Sau khi bà N.T.U. qua đời, giữa ông Đ.N.S. (ngụ xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, con bà U.) và chị gái là Đ.T.T. xảy ra tranh chấp phần đất cha mẹ để lại. Bà T. cho rằng, trước khi chết bà U. đã lập di chúc để lại mảnh đất cho bà thừa kế. Còn ông S. thì ta thán, việc làm của bà T. vừa gây mất tình cảm chị em ruột thịt, vừa bất hiếu với mẹ.
Sau khi bà N.T.U. qua đời, giữa ông Đ.N.S. (ngụ xã Phú Sơn, huyện Tân Phú, con bà U.) và chị gái là Đ.T.T. xảy ra tranh chấp phần đất cha mẹ để lại. Bà T. cho rằng, trước khi chết bà U. đã lập di chúc để lại mảnh đất cho bà thừa kế. Còn ông S. thì ta thán, việc làm của bà T. vừa gây mất tình cảm chị em ruột thịt, vừa bất hiếu với mẹ.
* Dấu hỏi trái tim
Sinh sống với cha mẹ từ nhỏ, sau khi cha mất, ông S. vẫn giữ trọn chữ hiếu chăm sóc mẹ già bệnh tật. Ngày 6-9-2004, bà T. thỏ thẻ với vợ chồng ông S. cho bà đưa mẹ đi chơi.
Bản di chúc không được UBND xã Phú Sơn đóng dấu dù có lời phê và chữ ký. |
Tuy nói với vợ chồng người em như vậy, nhưng bà T. lại làm điều đã chuẩn bị trước, đó là đưa bà U. ra UBND xã lập di chúc cho bà được thừa kế mảnh đất trên 1,6 hécta (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà U., phần đất này gia đình ông S. đang sinh sống, sản xuất). Theo nội dung di chúc, bà T. có quyền canh tác trên phần đất của bà U.; nếu sau này bà T. vì hoàn cảnh gia đình khó khăn thì được toàn quyền chuyển nhượng mảnh đất để cải thiện cuộc sống và thờ cúng tổ tiên.
Di chúc bà U. để lại trước khi qua đời đã thật sự đẩy gia đình ông S. vào tình cảnh tréo ngoe. Ông S. cho biết, cha mẹ ông có 6 người con. Năm 1977, cha ông qua đời (không để lại di chúc) và từ đó ông chăm sóc bà U. cho đến khi mẹ mất. Trong quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc mẹ già, vợ chồng ông S. không để xảy ra chuyện gì để mẹ buồn lòng, dẫn đến việc bà âm thầm xác lập quyền thừa kế di sản cho bà T. “Chuyện chị T. thông báo mẹ tôi làm di chúc để lại mảnh đất cho một mình chị ấy thừa kế khiến tôi và các anh chị em khác rất bất ngờ. Xét về tình cảm, mẹ phải xác lập di chúc cho vợ chồng tôi, hoặc cho tất cả anh chị em theo pháp luật. Do đó, tôi và các anh chị em khác nghi ngờ có sự khuất tất trong việc mẹ tôi lập di chúc để lại mảnh đất cho chị T. trước khi bà qua đời” - ông S. nói.
* Tại mẹ hay tại chị?
Cầm trên tay bản sao di chúc của mẹ, ông S. run run giọng nói: “Sau khi tham vấn nhiều luật gia và luật sư, tôi càng có cơ sở hoài nghi bản di chúc chị T. đưa ra là giả, hoặc được xác lập không đúng pháp luật. Bởi lẽ, trong thời gian lập di chúc, tinh thần mẹ tôi không minh mẫn, UBND xã Phú Sơn không đóng dấu vào di chúc sau khi ký tên và dấu lăn tay của mẹ tôi không rõ ràng”.
Theo luật gia, luật sư Lưu Hồng Khanh (Hội Luật gia tỉnh), bản di chúc dù có được xác lập hợp pháp, nhưng sai về nội dung và hình thức (không đóng dấu, xác lập khi người mẹ không minh mẫn, lập di chúc sai về quyền định đoạt tài sản…) thì tính pháp lý của nó không cao. |
Lý lẽ của ông S. cũng có cơ sở khi ông được 6 người hàng xóm xác nhận việc vợ chồng ông nuôi dưỡng và chăm sóc bà U. từ năm 1977 đến khi bà mất. Bà T. tuy là con gái của bà U., nhưng không một ngày nuôi dưỡng, lại thường xuyên vắng mặt tại nơi cư trú vì chuyện làm ăn, trong khi hoàn cảnh của vợ chồng ông S. thuộc dạng hộ nghèo của xã, sống có hiếu với mẹ già bệnh tật. Để bảo vệ lẽ phải và tình cảm của mẹ dành cho vợ chồng và các con mình sau bao năm phụng dưỡng, ông S. đã mạnh dạn tìm đến Hội Luật gia tỉnh nhờ hỗ trợ pháp lý khi bị bà T. khởi kiện ông ra tòa để đòi đất.
Từ ngày bà T. khởi kiện em trai đòi lại quyền thừa kế mảnh đất cha mẹ để lại, ông S. chỉ biết thắp nhang khấn mẹ sớm “giải oan” cho mình. Ông tâm sự rằng, bà T. không chỉ làm rạn nứt tình nghĩa chị em ruột thịt, mà còn gây ra sự xào xáo, hiểu lầm giữa các anh chị em của ông. “Có thể chị T. lừa dối mẹ tôi trong lúc bà không còn minh mẫn để lập di chúc để lại mảnh đất cho chị ấy, chứ thật ra mẹ tôi không cố ý làm như vậy để bây giờ các con kiện tụng, tranh giành nhau tài sản” - ông S. nói.
Đoàn Phú