Ngày 19-3, tại Thanh tra tỉnh, Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) đã tổ chức tọa đàm về các biện pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN) và thu hồi tài sản tham nhũng theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Ngày 19-3, tại Thanh tra tỉnh, Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) đã tổ chức tọa đàm về các biện pháp phòng, chống tham nhũng (PCTN) và thu hồi tài sản tham nhũng theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Hiệu quả công tác PCTN hiện còn thấp, thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng… là những vấn đề được các đại biểu phân tích tại tọa đàm.
* Cần có cơ quan chuyên trách
TS. Đinh Văn Minh, Phó viện trưởng Viện Khoa học thanh tra, cho biết sau khi Việt Nam ký Công ước Liên hợp quốc về PCTN vào tháng 12-2003 cho đến nay, công tác PCTN vẫn chưa thực sự có hiệu quả. Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, tình hình tham nhũng trên cả nước nói chung chỉ mới phát hiện được khoảng 5%, còn quá ít so với thực tế. Điều kiện pháp lý của Việt Nam đã đạt được 9/10 nội dung Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, vấn đề còn lại là phải làm sao để các quy định pháp lý đi vào cuộc sống mới quan trọng.
Theo TS. Minh, Công ước LHQ quy định thực hiện PCTN phải có một cơ quan đầu mối và nhiều người nghĩ ngay đến cơ quan thanh tra. Nhưng theo quy định của pháp luật, cơ quan thanh tra còn phụ thuộc quá nhiều mối quan hệ khác nên việc nói thẳng, nói thật vẫn còn những vướng mắc nhất định.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Phước Vinh, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự sơ thẩm về kinh tế - chức vụ (Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh), cho rằng thực tế tham nhũng rất nhiều nhưng phát hiện còn quá ít, vấn đề là số tham nhũng còn lại đang nằm ở đâu; trong khi ở nước ta chưa có cơ quan chuyên trách về PCTN nên chưa có ai chịu trách nhiệm về điều này.
Theo TS. Đinh Văn Minh, đối với người Việt Nam, chuyện tặng quà cho nhau đã trở thành một thói quen và để xác định đâu là quà tặng, đâu là hối lộ rất khó khăn. Vì vậy, chúng ta phải xem xét lại thói quen tặng quà. |
Theo ông Vinh, để PCTN trước hết phải có đội ngũ cán bộ, công chức thật sự công tâm. Tuy nhiên, thực tế rất nhức nhối đang diễn ra là nhiều người muốn xin vào một cơ quan nhà nước đều có tâm lý “cứ bỏ tiền ra đi, sau này vào làm lấy lại”. Điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác đấu tranh PCTN.
Phó chánh Thanh tra tỉnh Cao Văn Quang cho rằng việc phát hiện tham nhũng của lực lượng thanh tra hiện gặp nhiều khó khăn, bởi thủ đoạn tham nhũng “cổ điển” bằng việc làm giả hồ sơ, chứng từ để rút tiền Nhà nước rất ít xảy ra. Lực lượng thanh tra chỉ phát hiện tham nhũng qua chứng từ, sổ sách…, trong khi thủ đoạn tham nhũng hiện chủ yếu bằng con đường đưa và nhận hối lộ. Đặc biệt, cả người đưa và người nhận hối lộ đều đạt được mục đích nên hành vi này đã được giấu kín.
Giải quyết vướng mắc này, Phó chánh thanh tra Sở Giao thông - vận tải Nguyễn Ngọc Tại cho rằng hiện các cơ quan có vai trò PCTN còn phụ thuộc quá lớn. Để công tác PCTN có hiệu quả phải thành lập được cơ quan PCTN từ Trung ương đến địa phương và phải có người đủ thẩm quyền chỉ đạo trực tiếp lực lượng này.
* Thu hồi tài sản tham nhũng còn ít
Nhiều ý kiến trong tọa đàm cho rằng, vấn đề quan trọng là việc thu hồi tài sản, vì thực tế số tài sản thu hồi cho Nhà nước qua các vụ tham nhũng hiện còn quá ít.
Theo TS. Minh, đây là vấn đề được xã hội quan tâm nhiều sau khi giải quyết các vụ việc tham nhũng. Trong khi đó, các vụ án tham nhũng chỉ thu hồi tài sản khi đã có bản án của tòa tuyên. Và khi đã thành bị can, bị cáo thì các đối tượng tham nhũng đã tìm cách tẩu tán tài sản.
Theo ông Nguyễn Phước Vinh cho rằng, đây là một vấn đề nhức nhối mà các cơ quan có trách nhiệm phải xem lại để không làm thất thoái khối tài sản lớn của Nhà nước. Thực tế đã có những vụ án tham nhũng xảy ra, đang trong quá trình điều tra thì đối tượng tham nhũng chết và số tài sản có liên quan trong vụ án coi như
mất trắng. Trong quá trình xem xét các vụ việc này cần phải quan tâm đến tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con” của một số đối tượng; nhiều người sau khi tham nhũng số tài sản lớn đã chấp nhận “hy sinh” bản thân để giữ lại tài sản cho con cháu.
Trần Danh