Theo kết quả điều tra, từ năm 1959-1973, ông Quý đã 4 lần bị kết án và 2 lần bị đưa đi cải tạo về các hành vi: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo giấy tờ của cơ quan tổ chức, giả danh bộ đội... Đặc biệt, trong năm 1973, ông Quý đã bị Tòa án quân sự xử phạt 10 năm tù về tội trộm cắp tài sản và tội đào ngũ.
Mặc dù đã có một bản lý lịch đen tối như vậy, nhưng sau khi về huyện Long Thành sinh sống, ông Quý xin tham gia hoạt động trong Hội Cựu chiến binh địa phương và tiếp tục làm giả hồ sơ để được hưởng trợ cấp hàng tháng do bị nhiễm chất độc hóa học với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 40%, mức hưởng hơn 1,4 triệu đồng/tháng. Đến tháng 5-2014, mức hưởng trợ cấp của ông Quý được tăng lên hơn 1,5 triệu/tháng do tỷ lệ suy giảm sức khỏe của ông Quý là 53%.
Để qua mặt địa phương và các cơ quan chức năng, ông Quý đã khai lý lịch hoạt động với các chức vụ như: tháng 1-1965, giữ chức vụ Trung đội phó đơn vị C3D8E66F304 (chiến đấu ở Tây Nguyên và TP.Hồ Chí Minh); tháng 1-1972, giữ chức Trung đội trưởng đơn vị C3D8E66F304 (chiến đấu ở Quảng Trị); tháng 2-1979 là Trung úy, Đại đội phó đơn vị C3D8E66F304 (chiến đấu ở Campuchia) và kèm theo đó là các huân, huy chương chiến công giải phóng hạng nhất, hạng ba; huân chương chiến sĩ giải phóng hạng nhất, nhì, ba. Sau đó, ông Quý nhờ ông Nguyễn Đức Cuông (khi đó là Phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Long Phước) và ông Lê Quang Trung (từng công tác tại Sư đoàn 304) xác nhận cùng tham gia chiến đấu với mình.
Do nghi ngờ về thành tích của ông Quý, người dân địa phương đã làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, bằng cách thức trên, từ tháng 1-2009 đến tháng 4-2015, ông Quý đã qua mặt cơ quan chức năng để hưởng trợ cấp của Nhà nước số tiền hơn 175 triệu đồng.
* Huân chương mua với giá 50 ngàn đồng
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 29-3, ông Quý khẳng định từng tham gia quân ngũ. Tuy nhiên, các đơn vị quân đội chứng minh là không có thực. Từ những chứng cứ có trong hồ sơ, ông Quý buộc phải thừa nhận bản thân đã khai man thành tích và biện minh với lý do hết sức ngây ngô: “Bị cáo muốn vào bộ đội, bị cáo không đăng ký nhập ngũ mà đi ngang, nhập vào đơn vị bộ đội nào thì bị cáo đi theo đơn vị đó”.
Tòa án nhân dân huyện Long Thành đã tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Quý 3 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời buộc ông Quý phải trả lại số tiền ông này đã chiếm đoạt của Nhà nước. |
Một điểm đáng chú ý theo lời ông Quý khai tại tòa là số huân, huy chương ông có đều được mua của một người không rõ lai lịch. “Khi bị cáo ra Hà Nội chơi thì có một người tới gặp bị cáo, hỏi có chế độ chính sách gì chưa rồi ông ta bảo bị cáo ghi họ tên, đơn vị chiến đấu... để làm hồ sơ. Bị cáo đã mua 3 cái huân chương với giá 50 ngàn đồng/cái” - ông Quý khai nhận.
Hành vi của ông Quý đã bị vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa lên án mạnh mẽ: “Việc giả mạo hồ sơ để hưởng chế độ của bị cáo đã ảnh hưởng đến chính sách của Nhà nước đối với người có công, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự xã hội”.
Được nói lời sau cùng, ông Quý cho biết: “Bị cáo bị truy tố trước pháp luật là đúng, bị cáo sai thì bị cáo nhận. Gia đình bị cáo khó khăn, giờ bị cáo đã già, tuổi cao, sức yếu nên xin tòa xem xét xử mức án nhẹ cho bị cáo”.
Ở bên dưới nghe từng lời của ông Quý, những người thân trong gia đình chỉ biết khóc và hy vọng ông sớm ngày được trở về đoàn tụ.
Thiên Quyết