"Khi gặp nguy hiểm, khó khăn trong công việc, tôi luôn tự nhủ, nếu ai cũng tránh né cái khó, cái xấu thì ai sẽ đối đầu với chúng…" - ông Trần Anh Kiệt, Trưởng công an xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ), cho biết.
“Khi gặp nguy hiểm, khó khăn trong công việc, tôi luôn tự nhủ, nếu ai cũng tránh né cái khó, cái xấu thì ai sẽ đối đầu với chúng…” - ông Trần Anh Kiệt, Trưởng công an xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ), cho biết.
Ông Trần Anh Kiệt triển khai công tác với công an viên. |
Ông Kiệt là một trong số rất ít công an viên được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì những đóng góp trong hơn 20 năm công tác trong lực lượng công an xã.
* Luôn nỗ lực
Năm 1992, ông Kiệt tham gia lực lượng Công an xã Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ). Hai năm sau, ông được điều về công tác ở xã Long Giao. Do nhiệt tình trong công việc và hăng hái tham gia các công tác ở địa phương, vào năm 2000, ông vinh dự được kết nạp Đảng. “Lúc đó tôi được những người đi trước động viên, tạo điều kiện rất nhiều. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng thật nhiều để được mọi người ghi nhận” - ông Kiệt cho biết.
Nói đi đôi với làm, khi nghe thông tin địa phương cần cán bộ không chuyên trách để tham gia huấn luyện nghiệp vụ trong quân đội, ông Kiệt liền xung phong để vực dậy tinh thần cho mọi người. Sau 2 năm chuyên tâm rèn luyện trong quân ngũ, ông về lại địa phương để nhận lại nhiệm vụ công tác. Lúc này, do có nhiều sáng kiến và nhạy bén trong công việc, được dân tin yêu…, ông được bổ nhiệm làm Phó trưởng công an xã Long Giao.
Ông Kiệt Tâm sự: “Lúc đó tôi mới 29 tuổi à, tuổi đời, tuổi nghề đều còn trẻ. Thấy mọi người tin tưởng giao trọng trách thì tôi phải cố sức để thực hiện tất cả nhiệm vụ chứ không dám tự mãn đâu”.
Chính nhờ sự kiên định và quyết tâm trong công việc như vậy nên ông rất được lòng người dân trong và ngoài xã.
Anh Trọng, một người dân ở xã Long Giao, cho biết: “Ông Kiệt nhiệt tình với bà con lắm. Không chỉ giỏi công việc, ông Kiệt còn hay giúp đỡ người dân địa phương. Năm nào ông Kiệt cũng vận động mạnh thường quân kinh phí để giúp đỡ đồng đội và những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã”.
* Không ngại hiểm nguy
Nhắc đến những kỷ niệm trong quá trình tham gia công an xã của mình, ông Kiệt chạnh lòng kể lại: “21 năm đứng trong lực lượng công an xã, vui có, buồn cũng có, nhưng có lẽ đến cuối đời tôi vẫn không thể quên được ngày đồng đội của tôi ngã xuống vào chiều 19-7-2011”.
Theo lời ông Kiệt, chiều hôm đó, ông đang trực cơ quan thì nhận được tin báo có 2 tên cướp sử dụng súng đang di chuyển từ địa bàn xã Xuân Đường (huyện Cẩm Mỹ) về hướng Long Giao. Ngay lập tức, ông điều động 3 công an viên đi theo tiếp ứng và hỗ trợ Công an huyện truy bắt 2 tên cướp manh động. Đến vòng xoay Long Giao, biết thông tin một tên cướp trốn xuống mương thoát nước ven đường, tên còn lại chạy trốn vào rẫy nhà dân, ông Kiệt liền bám theo kẻ trốn vào nhà dân. “Lúc nghe phát súng và phát hiện Thiếu úy Lê Thanh Tâm (chiến sĩ thực tập ở Công an huyện Cẩm Mỹ) bị bắn, tôi đau lắm. Bởi vậy, tôi không cho phép mình dừng lại. Đồng đội tôi đã ngã xuống nên tôi không sợ gì bọn cướp nữa” - ông Kiệt tâm sự.
21 năm tham gia công tác công an xã, ông Trần Anh Kiệt nhận được rất nhiều giấy khen của Công an huyện, Công an tỉnh và đặc biệt là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã đạt thành tích trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Ngoài ra, 7 năm liền, từ 2007-2014, ông đều đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp. |
Ông Kiệt cho biết thêm, sau khi phát hiện ra tên cướp, ở khoảng cách chừng 20m, ông bắn chỉ thiên yêu cầu đối tượng đầu hàng. Tuy nhiên, tên cướp vẫn hung hãn chống trả đến cùng. Sau khi né được phát đạn của đối tượng và nhận thấy tình hình quá nghiêm trọng, ông Kiệt đã một mình tiến tới tiêu diệt tên cướp. “Lúc đó, sự sống và cái chết chỉ gần nhau trong gang tấc. Tình hình rất nguy hiểm, nhưng thật sự tôi chẳng nghĩ gì ngoài việc phải tiêu diệt tên cướp. Nếu không phải đối tượng chết thì chắc chắn kẻ chết sau đó sẽ là tôi, hoặc đồng đội khác của tôi” - ông Kiệt cho biết.
Không chỉ truy bắt cướp xài hàng “nóng”, ông Kiệt còn nhiều lần một mình đối diện với 2-3 tên cướp sử dụng hung khí nguy hiểm. Tuy nhiên, với bề dày kinh nghiệm và sự quyết tâm truy bắt tội phạm để giữ yên bình cho dân nên vụ nào đến tay ông Kiệt cũng thành công. Bởi vậy, ông Việt còn được người dân xã Long Giao gọi bằng cái tên trìu mến: “Ông Kiệt bắt cướp”.
Đăng Tùng