Hơn 2 năm nay, người dân ấp 1, xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) rất hoang mang vì hàng ngày phải đối mặt với hiểm nguy có thể rơi xuống hố "tử thần" bất cứ khi nào.
Hơn 2 năm nay, người dân ấp 1, xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ) rất hoang mang vì hàng ngày phải đối mặt với hiểm nguy có thể rơi xuống hố “tử thần” bất cứ khi nào. Hố sâu có diện tích khoảng 4 hécta, sâu 7-8m, nhưng không hề được rào chắn hay treo biển cảnh báo. Đây là hệ quả của việc khai thác đất làm nền đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây nhưng không hoàn thổ.
Hồ nước sâu nguy hiểm sau khai thác đất. |
Hiện tại, mức nước ở hố “tử thần” dâng lên cao, do mưa lớn đất ở 2 bên thành hố bắt đầu xảy ra tình trạng sạt lở và sụt lún, trở thành “cái bẫy” chết người khó lường.
* Hiểm nguy với “bẫy” chết người
Theo phản ánh của người dân địa phương, vào mùa mưa, nước trong hố ngập đến gần mép thành, nếu đi qua khu vực này không quan sát cẩn thận có thể sẩy chân rơi xuống hố sâu. Nguy hiểm là vậy, nhưng xung quanh miệng hố rộng lớn không có bất kỳ rào chắn hay biển cảnh báo nguy hiểm.
Vị trí của hố “tử thần” nằm trên khu đất cao, rộng lớn, xung quanh được bao bọc bởi các rẫy điều, cà phê và cây ăn trái của người dân. Từ năm 2012, sau khi dự án đường cao tốc được triển khai, đơn vị thi công đến đây mua đất làm nền đường, một số hộ dân đã tiến hành bán đất.
Đến tháng 5-2013, việc khai thác đất làm đường hoàn thành. Tuy nhiên, đơn vị đứng ra mua đất không hề thực hiện đúng như cam kết, không hoàn thổ để trồng cây tái tạo môi trường, cũng không rào chắn cẩn thận. Một diện tích rộng lớn bị khai thác quá mức, tạo thành những hố nước sâu hoắm. Người dân không khỏi bức xúc, bởi nếu không được san lấp kịp thời, một thời gian ngắn nữa, hố tử thần sẽ “nuốt” những phần đất xung quanh, lúc đó nguy hiểm sẽ khó lường.
Đúng như nhận định của nhiều người, mùa mưa năm 2013, nước dâng ngập gần hết diện tích hố bị khai thác đất. Những chỗ đất yếu còn xảy ra hiện tượng sạt lở. Đến mùa khô, nước rút gần hết, ở những điểm sâu trên 5m, nước đọng lại tạo thành những ao lớn. Người dân và trẻ em còn đến đây tắm giặt, lấy nước về phục vụ sinh hoạt.
“Người lớn rơi xuống đây còn khó có thể thoát ra được, huống hồ trẻ em. Tôi thường căn dặn con cái không được đến gần khu vực này, nhưng vẫn thấy sợ bởi các cháu có thể ham chơi mà quên mất nguy hiểm. Lẽ ra, khi khai thác đất đến đâu thì phải hoàn thổ đến đó, nhưng vì thiếu trách nhiệm, nhà thầu đã “móc ruột” lòng núi tạo ra những vũng nước sâu. Khi có tai nạn chết đuối xảy ra họ không nhận trách nhiệm, còn người dân thì chẳng biết kêu ai” - chị N.T.T. (32 tuổi, sống cạnh khu vực hố nước) nói.
Ghi nhận của phóng viên tại hiện trường cho thấy, cạnh hố nước sâu hiện chỉ còn một hộ dân sinh sống. Để hạn chế tình trạng sạt lở, hộ này đã trồng cây tràm nhằm giữ đất. Trước đây, tận dụng nguồn nước dồi dào, hộ này tiến hành nuôi cá, nhưng được một thời gian phải bỏ vì không đạt lợi nhuận. Từ đó, khu vực này trở nên hoang vắng, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
* Chờ… hoàn thổ
“Cách đây hơn một năm, đã có một đứa trẻ chết đuối vì tắm ở khu vực này. Sau đó, người ta lấy dây thép giăng một đoạn ngắn sát gần đường để cảnh báo, nhưng không ăn thua. Cả một hố nước rộng lớn thế này không hề có biển cảnh báo, biển cấm tắm… Nếu lại xảy ra chết người, ai chịu trách nhiệm đây?” - ông B. (ngụ khu 4, ấp 1, xã Sông Nhạn) bức xúc nói.
Theo một cán bộ UBND xã Sông Nhạn, cái chết đau lòng của cháu bé xảy ra tại vị trí mà trước đây doanh nghiệp đã mua đất để lấy bán cho đơn vị thi công làm nền đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Đường cao tốc hình thành, xã đã cấp phép cho 2 doanh nghiệp khai thác, gồm: Công ty cổ phần Huy Phương (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) và Công ty TNHH SHP (TP.Hồ Chí Minh).
Theo đó, lúc lấy đất, lớp đất màu bên trên phải được giữ lại và trả xuống ao, hố để tái tạo vùng đất mới. Mặt khác, khi đã hoàn thành lấy đất, chủ khai thác phải đảm bảo rào chắn an toàn và trồng cây bao quanh bên trong rào chắn để chống sạt lở ra xung quanh. Tuy nhiên, công trình khai thác đất kết thúc đã lâu, nhưng không hiểu sao doanh nghiệp lại bỏ mặc những hầm hố nguy hiểm đến vậy.
Ông Nguyễn Thanh Nông, Chủ tịch UBND xã Sông Nhạn, cho hay theo quy định, trong quá trình khai thác đất không được đào sâu quá 5m, nhưng thực tế doanh nghiệp đã đào sâu đến 7-8m. Để tránh nguy hiểm cho dân, chính quyền địa phương từng nhiều lần đề nghị doanh nghiệp sớm khôi phục hiện trạng, hoàn thổ vùng đất, nhưng mọi việc không tiến triển, dẫn đến hậu quả một người đã chết.
“Ngày 16-10-2014, ông L.V.Đ., chủ thửa đất cũng là đại diện Công ty cổ phần Huy Phương đã làm văn bản hiến số đất trên cho UBND xã với diện tích gần 20 ngàn m2. Thấy không có nhu cầu sử dụng và không thể quản lý được, địa phương đã trả lại đất cho chủ sở hữu. Ông Đ. có quyền tặng, cho hoặc mua bán với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào theo đúng quy định của pháp luật, nhưng chúng tôi cũng yêu cầu chủ đất phải san lấp diện tích đất trên như hiện trạng trước đây” - ông Nông cho hay.
Võ Nguyên