Báo Đồng Nai điện tử
En

Người chưa thành niên chịu trách nhiệm hình sự đến đâu?

12:09, 30/09/2015

Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi lần này, phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được nhiều chuyên gia, những người làm trong lĩnh vực tư pháp đi sâu phân tích, mổ xẻ tính khả thi trong thực tiễn.

 

Trong dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi lần này, phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội được nhiều chuyên gia, những người làm trong lĩnh vực tư pháp đi sâu phân tích, mổ xẻ tính khả thi trong thực tiễn.

Tội phạm hình sự đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Trong ảnh: Một số bị cáo ra tòa khi ở độ tuổi rất trẻ.
Tội phạm hình sự đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Trong ảnh: Một số bị cáo ra tòa khi ở độ tuổi rất trẻ.

Điều 12 BLHS hiện hành quy định: “Người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng”. Điều 12 dự thảo BLHS sửa đổi kế thừa BLHS hiện hành, nhưng chỉ rõ hơn những tội phạm cụ thể mà người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự.

Những tội danh trẻ chưa thành niên phải bị xử lý

Cụ thể, Điều 12 dự thảo BLHS quy định: “Người đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội: giết người, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, cướp tài sản, cướp giật tài sản và tội rất nghiêm trọng do cố ý, hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây: Điều 133 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); Điều 142 (tội cưỡng dâm); Điều 168 (tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 169 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 172 (tội trộm cắp tài sản); Điều 177 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản); Điều 249 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 253 (tội chiếm đoạt chất ma túy); Điều 275 (tội đua xe trái phép)…”.

Nhiều ý kiến cho rằng, theo quy định của BLHS hiện hành thì các tội danh mà trẻ chưa thành niên phải chịu trách nhiệm hình sự khá rộng, trong khi quy định lại không rõ ràng nên bản thân trẻ chưa thành niên không thể, hoặc khó biết được chính xác khi nào thì hành vi của mình bị coi là phạm tội. Điều này dẫn đến công tác phòng ngừa không đạt hiệu quả.

Trên thực tế, số trường hợp trẻ em từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi tự mình thực hiện hành vi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý, hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng không nhiều và chủ yếu tập trung vào một số tội thuộc nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người; các tội xâm phạm sở hữu. Còn lại, phần lớn các trường hợp khác trẻ chưa thành niên tham gia thực hiện phạm tội là do bị người lớn xúi giục, lôi kéo…, bản thân trẻ chưa thành niên không nhận thức được một cách đầy đủ về tính chất, mức độ nguy hiểm của loại tội phạm mà mình đã thực hiện.

Phải cân nhắc

Ông Nguyễn Phạm Hùng, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự về trật tự xã hội Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, cho rằng thực tế xét xử cho thấy xã hội ngày một phát triển, nhận thức của con người cũng được nâng lên, trong đó nhiều đối tượng đang ở lứa tuổi chưa thành niên nhưng nhận thức đã phát triển sớm hơn tuổi. Vì vậy, khả năng chịu trách nhiệm hình sự của các đối tượng này cần phải quy định sớm hơn.

Theo ông Hùng, quy định như dự thảo BLHS sửa đổi sẽ giảm bớt trách nhiệm hình sự về một số tội danh đối với các đối tượng ở lứa tuổi chưa thành niên. Khi áp dụng vào thực tế sẽ có nguy cơ bỏ lọt tội phạm; một số đối tượng gây nguy hiểm cho xã hội sẽ không được xử lý. Qua thực tế xét xử các vụ án hình sự, cho thấy các đối tượng phạm tội đang ngày càng trẻ hóa. Nếu nói các đối tượng phạm tội trong lứa tuổi chưa thành niên do người lớn xúi giục thì chưa hoàn toàn chính xác.

Ông Hùng cho biết thêm, chủ trương chung là giảm hình phạt tù, bỏ bớt hình phạt tử hình và quan tâm hơn đến quyền trẻ em. Tuy nhiên, việc quy định luật cũng cần phù hợp với thực tế phát triển của xã hội.

Trao đổi về nội dung này, ông Đặng Hữu Công, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Long Thành, cho rằng dự thảo BLHS sửa đổi đã đặt nặng trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm nhân thân, xâm phạm sở hữu tài sản là phù hợp. Trên thực tế, các loại tội phạm xâm phạm đến nhân thân, tài sản của con người đang ở mức cao. Các loại tội: giết người, hiếp dâm, cướp tài sản… đang diễn ra ngày càng phức tạp. Vì vậy, nếu phạm vào các tội này thì không cần phải đến mức “rất nghiêm trọng”, hay “đặc biệt nghiêm trọng” mới xử lý, mà đã phạm tội phải xử lý ngay mới có tính răn đe.

Đối với một số tội danh mà dự thảo BLHS sửa đổi đã bỏ bớt trách nhiệm hình sự đối với lứa tuổi chưa thành niên, ông Công cho rằng cần phải cân nhắc để tránh bỏ lọt tội phạm.

 

Trần Danh

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều