Báo Đồng Nai điện tử
En

Những vướng mắc trong giám định tư pháp

11:11, 22/11/2015

Một trong những vấn đề gây vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự là công tác giám định tư pháp. Việc thiếu giám định viên tư pháp, vai trò pháp lý của giám định viên, thời gian giám định kéo dài…, là những trở ngại mà nhiều cán bộ điều tra, kiểm sát viên cảm thấy "đau đầu" trong quá trình thụ lý giải quyết các vụ án hình sự.

Một trong những vấn đề gây vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự là công tác giám định tư pháp. Việc thiếu giám định viên tư pháp, vai trò pháp lý của giám định viên, thời gian giám định kéo dài…, là những trở ngại mà nhiều cán bộ điều tra, kiểm sát viên cảm thấy “đau đầu” trong quá trình thụ lý giải quyết các vụ án hình sự.

* Giám định ma túy gặp khó

Thời gian gần đây, nhiều cán bộ điều tra hay “than phiền” quy định giám định tư pháp trong lĩnh vực điều tra tội phạm về ma túy đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra. Theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 234 của Tòa án nhân dân tối cao (ban hành ngày 17-9-2014) thì tòa án các cấp phải quán triệt và triển khai thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17 của Bộ Công an - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp hướng dẫn về việc áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999. Cụ thể: “Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17 thì trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là ma túy, hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”.

Để xác định được giấy tờ giả cần phải qua công tác giám định.  Trong ảnh: Giấy tờ giả công an thu giữ trong một vụ án.
Để xác định được giấy tờ giả cần phải qua công tác giám định. Trong ảnh: Giấy tờ giả công an thu giữ trong một vụ án.

Công văn của Tòa án nhân dân tối cao cũng xác định, nếu chỉ căn cứ vào kết quả giám định về trọng lượng của các chất nghi là chất ma túy để kết tội các bị cáo, mà không yêu cầu xác định hàm lượng chất ma túy trong các chất thu được… sẽ dẫn đến hậu quả có thể xét xử oan, sai.

Nói về quy định này, ông Nguyễn Hùng Cường, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án an ninh, ma túy Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, cho rằng trên thực tế việc điều tra các vụ án ma túy đang gặp bế tắc chính do công tác giám định.

Theo ông Cường, mẫu vật trong các vụ án ma túy nhỏ, lẻ thu được rất ít, chỉ tính bằng “tép”; nếu để giám định được tất cả các yếu tố: trọng lượng, hàm lượng (tỷ lệ) và loại (chất) thì không đủ mức để xử lý hình sự. Vì vậy, các vụ án liên quan đến ma túy nhỏ, lẻ thường không xử lý hình sự được. Cũng theo ông Cường, hiện nay đã xuất hiện nhiều loại chất ma túy mới pha chế nên khi cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ chưa có mẫu để so sánh.

Trước thực tế đó, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét lại các quy định để phù hợp với từng trường hợp khi đưa vụ việc ra giải quyết.

* Thành lập tổ chức giám định từng lĩnh vực

Ngoài những vướng mắc trong công tác giám định chất ma túy, việc giám định trên các lĩnh vực khác cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Phước Vinh, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án kinh tế, chức vụ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, cho biết quá trình điều tra các vụ án liên quan đến kinh tế, chức vụ, điều tra viên và kiểm sát viên gặp nhiều áp lực do công tác giám định gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Vinh, để có cơ sở giải quyết các vụ án hình sự có liên quan đến công tác giám định, luật yêu cầu giám định viên phải được bổ nhiệm giám định viên tư pháp mới có giá trị. Trong khi đó, cán bộ giám định trong lĩnh vực kinh tế, tài chính rất ít, nên hầu hết các vụ án liên quan đến giám định thiệt hại về tài sản của người dân thường phải kéo dài. Đã có nhiều vụ án, cán bộ điều tra phải trưng cầu giám định ở các trung tâm của các bộ, ngành Trung ương mới có kết quả.

Cũng theo ông Vinh, trong các vụ án kinh tế, việc xác định tài sản bị thiệt hại, như: đất đai, giấy tờ thế chấp ngân hàng, hợp đồng tín dụng, các loại hàng hóa…, do quá trình điều tra vụ án kéo dài dẫn đến tài sản bị thất thoát nên rất khó xác định thiệt hại.

Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, còn có nhiều lĩnh vực khác gặp không ít khó khăn trong công tác giám định.

Ông Nguyễn Hùng Cường nêu vấn đề: “Trong lĩnh vực an ninh kinh tế, có những vụ án có liên quan đến lượng thuốc nổ rất lớn, nhưng nếu đưa cả tấn thuốc nổ đi giám định không thể được. Tuy nhiên, nếu chỉ lấy mẩu để giám định thì vụ án không được trọn vẹn”.

Khoản 1, điều 7, Luật Giám định tư pháp quy định: “Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp: Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 5 năm trở lên. Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 3 năm trở lên. Đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo, hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định”.

Ông Cường cho biết thêm, nếu nói về khó khăn trong công tác giám định, còn phải kể đến giám định cổ vật, giám định tiền giả, giám định trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa… Để giám định cổ vật cần phải có những chuyên gia về lĩnh vực này. Những người này phải được cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm là giám định viên tư pháp mới có thể đảm nhận công tác giám định trong các vụ án liên quan.

Trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, theo ông Cường, đến nay tỉnh chưa có giám định viên tư pháp nên các vụ án liên quan đến lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, tài liệu được cho là phản động…, đều phải gửi Hội đồng giám định tại TP.Hồ Chí Minh. Thế nhưng, để nhận một kết quả giám định về lĩnh vực này phải chờ từ 3-6 tháng.

Trước những vướng mắc như đã nêu trên, theo ý kiến của nhiều người, trên mỗi lĩnh vực các cơ quan có thẩm quyền nên thành lập hội đồng giám định và bổ nhiệm các giám định viên tư pháp để kịp thời đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc.

Đối với lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, mới đây Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã có công văn kiến nghị UBND tỉnh tổ chức đào tạo cho các giám định viên đủ điều kiện thực hiện việc giám định các tài liệu liên quan; thành lập tổ chức giám định tài liệu trên lĩnh vực an ninh - văn hóa để giám định những trường hợp vi phạm pháp luật trên lĩnh vực này.

Danh Trường

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều