Thấy chồng (bị cáo Võ Thanh Huy, 35 tuổi, ngụ xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) đứng chịu tội trước vành móng ngựa, chị Nguyễn Thị Lan Nương chỉ tay về phía bị cáo mà nói với đứa con 18 tháng tuổi đang bế trên tay: "Cha con kìa". Nhưng đứa bé còn quá nhỏ để hiểu cha mình là kẻ giết người.
Thấy chồng (bị cáo Võ Thanh Huy, 35 tuổi, ngụ xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) đứng chịu tội trước vành móng ngựa, chị Nguyễn Thị Lan Nương chỉ tay về phía bị cáo mà nói với đứa con 18 tháng tuổi đang bế trên tay: “Cha con kìa”. Nhưng đứa bé còn quá nhỏ để hiểu cha mình là kẻ giết người.
* Vợ chồng cùng cảnh mồ côi
Do trẻ em không được tham dự phiên tòa nên chị Nương phải cùng con ngồi ở ngoài sân tòa, khi nào tòa gọi, chị lại chạy vào bên trong để trả lời. Vẻ tất bật của chị khiến nhiều người thương cảm.
Bị cáo Võ Thanh Huy được công an dẫn giải về trại giam sau khi lãnh án tù chung thân. |
Vừa đút cho con ăn, chị Nương vừa kể lại cuộc tình nên duyên vợ chồng với bị cáo. Chị mồ côi mẹ, cha đi lấy vợ khác và cuộc đời chị trôi nổi khắp nơi. Lớn lên, chị có được công việc cạo mủ cao su trong nông trường. Làm chung một nơi nên Huy và chị thường xuyên có cơ hội gặp mặt và nói chuyện. “Mình nghĩ cùng cảnh ngộ như nhau thì sẽ thông cảm và chia sẻ được trong cuộc sống nên đã nhận lời yêu của anh ấy. Lúc đó, anh Huy tốt tính và biết quan tâm đến người khác. Vậy nên, chưa đầy 3 tháng quen nhau, mình đã làm đám cưới mà chưa kịp hiểu nhiều về chồng” - chị Nương nói.
Trước khi cưới vợ, Huy đã 2 lần vào tù vì tội trộm cắp tài sản, nhưng chị Nương không hay biết. Cưới chưa đầy năm, Huy tiếp tục 2 lần đi tù vì tội hủy hoại tài sản và trộm cắp. Thế là, người phụ nữ ấy lại phải lủi thủi một mình trong căn phòng trọ chật hẹp chờ chồng ra trại.
Trong khi chị Nương đang mang thai thì ngày 29-12-2013, sau khi uống rượu, Huy lại gây sự với anh Lý Văn Ân (ngụ huyện Cẩm Mỹ). Dù đã được mọi người can ngăn nhưng Huy vẫn đi tìm dao đâm đối phương. Anh Ân bỏ chạy không thoát lưỡi dao tử thần trong tay Huy nên đành mất mạng.
* Thêm trẻ mồ côi…
Có lẽ khóc vì chồng và khóc vì số phận bạc bẽo của mình quá nhiều nên khi thấy Huy bị đề nghị mức án tử hình, chị Nương không rơi thêm giọt nước mắt nào.
“Mình khuyên can nhiều lần rồi nhưng anh Huy không chịu nghe, để rồi lần lượt vào tù, ra trại. Bây giờ mình phó mặc cho ông trời, chứ không lo được gì cho chồng nữa; chỉ nghĩ đến việc dạy dỗ con nên người để không giống như cha nó thôi” - chị Nương tâm sự. Trước đó, chị đã quyết định cho con mang họ mẹ và theo chị, việc không cho con gặp cha nữa có lẽ sẽ tốt hơn cho cuộc sống của con sau này.
Trong khi vợ bị cáo đang gần như buông xuôi tất cả thì phía trong phòng xử án, vợ bị hại đưa 3 đứa con đeo khăn tang trên đầu đến ngồi hàng ghế gia đình bị hại. Chị không ngừng đề nghị “mạng đổi mạng” và yêu cầu bị cáo phải bồi thường những tổn thất mà gia đình chị phải gánh chịu.
Để thoát án tử, bị cáo Huy đã cố biện minh cho hành động mất nhân tính của mình rằng: “Bị cáo đâu ác đến nỗi muốn giết người, chỉ do cầm dao huơ trúng khiến bị hại tử vong thôi”. Đứng bên bờ vực của sự sống và cái chết, bị cáo Huy cố vẫy vùng, cố thanh minh và đưa ánh mắt sợ hãi nhìn vợ con đang đứng khép nép phía ngoài cửa phòng xử án rồi bật khóc.
Nhận thấy bị cáo vẫn còn có thể cải tạo, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh sau khi cân nhắc đã tuyên bị cáo Huy mức án tù chung thân.
Nếu con người biết quý mạng sống người khác như mạng sống của mình thì sẽ không xảy ra những chuyện đau lòng như vụ án này, để không ai phải chịu sự mất mát và không biến những đứa trẻ thành kẻ mồ côi.
Tố Tâm