Lời tựa: “Gặp gỡ tháng Ba là một “mini-series” được Báo Đồng Nai Điện tử thực hiện dành riêng cho Tháng Ba - Tháng Thanh niên, gồm 3 câu chuyện với 3 người trẻ mà hành trình của họ tạo nhiều cảm hứng cho giới trẻ.
Một là trưởng nhóm Biên Hòa Xanh với 61 thành viên chuyên… dọn rác với các chiến dịch “làm sạch thành phố Biên Hòa”, “biến hình” các kênh, rạch đen ô nhiễm giúp thành phố Biên Hòa xanh, sạch hơn. Một là một vận động viên khuyết tật với 2 chân bị liệt nhưng vẫn vươn lên, kiên nhẫn khổ luyện từng ngày để đem về cho Đồng Nai huy chương vàng và huy chương bạc tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) lần thứ 11 tổ chức ở Indonesia. Và người thứ 3 là một cái tên đang “nổi đình nổi đám” trong ngành du lịch sinh thái, dẫn đầu trào lưu “glamping” tại Việt Nam với những khu “cắm trại hạng sang view triệu đô” ở một vùng quê nghèo khó - ấp Mít Nài, xã La Ngà, nơi anh sinh ra và lớn lên.
Cả 3 gương mặt, 3 câu chuyện đều có sức lan tỏa lớn. Có mồ hôi, có nước mắt, có ước mơ, hoài bão, có cả thất bại lẫn thành công, nhưng trên hết, là tinh thần dấn thân không ngại khó, không ngại khổ để từng ngày, từng ngày gần hơn với mục tiêu và ước mơ của mình.
Đó cũng chính là tinh thần mà Báo Đồng Nai muốn truyền tải đến bạn đọc, đặc biệt là những người trẻ trong Tháng Thanh niên - tháng có ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh 26-3.
Từ 2 thành viên ban đầu, sau hơn 10 tháng hoạt động, Biên Hòa Xanh đã thu hút hơn 61 thành viên chính thức và hàng trăm lượt tình nguyện viên tham gia dọn rác hơn 40 chiến dịch ở thành phố Biên Hòa và hỗ trợ tại một số tỉnh, thành lân cận… Ngoài ra, hành trình “biến hình” các kênh rạch, điểm đen ô nhiễm tại thành phố Biên Hòa của nhóm đã thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok, góp phần lan tỏa thông điệp “Không xả rác vì một Biên Hòa xanh”, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường ...
* Hành trình nào cũng bắt đầu từ những bước chân đầu tiên. Không biết anh Tuấn đã đưa Biên Hòa Xanh đến với cộng đồng từ khi nào?
- Lấy cảm hứng từ những clip TikTok của nhóm Sài Gòn Xanh, và trong quá trình đi làm, tôi thấy dọc đường có quá nhiều rác, bốc mùi hôi mỗi khi đi qua nên mới nảy ra ý tưởng “Hay là mình làm gì đó cho Biên Hòa của mình?”. Chính từ những con đường hàng ngày, đã thôi thúc tôi phải làm gì đó cho nơi mình sinh sống. Thế là, tôi bắt tay vào việc dọn rác.
Nhóm Biên Hòa Xanh trong chiến dịch dọn rạch Bàu Sấu, phường Hóa An (thành phố Biên Hòa). Ảnh: NVCC |
Mặc kệ “ánh mắt” dòm ngó hay bàn tán từ người đi đường, tôi bắt đầu những chiến dịch dọn rác đầu tiên. Tôi tự dọn, tự đặt máy quay cột lên chiếc xe máy và ghi lại những khoảnh khắc đó rồi chia sẻ lên mạng xã hội. Khi ấy vừa dọn rác vừa hồi hộp sợ... bị giật điện thoại (cười). Sau khi clip đăng tải, có thêm anh Đinh Văn Thi - hiện là đội phó - tham gia, rồi chiếc clip vô tình lên xu hướng trên TikTok với hơn 400 ngàn lượt xem. Nhờ vậy có thêm mười mấy bạn đăng ký tham gia, kể từ đó Biên Hòa Xanh bắt đầu đi vào thực tế với hoạt động nhóm.
Hiện nay, Biên Hòa Xanh hoạt động vào mỗi chủ nhật hàng tuần để các bạn có thể sắp xếp được công việc, việc học để tham gia. Mỗi tuần một địa điểm, các thành viên của Biên Hòa Xanh như những chiến binh “du kích”, miệt mài dọn rác, làm sạch những điểm đen ô nhiễm và cả những bãi rác trên đường, “tô” lại màu xanh cho thành phố Biên Hòa trở thành nơi đáng sống.
