“Đánh kẻ chạy đi chứ không ai nỡ đánh người chạy lại. Một lần nữa, xin anh hãy mở rộng tấm lòng để tha thứ, bao dung và cứu vớt một con người bây giờ và mãi mãi sẽ hoàn lương”, đó là những lời tâm sự tận đáy lòng của phạm nhân (PN) Trần Thị Kim Anh gửi cho thân nhân người bị hại trong bức thư “Gửi lời xin lỗi”.
“Đánh kẻ chạy đi chứ không ai nỡ đánh người chạy lại. Một lần nữa, xin anh hãy mở rộng tấm lòng để tha thứ, bao dung và cứu vớt một con người bây giờ và mãi mãi sẽ hoàn lương”, đó là những lời tâm sự tận đáy lòng của phạm nhân (PN) Trần Thị Kim Anh gửi cho thân nhân người bị hại trong bức thư “Gửi lời xin lỗi”.
Trại giam Xuân Lộc (thuộc Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII, Bộ Công an, đóng tại huyện Xuân Lộc) đã tổ chức sơ kết cuộc vận động viết thư “Gửi lời xin lỗi” của PN đến bị hại, thân nhân người bị hại. Các lá thư là cầu nối giữa những phạm nhân và người bị hại, thân nhân người bị hại, giúp họ xóa đi những hận thù, khơi gợi trong PN tấm lòng hướng thiện.
* Những dòng chữ nghẹn ngào
Sau thời gian ngắn (4 tháng) phát động, đã có 587 bức thư của PN được gửi đi. Có những bài viết vô cùng xúc động của những con người mà tưởng chừng chỉ có kỷ luật và song sắt nhà tù mới làm thay đổi được họ.
Đại tá Hồ Phi Thắng, Giám thị Trại giam Xuân Lộc, tặng giấy khen và quà khích lệ cho các phạm nhân có những bức thư hay. |
“Con chính là người gây ra nỗi đau cho gia đình bác. Bao năm qua, con không thể tha thứ cho bản thân, quá khứ tăm tối cứ hiện về, len lỏi trong mỗi giấc mơ của con. Con viết thư này cho bác để mong vơi bớt đi sự dằn vặt…” - PN Nguyễn Minh Quang (chịu án 14 năm 6 tháng tù về tội giết người) gửi bà Nguyễn Thị Kim Oanh (mẹ bị hại Lê Văn Vũ, ngụ huyện Trảng Bom) những dòng tâm sự đầy trăn trở. Dù còn nguyên đó nỗi đau mất con, nhưng dòng chữ chân thành trong thư của Quang đã khiến bà cảm động.
Trong 587 bức thư “Gửi lời xin lỗi” được các phạm nhân Trại giam Xuân Lộc viết, có hơn 500 bức được phạm nhân gửi cho gia đình mình, hơn 60 bức được gửi cho thân nhân của người bị hại và 9 bức được gửi các cơ quan đoàn thể, nơi phạm nhân đã sống và vi phạm pháp luật. |
Có lời tâm sự thể hiện sự giằng xé nội tâm của PN Huỳnh Thị Vân Khanh khi phạm tội lừa đảo, làm giả giấy tờ, làm giả con dấu và chịu mức án 21 năm tù: “Liệu lời xin lỗi của tôi có quá muộn không? Những người bị hại có tha thứ cho tôi không? Hay vết thương lòng sắp lành lại bị đào xới lên, gây hận thù nhiều hơn?”.
Hay đoạn trích thư đầy nước mắt của PN Phan Tấn Tuấn gửi mẹ của người bị hại khiến người đọc thể hiện sự cảm thông sâu sắc đối với một người từng mắc phải lỗi lầm lớn: “Mỗi khi đêm đến là lúc lương tâm con bị giày vò nhiều nhất. Từ trong sâu thẳm tâm hồn, con thấy như có một vết dao đang cứa vào trái tim, lòng con quặn thắt, nước mắt rơi dài theo từng chữ trong lá thư này…”.
Trong “lời xin lỗi” của PN có những sự khắc khoải, như của PN Trần Thị Kim Anh (chịu án chung thân về tội giết người) gửi anh Phúc (anh trai người bị hại): “Từ bấy lâu nay, tận đáy lòng em luôn nghĩ về nơi ấy, nơi có một “mái nhà độ lượng”. Nhưng mãi đến hôm nay, em mới dám lấy hết can đảm đưa tay gõ vào “cánh cửa bao dung” để cầu xin một ánh mắt nhìn thiện cảm, với tấm lòng nhân hậu, để trải lòng mình và mong tìm sự thứ tha… Cho phép em trong vô hình được thắp lên bàn thờ của chị Hiền 3 nén nhang tạ tội muộn màng”.
* Chung tay cải tạo phạm nhân
Cuộc vận động viết thư “Gửi lời xin lỗi“ đã thực sự có hiệu quả khi đưa người đọc vào một góc nhìn, nơi đó mọi người thấy được đằng sau vẻ lạnh lùng, chai sạn của các PN vẫn ẩn chứa những nỗi niềm ân hận và một tấm lòng hướng thiện. Ban tổ chức đã chọn ra những bức thư hay, xúc động để khen thưởng, động viên; đồng thời tạo điều kiện cho PN được gặp mặt trực tiếp bị hại, thân nhân người bị hại tại Trại giam Xuân Lộc.
Phạm nhân Nguyễn Minh Quang gặp gỡ bà Nguyễn Thị Kim Oanh (mẹ nạn nhân) tại Trại giam Xuân Lộc. |
Trong buổi gặp mặt, những cái bắt tay chân thành, những lời xin lỗi, những giọt nước mắt lăn dài và cả những cái ôm tha thứ giữa PN và thân nhân bị hại đã khiến mọi người xúc động. Trong giây phút ấy, dường như khoảng cách của hận thù đã tan biến, chỉ còn tình người bao dung.
Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo, Cục trưởng Cục Giáo dục, cải tạo và hòa nhập cộng đồng: “Gửi lời xin lỗi là cơ hội để phạm nhân trả món nợ lương tâm, để họ bày tỏ sự ăn năn, phần nào xoa dịu những vết thương của người bị hại, thân nhân người bị hại”. |
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh xúc động nói với PN Nguyễn Minh Quang: “Cháu hãy nhớ đến ngày giỗ của em nó, nhớ đến nó để đừng tiếp tục lầm lỗi. Giờ đây, bác tha thứ hết”. Hay lời nhắn nhủ của ông Nguyễn Văn Quý (cha bị hại Nguyễn Văn Lợi, ngụ huyện Nhơn Trạch) đến PN Từ Khánh Thiện (mang tội giết người) cùng toàn thể phạm nhân có mặt trong hội trường: “Làm người ai cũng có lỗi lầm, nếu mình biết ăn năn, sám hối thì người khác cũng sẵn lòng tha thứ thôi”.
Là người đề xuất cuộc vận động viết thư “Gửi lời xin lỗi“, Thiếu tướng Đỗ Tá Hảo, Cục trưởng Cục Giáo dục, cải tạo và hòa nhập cộng đồng (thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an), cho biết: “Mục đích cuối cùng của chúng tôi là muốn mọi người, trong đó có người bị hại, thân nhân người bị hại, chung tay cùng giáo dục, cải tạo phạm nhân, để trả họ về xã hội là một người lương thiện... Với bước đầu thành công này, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để nhân rộng cuộc vận động này trên toàn quốc”.
Hải Đăng