Báo Đồng Nai điện tử
En

Hãy vì hạnh phúc của con trẻ!

10:07, 13/07/2012

Mâu thuẫn gia đình chỉ thực sự xảy ra khi những khác biệt về cá tính, sở thích, lối sống… giữa hai vợ chồng không thể dung hòa. Họ nhanh chóng cảm thấy thất vọng, chán nản…, chỉ vì yêu vội, cưới gấp và cái tôi của mỗi người quá lớn. Đến khi ra tòa, ai cũng giành nhau quyền nuôi con mà chưa một lần nghĩ đến cảm xúc của trẻ. Nếu vì thương con, muốn đem những điều tốt đẹp nhất cho con, có lẽ họ không hành động như thế.

Mâu thuẫn gia đình chỉ thực sự xảy ra khi những khác biệt về cá tính, sở thích, lối sống… giữa hai vợ chồng không thể dung hòa. Họ nhanh chóng cảm thấy thất vọng, chán nản…, chỉ vì yêu vội, cưới gấp và cái tôi của mỗi người quá lớn. Đến khi ra tòa, ai cũng giành nhau quyền nuôi con mà chưa một lần nghĩ đến cảm xúc của trẻ. Nếu vì thương con, muốn đem những điều tốt đẹp nhất cho con, có lẽ họ không hành động như thế.

* Cái lý của người Lớn

Trong đơn xin ly hôn, chị T.P. trình bày: chị và anh N.H.  (ngụ ở TP.Biên Hòa) tự nguyện chung sống từ năm 2006, hai năm sau mới đăng ký kết hôn. Thời gian chung sống hạnh phúc bên nhau chỉ được 8 tháng thì hai bên xảy ra mâu thuẫn, vì tính tình và quan điểm sống của hai vợ chồng rất khác nhau. Sau đó, hai người quyết định sống ly thân. Khoảng thời gian xa cách 3 năm đủ để họ biết được có nên tiếp tục mối quan hệ này không. Dù vẫn thường xuyên lui tới thăm hỏi, động viên nhau, nhưng tình cảm nay đã không còn nên chị P. quyết định xin ly hôn.

Về phần mình, anh H. cho rằng, họ cưới nhau không phải vì cần có nhau trong đời, mà vì trót dại “ăn trái cấm”. Trên thực tế, tính tình hai người không hợp nhau. Thêm vào đó, công việc kinh doanh của anh cũng là nguyên nhân phát sinh nhiều mâu thuẫn. Do nhu cầu giao tiếp xã hội cao, anh thường phải ăn nhậu, gặp mặt đối tác rất khuya mới về nhà. Anh đổ lỗi cho vợ không thông cảm, lại thường hay “càu nhàu”. Quan điểm hôn nhân của hai người cũng rất “thoáng”, nếu cảm thấy không thể dung hòa được nữa, anh sẵn sàng chấp nhận “đường ai nấy đi”, có gì mà luyến tiếc.

Bác bỏ những lời trình bày của anh H., chị P. quay thẳng sang phía chồng gằn giọng: “Nếu anh là người có trách nhiệm với gia đình, con cái chắc chắn anh không bỏ nhà đi những 3 năm. Anh yêu công việc, yêu nhậu nhẹt, vui thú với bạn bè hơn mẹ con tôi. Mỗi lần con bệnh, anh chẳng hề ngó ngàng gì?”. Sượng người sau tiếng trách móc của chị P., anh H. nép mình, buông tiếng thở dài, hết nhìn lên Hội đồng xét xử, rồi gục xuống đưa tay vò đầu day dứt.

* Xin hãy nghĨ đến con

Anh là chủ một công ty phân phối khí đốt, còn chị hành nghề kinh doanh giày dép, cả hai đều có công việc ổn định, thu nhập cao nên ai cũng muốn giành quyền nuôi dưỡng con. “Con bé còi cọc, biếng ăn làm tôi đau lòng lắm. Bây giờ, tôi có đủ vật chất, tiền bạc để có thể chu toàn mọi thứ cho con. Hơn nữa, mai này tôi sẽ đưa con đi nước ngoài để chữa bệnh cho nó. Điều kiện kinh tế của tôi đảm bảo tốt nhất” - anh H. nói vẻ quyết đoán.

Chị P. chăm chăm nhìn anh H., rồi đưa tay chặn ngang ngực, uất nghẹn không nói thành lời. Từ khi anh dứt tình ra đi tìm cuộc sống mới, vì tự ái chị không đề nghị anh chu cấp bất cứ một khoản phí nào. Với chị, nuôi con mà tự bươn chải sớm hôm để con không cảm thấy thiệt thòi, mặc cảm là niềm hạnh phúc lớn lao nhất. Dẫu thời gian eo hẹp, chị cũng cố thu xếp để trực tiếp đưa đón con đi học, dạy con học bài. Nước mắt ngắn dài, người mẹ trẻ cầu xin Hội đồng xét xử cho chị được nuôi đứa con gái 3 tuổi hiện đang bị bệnh tim bẩm sinh.

Bao năm qua, anh bỏ nhà ra đi, chỉ mình chị và con vật vã với căn bệnh hiểm nghèo. Vậy mà, chưa một lời động viên, an ủi, nay anh lại muốn cướp đứa con từ tay chị. “Khi sinh ra, cháu đã bị tim bẩm sinh rồi. Mỗi lần nhìn con khó thở, đau đớn, tôi như xé từng khúc ruột. Đã nhiều lần giành con từ tay thần chết, hơn ai hết tôi hiểu không ai thương con bằng tấm lòng người mẹ” - chị P. tâm sự với chúng tôi.

Phiên tòa kết thúc, chị P. được quyền nuôi con, bởi từ khi vợ chồng ly thân đến nay bé đã quen sống với mẹ, lại là con gái nên cần sự chăm sóc, tư vấn của mẹ. Cuộc ly hôn nào cũng đem đến mất mát, vậy nên các bậc làm cha mẹ không nên quyết liệt tranh giành quyền nuôi dưỡng con với nhau, vì như thế sẽ thêm một lần gây đau khổ cho trẻ. Đừng để thỏa mãn tự ái, đừng tự cho mình dư giả về tài chính mà có quyền lựa chọn. Bao giờ con trẻ cũng cần tình thương của cha lẫn mẹ hơn là sự đủ đầy về vật chất.

Võ Nguyên

 

Tin xem nhiều