* Chỉ chưa đầy 1 năm hoạt động, Biên Hòa Xanh đã tạo nên rất nhiều dấu ấn với cộng đồng, nhất là ở khu vực thành phố Biên Hòa, với hình ảnh các thành viên lội xuống những dòng kênh rạch đen ngòm, hôi thối hàng giờ liền để dọn rác. Anh nghĩ động lực nào khiến các tình nguyện viên, các bạn trẻ có thể “chịu đựng” được sức nặng đó?
- Khi bắt đầu làm, tôi không nghĩ lại nhận được sự ủng hộ của rất nhiều người, nhất là các bạn trẻ muốn tham gia trải nghiệm dọn rác. Hầu như ban đầu ai cũng “ngán” rác lắm bởi mùi hôi... không chịu nổi, phải đeo khẩu trang mới dọn được. Sau nàykhi đã “quen” với cái mùi đó thì không đeo nữa vì hoạt động nhiều đeo sẽ ngộp. Với mọi người, rác giờ đây là điều gì đó rất bình thường.
Có thể nói, các thành viên Biên Hòa xanh đều là những thanh niên trẻ tràn đầy nhiệt huyết và có ý thức bảo vệ môi trường. Công việc này không chỉ “dọn rác” mà còn cần chút xíu liều, gan dạ nữa. Có một số bạn tham gia được một chiến dịch rồi nghỉ luôn vì ngán quá đi không nổi bởi dọn rác dưới kênh nguy hiểm và nặng. Dọn rác trên bờ thì bình thường rồi, rác dưới kênh mương kéo lên rất nặng vì có thêm nước lâu ngày. Do đó, các bạn phải thật sự đam mê, mong muốn làm cái gì đó có ích cho xã hội, làm sạch môi trường, cho Biên Hòa mình, mới có thể “chịu đựng” được tất cả những việc nặng nề đó.
Tôi hy vọng thông qua hình ảnh các tình nguyện viên lội xuống những dòng kênh rạch đen ngòm, hôi thối để dọn rác sẽ lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường đến mọi người.
* Trong quá trình “hồi sinh” những dòng kênh đen tại Biên Hòa, có chiến dịch nào “làm khó” được các chiến binh Biên Hòa Xanh không?
- Nhắc đến “khó” chắc chắn phải kể đến chiến dịch dọn kênh Bàu Sấu ở phường Hóa An. Không chỉ rộng lớn về diện tích, nhóm phải mất đến 4 ngày chủ nhật liên tiếp để dọn, mà bởi con kênh này có một loại môn rất ngứa. Hầu như những ai xuống kênh dọn cũng đều… ngứa, lên đến bờ phải dùng nước rửa vệ sinh liên tục mới đỡ.
Trong chiến dịch này, có bao nhiêu anh em đều “lao” xuống tham gia hết vì lượng rác rất nhiều, thậm chí phải huy động thêm nhóm Bình Dương Xanh hỗ trợ. Hơn nữa, đây cũng là chiến dịch có quy mô “khủng” nhất từ trước đến nay vì lần đầu tiên có thêm xe cẩu, xe tải được phường đội Hóa An và các anh dân quân hỗ trợ rất nhiều trong việc di chuyển rác lên.
* Trong quá trình hoạt động nhóm, anh Tuấn đã cân bằng mọi việc như thế nào để Biên Hòa Xanh có thể hoạt động suôn sẻ và ngày càng phát triển theo hướng tích cực?
- Tinh thần của nhóm từ ban đầu đây là công việc thiện nguyện, kêu gọi các bạn trẻ bỏ công sức và thời gian, chứ không phải tiền bạc, Ban Điều Hành nhóm phải có trách nhiệm tìm các nguồn kinh phí để hoạt động, nếu không tìm được thì dừng. Do đó, tôi chỉ mong muốn được các mạnh thường quân, các cơ quan đoàn thể hỗ trợ kinh phí để duy trì hoạt động chứ không kêu gọi bất kỳ điều gì từ các thành viên trong nhóm. Chính sự nhiệt huyết, mong muốn làm sạch các kênh mương, điểm đen ô nhiễm của các bạn là động lực để mọi người cùng nhau vượt qua nỗi sợ, góp một hành động nhỏ trong việc bảo vệ môi trường.
Để điều hành nhóm không phải chuyện dễ khi phải định hướng và giải quyết từng vấn đề gặp phải, đồng thời trăn trở làm sao để trang bị cho các thành viên kiến thức cần thiết, phương án xử lý khi gặp sự cố, đảm bảo an toàn cho các bạn khi tham gia dọn rác...
Tôi đã tham khảo và trang bị cho các thành viên trong nhóm các bộ giáp (đồ bảo hộ); bao tay đeo 3 lớp, lớp thứ nhất là bao tay y tế, lớp thứ hai là bao tay vải để chống kim sành, lớp thứ ba là bao tay cao su ngoài cùng để đỡ bám rác...
Bên cạnh đó, tôi và ban quản lý nhóm cũng cố gắng “đi xin tài trợ” để mang về những phúc lợi như bữa sáng, bữa trưa, nước uống... cho các tình nguyện viên, để các bạn có thêm động lực tham gia, duy trì hoạt động nhóm. Đặc biệt, là việc tiêm ngừa các loại vaccine uốn ván, cúm mùa... cho các bạn tham gia dọn rác dưới kênh mương rất quan trọng. Hiện Tỉnh đoàn và Thành đoàn đã hỗ trợ khoảng 20 bạn được tiêm ngừa, tôi mong con số này sẽ được “phủ” cho toàn bộ thành viên tham gia nhóm để các bạn yên tâm hơn.
Ở một số chiến dịch làm sạch môi trường, người dân và các em nhỏ địa phươngđồng lòng dọn rác cùng nhóm. Đó là những dấu hiệu tích cực mà Biên Hòa Xanh hướng đến trong việc nâng cao ý thức, giữ gìn môi trường từ chính người dân. Ảnh: NVCC |
* Hoạt động tình nguyện bên cạnh những lời động viên, bao giờ cũng có những ý kiến “kém duyên”, đặc biệt là Biên Hòa Xanh còn có rất nhiều clip viral trên mạng xã hội. Anh và các bạn có bao giờ thấy chạnh lòng hay không?
- Đúng thật, mỗi khi nhóm đăng clip dọn sạch kênh mương, ngoài hàng trăm bình luận tốt cũng có những bình luận tiêu cực, nào là “làm việc bao đồng”, “dã tràng xe cát” sao không thuê xe cẩu, máy móc vừa nhanh vừa an toàn... Mọi người không hiểu những gì có thể bỏ tiền hay đưa máy móc vào thì không còn đúng mục đích ban đầu của Biên Hòa Xanh nữa. Đó là động lực, là sự lan tỏa ý nghĩa chung tay vì cộng đồng, nâng cao ý thức của những người xem để họ không xả rác nữa.
Tôi không thấy buồn vì mục đích của nhóm không phải là dọn rác, vì rác biết bao giờ dọn cho hết. Quan trọng là nhóm muốn lan tỏa ý nghĩa của việc dọn rác, đúng với slogan của nhóm là “Không xả rác vì một Biên Hòa xanh”. Trong những chiến dịch nhóm đã làm, có một số nơi vẫn tái diễn hiện trạng ô nhiễm nhưng cũng một số nơi xanh hơn, bà con đã ý thức hơn, không còn xả rác nữa. Một số địa phương còn người dân, những em nhỏ ra phụ dọn với nhóm thì đó là những hy vọng, những dấu hiệu tích cực mà Biên Hòa Xanh hướng đến trong việc nâng cao ý thức, giữ gìn môi trường từ chính người dân.
* “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, anh Tuấn đã cho đi rất nhiều, thời gian, công sức, tâm huyết để xây dựng và phát triển Biên Hòa Xanh. Vậy anh đã nhận lại được những niềm vui gì?
- Biên Hòa Xanh giờ đây đã trở thành một cộng đồng nhỏ. Tôi thấy rất vui khi tạo được hệ sinh thái riêng cho các bạn trẻ thích hoạt động thiện nguyện, bảo vệ môi trường. Các bạn trong nhóm giờ đã là gia đình thứ hai, có việc gì cần sẽ hỗ trợ nhau. Nỗi buồn chia đôi, niềm vui thì nhân hai.
Bên cạnh việc thu hút các bạn ra quân dọn sạch môi trường, Biên Hòa Xanh còn truyền cảm hứng cho nhiều nhóm bạn trẻ khác cùng nhau hoạt động như: Bữa cơm 0 đồng tại các bệnh viện, tổ chức Tết Trung thu cho các em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các phường đội tổ chức thiện nguyện, hỗ trợ các nhóm Xanh khác cùng phát triển...