Báo Đồng Nai điện tử
En

Ủy ban tư pháp Quốc hội giám sát tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hình sự tại Đồng Nai

04:07, 13/07/2012

(ĐN) - Ngày 13-7, lãnh đạo UBND tỉnh, cùng các cơ quan luật pháp của tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban tư pháp Quốc hội về chấp hành pháp luật tố tụng hình sự trong công tác điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua.

(ĐN) - Ngày 13-7, lãnh đạo UBND tỉnh, cùng các cơ quan luật pháp của tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban tư pháp Quốc hội về chấp hành pháp luật tố tụng hình sự trong công tác điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua.

Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh vá các cơ quan pháp luật Đồng Nai
Đoàn giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội làm việc với lãnh đạo tỉnh và các cơ quan pháp luật Đồng Nai

Tại buổi làm việc, Đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, từ đầu năm 2010 đến nay, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Các loại tội phạm như: giết người, hiếp dâm, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản...vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Thành phần gây án thuộc nhiều lứa tuổi, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trong ba năm qua, công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm luôn được lực lượng công an trong tỉnh thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không có trường hợp oan sai, để lọt tội phạm và gây bức xúc trong quần chúng nhân. Công an tỉnh cũng kiến nghị trong công tác xây dựng pháp luật về tố tụng hình sự cần thực hiện cải cách tư pháp theo hướng tăng cường quyền hạn trách nhiệm tố tụng của Điều tra viên để chủ động khi thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trong hoạt động tố tụng.

Ông Huỳnh Văn Lưu, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh thì nhìn nhận: Với việc tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, các bản án mà Tòa án nhân dân tỉnh và huyện xét xử hầu hết đảm bảo đúng quy định của pháp luật, tỷ lệ án bị hủy do vi phạm tố tụng là thấp. Không có án xử oan người không phạm tội, không bỏ lọt tội phạm, đáp ứng được công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm.

Trong khi đó, theo Luật sư Trần Gia Minh, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, theo quy định của pháp luật thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Nhưng trong hầu hết các vụ án, luật sư chưa được tham gia tố tụng từ giai đoạn này, bởi nhiều lý do khác nhau. Trong đó có tâm lý cho rằng, luật sư tham gia từ đầu vụ án sẽ hướng dẫn bị can khai không đúng hoặc giấu tội. Việc luật sư gặp bị can đang bị tạm giam cũng rất khó khăn. “Cần có sự phối hợp làm việc giữa Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cùng các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử để xây dựng cơ chế thuận lợi cho luật sư phát huy tốt vai trò tranh tụng trong tất cả các giai đoạn của vụ án. Trong quá trình cải cách tư pháp, cần nâng cao vai trò của luật sư, nhất là trong việc tham gia bào chữa tại các phiên tòa, nhằm hạn chế tối đa những oan sai, bảo vệ quyền và lợi ích của con người, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật” - Luật sư Trần Gia Minh kiến nghị.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Quốc hội - Trưởng đoàn giám sát - đánh giá cao trách nhiệm của các cơ quan pháp luật tỉnh trong quá trình thực hiện công tác tố tụng hình sự thời gian qua. Ông đề nghị các cơ quan pháp luật tỉnh cần tăng cường trao đổi thống nhất các quan điểm, nhận thức pháp luật để tránh những sai sót trong việc thực thi pháp luật. Riêng những kiến nghị của các cơ quan pháp luật tỉnh, Đoàn giám sát sẽ tập hợp báo cáo với Quốc hội để xem xét, xử lý trong thời gian tới.

                            Trương Hiệu

Tin xem nhiều