Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh báo nạn làm giả giấy tờ để xin việc

11:04, 10/04/2016

Huyện Trảng Bom có nhiều khu công nghiệp, tập trung dân cư từ nhiều địa phương khác đến sinh sống và làm việc. Trước nhu cầu làm giả giấy tờ xin việc của người lao động, nhiều đối tượng đã sử dụng các máy photocoppy, máy in màu, con dấu giả… để làm các loại giấy tờ giả đem bán, nhằm thu lợi bất chính.

Huyện Trảng Bom có nhiều khu công nghiệp, tập trung dân cư từ nhiều địa phương khác đến sinh sống và làm việc. Trước nhu cầu làm giả giấy tờ xin việc của người lao động, nhiều đối tượng đã sử dụng các máy photocoppy, máy in màu, con dấu giả… để làm các loại giấy tờ giả đem bán, nhằm thu lợi bất chính.

Vì muốn có tấm bằng tốt nghiệp hay một bộ hồ sơ xin việc mà không cần phải học hay về quê chứng thực, nhiều người đã chọn cách mua hồ sơ giả, tạo điều kiện cho một số đối tượng móc nối thực hiện hành vi làm giả con dấu, các loại giấy tờ, bằng cấp để thu lợi bất chính.

* Làm giả giấy tờ tinh vi

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Trảng Bom vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Lương Văn Hạnh (46 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan Nhà nước, tổ chức.

Theo kết quả điều tra ban đầu, vào năm 2015, bị can Hạnh đã mở tiệm photocoppy và in ấn các loại giấy tờ. Nhiều lần được người lao động hỏi mua các loại bằng cấp, giấy tờ giả, ông Hạnh đã nảy sinh ý định làm giả giấy tờ để bán.

Khoảng 9 giờ ngày 21-3, khi ông Hạnh đang giao một bằng tốt nghiệp THPT giả mang tên Trần Anh Tâm có dấu mộc đỏ của Sở GD-ĐT Đồng Nai và 2 bằng tốt nghiệp photocoppy công chứng có dấu đỏ của UBND xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) thì bị Công an huyện Trảng Bom bắt quả tang. Cùng lúc này, Công an huyện Trảng Bom cũng phát hiện anh Nguyễn Hữu Duy Diệu (27 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3) cầm một bằng tốt nghiệp THPT giả có dấu đỏ của UBND xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) mang tên anh Diệu đến đưa cho ông Hạnh để sửa năm sinh, do trước đó ông Hạnh làm sai.

Trước đó, vào ngày 27-1, 2 đối tượng Phan Hoài Thu (37 tuổi, ngụ xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất) và Lương Thị Nga (60 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) đã bị Công an huyện Trảng Bom bắt giữ về hành vi làm giả con dấu, chữ ký của cơ quan, tổ chức.

Trong quá trình làm công nhân tại Công ty TNHH J. (Khu công nghiệp Bàu Xéo, huyện Trảng Bom), Thu quen biết và nhận làm giả hồ sơ xin việc cho 2 chị Nguyễn Thị Lệ Thủy và Hồ Thị Kim Hòa. Khi đó, Thu yêu cầu 2 người này đưa cho Thu 5 tấm ảnh chân dung 4x6cm, bản sao giấy chứng minh nhân dân, bản sao hộ khẩu và tiền. Sau đó, Thu mang những thứ này đến nhờ bà Nga làm giả hồ sơ xin việc cho 2 chị Thủy và Hòa.

Nhận lời Thu, bà Nga lại nhờ một thanh niên (chưa rõ lai lịch) làm giả 2 bộ hồ sơ xin việc rồi bán lại cho Thu. Ngoài ra, bà Nga còn tự làm giả 2 bộ hồ sơ xin việc khác để bán cho khách của mình để thu lợi bất chính.

* Làm giả giấy tờ, lợi bất cập hại

Theo lời khai của Thu và bà Nga, cả hai không trực tiếp làm các loại giấy tờ giả, mà chủ yếu mua đi bán lại kiếm lời. Mỗi bộ hồ sơ làm giả, bà Nga và Thu lấy của người lao động từ 1-1,2 triệu đồng. Khi thấy người lao động có nhu cầu làm giả hồ sơ xin việc hay bằng cấp, giấy tờ, Thu sẽ chỉ đường vẽ lối cho họ và đem hồ sơ đến cho bà Nga làm giúp để thu lợi 200 - 300 ngàn đồng/bộ hồ sơ.

Khi khám xét nơi ở của bà Nga, cơ quan điều tra đã thu giữ 1 hộp mực dùng đóng dấu, 1 con dấu bản sao bằng nhựa, 1 con dấu giả của Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom và các loại giấy tờ giả đã làm sẵn. Làm việc với cơ quan điều tra, bà Nga và Thu khai đã thực hiện hành vi phạm tội từ tháng 9-2015.

Không mua đi bán lại, cũng không có các con dấu giả, nhưng ông Hạnh lại có cách làm giấy tờ giả tinh vi hơn. Theo lời ông Hạnh khai tại cơ quan điều tra, ông lên mạng tìm kiếm các con dấu rồi in màu ra phôi bằng đã ghi thông tin của người mua. Sau đó, ông Hạnh ký khống lên phôi bằng. Riêng dấu giáp lai in nổi trên tấm ảnh được dán trong bằng giả, ông Hạnh đã dùng một con dấu bằng nhôm đóng vào để làm dấu nổi. Mỗi tấm bằng giả, ông Hạnh lấy của người mua 1,2 triệu đồng.

Trước thực trạng làm giả giấy tờ trên địa bàn huyện Trảng Bom, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Công an huyện Trảng Bom, cho biết: “Công an huyện đã quyết liệt đấu tranh triệt phá các tụ điểm, bắt giữ các đối tượng làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức để mang lại sự công bằng cho xã hội. Việc sử dụng giấy tờ giả để xin việc sẽ khiến người lao động mất hết quyền lợi của mình khi làm việc, như: việc hưởng bảo hiểm xã hội, tranh chấp lao động, các chế độ theo Luật Lao động; hoặc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Còn đối với người làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức thì sẽ phải lãnh bản án tương xứng với hành vi mình đã gây ra”. Do đó, Thượng tá Hải khuyến cáo người dân phải luôn sáng suốt, đừng vì lợi nhuận hay sự thuận tiện trước mắt mà để lại hệ lụy lâu dài về sau.

Tố Tâm

 

 

 

Tin xem nhiều