"Làm cha mẹ phải biết quan tâm đến con cái và tìm hiểu rõ nguyên nhân mới la mắng con, không nên tạo ức chế nhất là khi con tuổi mới lớn để rồi trở thành kẻ giết người như hôm nay".
“Làm cha mẹ phải biết quan tâm đến con cái và tìm hiểu rõ nguyên nhân mới la mắng con, không nên tạo ức chế nhất là khi con tuổi mới lớn để rồi trở thành kẻ giết người như hôm nay”.
Lời vị Hội thẩm nhân dân nhắc nhở cha bị cáo Vũ Đức Thắng (17 tuổi, ngụ xã Bảo Hòa, huyện Xuân Lộc) là lời cảnh tỉnh cho các bậc làm cha mẹ trong việc giáo dục con cái.
* Bữa cơm cuối cùng
Ngày 9-2, ông Vũ Duy Thuận phát hiện con trai Vũ Đức Thắng đang ngồi bấm điện thoại nên nghĩ con không chịu làm việc và la mắng. Trong bữa cơm chiều sau đó, thấy vẻ mặt Thắng tỏ ra lầm lì nên ông Thuận lại la mắng: “Mày làm gì mà mặt cứ lầm lì, làm việc có tí mà cứ như sắp chết”. Nghe cha la mắng hoài, Thắng bực mình cãi lại.
Cho rằng Thắng hỗn láo, ông Thuận và anh Vũ Duy Thiện (anh trai Thắng) đã đánh Thắng. Bị đánh ngã xuống sàn nhà, Thắng đã chụp lấy con dao nằm gần bên đâm một nhát vào người anh Thiện gây tử vong.
Đó là bữa cơm chiều cuối cùng của một gia đình nhỏ ở vùng quê.
Tưởng rằng nỗi ám ảnh đã nguôi ngoai dần theo thời gian, nhưng khi vụ án được đưa ra xét xử thì một lần nữa, những vết thương đang “kéo da non” của gia đình bị cáo Thắng lại bị rỉ máu. Nhà có 4 người con, sau bữa cơm chiều, một người mất mạng, một kẻ vào tù và những bữa cơm chiều sau đó bỗng trở thành nỗi ám ảnh không thể nguôi ngoai đối với những người còn lại.
Mẹ bị cáo Thắng nước mắt ngắn dài nói trong nỗi đau tột cùng: “Gia đình tôi đã tan nát lắm rồi. Đứt ruột đẻ con ra, đâu ngờ lại có nỗi đau như ngày hôm nay. Con tôi còn thơ dại nên xin Hội đồng xét xử thương xót mà cho nó được sớm về nhà làm lại cuộc đời”.
Thấy cha mẹ khóc tại tòa, bị cáo Thắng không dám nhìn đến những giọt nước mắt của họ. “Con hối hận lắm. Con xin lỗi cha mẹ và anh chị rất nhiều, vì con hư nên anh con mới chết… Bị cáo sẽ day dứt và ân hận suốt quãng đời còn lại của mình…” - Thắng bỏ lửng những câu nói nửa vời trong tiếng nấc nghẹn.
Một phiên tòa, không có cái nhìn gai góc đầy thù hận của gia đình bị hại, cũng chẳng có sự phân bua cho hành động của bị cáo, mà chỉ bao trùm nỗi đau của một gia đình. Chẳng ai nói với nhau câu nào, mà chỉ lẳng lặng nhìn bị cáo Thắng với hy vọng bị cáo sẽ sớm được quay về làm lại cuộc đời.
* Còn mãi nỗi day dứt…
Chẳng muốn khơi gợi lại quá nhiều nỗi đau cho người còn sống, phiên tòa xét xử diễn ra nhanh chóng nhưng vẫn làm rõ được bản chất của vụ án.
Vị Hội thẩm nhân dân phân tích: “Bị cáo sai thì có pháp luật trừng trị, lương tâm phán xét. Nhưng nói cho cùng, bị cáo gây án khi còn quá trẻ (chỉ mới 16 tuổi), trong khi bị cha nói oan không chịu làm việc, bị anh trai đánh, rồi cả nhà cùng hùa theo trách móc, la mắng khiến bị cáo ức chế. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến hành động bộc phát giết chết anh trai.
Đó không chỉ là bài học xương máu trong cách dạy con của cha mẹ bị cáo Thắng, mà còn là lời cảnh tỉnh cho những bậc làm cha mẹ luôn áp đặt suy nghĩ của mình đối với con. Đừng để hành động sai lầm của con trở thành bài học khiến cha mẹ phải hối hận như trong vụ án này.
Giờ nghị án, mẹ bị cáo Thắng xin các đồng chí công an được lại gần con để nói dăm câu dặn dò. Bà nhìn con, chốc chốc vuốt mái tóc, bờ vai của con và nói trong nước mắt: “Cha mẹ và mọi người không trách con. Con hãy cải tạo thật tốt rồi lại về với mẹ. Cha mẹ lúc nào cũng thương con cả”.
Nước mắt bị cáo Thắng cứ thế rơi, nhưng bị cáo vẫn không dám một lần ngẩng mặt lên nhìn mẹ. Vấp ngã của bị cáo là bài học quá lớn để làm hành trang trong cả quãng đời còn lại.
4 năm tù giam là thời gian không dài đối với bị cáo Thắng, nhưng nỗi ân hận, sự day dứt của bản án lương tâm không biết bao giờ mới được nguôi ngoai. Nặng nề bước lên xe chở phạm nhân về lại trại giam, bị cáo chỉ kịp ngoái lại nhìn người nhà nói vội một câu: “Con xin lỗi…”.
Tố Tâm