Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngựa quen đường cũ

10:09, 28/09/2015

Vừa mãn hạn tù về tội cố ý gây thương tích, Nguyễn Quốc Phong (24 tuổi, ngụ phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) lại hầu tòa vì có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Chưa làm được gì cho gia đình, đến thời điểm hiện tại, Phong vẫn là gánh nặng, là nỗi phiền muộn của cha mẹ.

Vừa mãn hạn tù về tội cố ý gây thương tích, Nguyễn Quốc Phong (24 tuổi, ngụ phường Tân Tiến, TP.Biên Hòa) lại hầu tòa vì có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Chưa làm được gì cho gia đình, đến thời điểm hiện tại, Phong vẫn là gánh nặng, là nỗi phiền muộn của cha mẹ.

* Mượn xe rồi chiếm đoạt

Vốn là bạn tù của nhau nên Phong thỉnh thoảng gọi điện mời anh L. (ngụ huyện Long Thành) đến TP.Biên Hòa chơi. Ngày 25-4, trong lúc ngồi nói chuyện với anh L. tại một quán nước thuộc phường Long Bình (TP.Biên Hòa), Phong và bạn gái tên Loan (chưa rõ lai lịch) hỏi mượn xe máy của anh L. đi giải quyết việc riêng. Sau khi mượn xe đi được một lúc, Phong quay lại báo cho anh L. biết xe máy đã bị công an tạm giữ, đồng thời hỏi mượn anh L. giấy đăng ký xe và 2 chiếc điện thoại di động để đi “làm thủ tục lãnh xe”. Tin lời bạn, anh L. đã giao giấy đăng ký xe và cho Phong mượn điện thoại di động. Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua vẫn không thấy Phong trả xe, anh L. đã đi trình báo công an. Ngày 9-6, Phong bị công an bắt giữ, còn Loan đã bỏ trốn.

Dù đã 2 lần phải ra tòa lãnh án, nhưng bị cáo Phong vẫn thể hiện sắc mặt tươi tỉnh, luôn cười mỗi khi nói chuyện với người khác. Phong nói: “Tính em nó vậy, cười cho khỏi buồn”.

Sự lạc quan của Phong khiến ông T. (cha của Phong) phải lắc đầu than thở: “Nó vào tù lần này là lần thứ hai nên chắc đã quen rồi…”.

Gây ra vụ án này khiến con đường mà Phong đang đi thật sự tối tăm, bởi Phong chưa phải là người biết lo cho bản thân và lo cho gia đình.

* Trách nhiệm của người con

Trong phần xét hỏi tại tòa, vị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo Phong làm gì để sống thì Phong trả lời: “Bị cáo làm việc kiếm tiền, việc khó nói nên xin cho bị cáo không nói rõ ra đây”.

Việc khó nói của Phong là gì thì không ai biết, nhưng sau khi chấp hành xong bản án tù đầu tiên, Phong không về nhà ở mà ra ngoài thuê phòng trọ rồi chơi với nhóm bạn bụi đời. “Bị cáo sống lang thang, thỉnh thoảng mới về nhà, không thích ở nhà” - Phong trình bày trước tòa.

Trong thời gian sống lang thang bên ngoài, Phong quen biết với Loan qua mạng internet. Được một thời gian thì hai người sống như vợ chồng. Khi Phong bị bắt, Loan biến mất, đám bạn chơi cùng cũng biệt tăm, chỉ có cha mẹ Phong đến nhà tạm giữ thăm hỏi, động viên con.

Tiếp lời chủ tọa phiên tòa, vị đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa phân tích thêm: “Bị cáo chưa có vợ, chưa có con nên chưa hiểu được công lao, tình cảm của cha mẹ đối với bị cáo. Bị cáo chưa phải nuôi ai nên chưa hiểu được giá trị của đồng tiền chân chính”. Nghe vị đại diện viện kiểm sát nói đến đây, Phong chỉ còn biết cúi đầu hối lỗi.

Sự quan tâm, lo lắng của cha mẹ dành cho Phong là vô cùng to lớn, nhưng Phong không hiểu và thường thể hiện sự thiếu trách nhiệm với gia đình. Ông T. chia sẻ: “Nói nó mà nó không nghe, lớn như thế rồi mà nó chưa làm được gì cho tôi hết”. Sự thất vọng, buồn bã càng hiện rõ trên khuôn mặt ông T. khi ông nhìn thấy Phong vẫn cười, vẫn nói tại tòa như không có chuyện gì xảy ra.

Bản án 16 tháng tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản mà Hội đồng xét xử tuyên phạt cho mình khiến bị cáo Phong hơi bất ngờ. Ngồi trên chiếc ghế đá trong lúc chờ các chiến sĩ công an đưa về trại giam, Phong nói: “Em tưởng sẽ phải ngồi tù 18 tháng chứ được thế này cũng mừng, án nhẹ được tháng nào hay tháng đó”.

Khoảng thời gian 16 tháng trong tù có thể sẽ rất có ích cho Phong, bởi nó sẽ giúp Phong suy nghĩ nghiêm túc về bản thân và về trách nhiệm với gia đình.

Thiên Quyết

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều