Lãnh đạo các sở và địa phương nói gì về nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong năm 2007?

Cập nhật lúc 21:25, Thứ Tư, 03/01/2007 (GMT+7)
Bà Bồ Ngọc Thu

* Bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở KH - ĐT: Đầu tư tập trung cho kết cấu hạ tầng để đón bắt cơ hội đầu tư mới

 

Năm 2007, tỉnh đặt ra mục tiêu thu hút 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN), bao gồm 750 triệu USD  của dự án mới và 450 triệu USD điều chỉnh tăng vốn. Trong đó, tập trung ưu tiên các lĩnh vực về phát triển hạ tầng kỹ thuật, về dịch vụ và dự án có hàm lượng chất xám cao, tạo ra giá trị gia tăng cao. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tôi nghĩ các cơ quan tỉnh, huyện và các đơn vị có liên quan phải phối hợp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhằm giải quyết nhanh các hồ sơ kỹ thuật, thủ tục cấp phép và tạo mọi điều kiện cho các nhà ĐTNN triển khai nhanh các dự án mới có thể đạt mục tiêu đề ra.

Sau khi là thành viên chính thức của WTO dự báo sẽ có làn sóng ĐTNN lớn vào Việt Nam, trong đó Đồng Nai là một địa bàn sẽ được các nhà đầu tư nhắm đến. Tôi nghĩ với hạ tầng kỹ thuật trong tỉnh như hiện nay chưa có thể đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Chính vì vậy, trong năm 2007 và những năm tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo cần tập trung nguồn lực cho phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật có yêu cầu cấp bách như cầu, đường, cảng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó có một số công trình lớn mà tỉnh quan tâm kêu gọi đầu tư như: cầu đường quận 9, TP. Hồ Chí Minh sang huyện Nhơn Trạch; các tuyến đường chính trên địa bàn huyện Nhơn Trạch; xây dựng cầu Hóa An mới và các tuyến đường mở mới theo quy hoạch ở TP. Biên Hòa. Nhu cầu đầu tư rất lớn và tỉnh chỉ đạo cũng tập trung nhưng có khó khăn là nguồn vốn ngân sách còn ít, không thể đáp ứng theo yêu cầu. Ví dụ năm 2007, tổng vốn đầu tư ngân sách của tỉnh bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng, trong đó phải giải quyết  nhiều yêu cầu quan trọng như: chương trình kiên cố hóa trường học, chương trình y tế, các cơ sở hạ tầng... Do vậy, đối với một số dự án lớn, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách, vẫn phải kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia. Tỉnh kiên quyết chỉ đạo phải tập trung làm xong trong 2 năm 2007-2008, nếu không sẽ để vụt mất thời cơ thu hút ĐTNN.

Mặt khác, tôi nghĩ lĩnh vực dịch vụ cũng cần quan tâm thu hút các dự án đầu tư phát triển. Vì trong những năm qua lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn Đồng Nai được lãnh đạo tỉnh đánh giá là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và yêu cầu phục vụ cho phát triển KT - XH. Và, tiền đề để tạo ra bước đột phá về lĩnh vực dịch vụ năm nay là từ cuối năm 2006 đã có một số nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tìm đến Đồng Nai tiếp cận với các cơ quan tỉnh để nghiên cứu, tính toán đầu tư vào các trung tâm thương mại, siêu thị, nâng cấp các chợ truyền thống, du lịch sinh thái và du lịch lịch sử về nguồn. Hiện nay, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan và địa phương phối hợp giải quyết các yêu cầu của nhà đầu tư nhằm tạo ra sự đột phá về phát triển dịch vụ trong năm 2007.

 

* Ông Lê Văn Danh, Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Nai: Cải cách thủ tục và hiện đại hóa cho phù hợp với nguyên tắc của WTO

Ông Lê Văn Danh

 

Qua sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, Hải quan Việt Nam phải đẩy mạnh quá trình cải cách, phát triển và hiện đại hóa. Đơn giản và hài hòa về thủ tục hải quan để phù hợp với các quy tắc ứng xử chung của WTO, cũng như năng lực, trình độ và liêm chính Hải quan là những nhiệm vụ và mục tiêu phấn đấu. Riêng năm 2007, Hải quan Đồng Nai xác định một số nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm:

- Thực hiện "Khai báo Hải quan điện tử" giúp doanh nghiệp thuận lợi và nhanh chóng về thủ tục hải quan; thanh lý thuế loại hình sản xuất xuất khẩu bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian nhưng chính xác; theo dõi nợ thuế bằng chương trình tin học hiện đại, đảm bảo chính xác; "Giám sát tự động" ra vào cảng và địa bàn hoạt động hải quan qua hệ thống camera chuyên dụng; đẩy mạnh "Tư vấn thủ tục hải quan qua mạng" giúp doanh nghiệp giảm chi phí, nắm được chính sách và thực hiện đúng pháp luật hải quan; "Hội nghị truyền hình video" phục vụ hội nghị, chỉ đạo công tác giữa Văn phòng Cục và các Chi cục xa như Bình Thuận, nhằm thực hiện chủ trương tiết kiệm và thuận lợi cho điều hành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ để xử lý công việc đúng thời gian, đúng quy trình và chống phiền hà. Khi hội nhập, chính sách sẽ thông thoáng, khả năng gian lận thuế xuất nhập khẩu sẽ gia tăng, do đó công tác chống buôn lậu - gian lận thương mại phải được chú ý, đồng thời tăng cường chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ công chức hải quan để minh bạch hóa thủ tục.

- Đào tạo cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu hội nhập (Hải quan phải thông quan nhanh, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm). Nhất là về kế toán - kiểm toán, luật; tin học chuyên ngành, mạng máy tính CCNA, CCNP...; thiết kế web; an ninh mạng... đào tạo ngoại ngữ...

Với chỉ tiêu pháp lệnh 3.230 tỷ đồng là nhiệm vụ rất nặng nề, do Đồng Nai không có cảng biển, sân bay,... đối tượng quản lý là các doanh nghiệp khu công nghiệp, chế xuất với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu là chủ yếu. Ngay từ ban đầu phải tập trung vào công tác thu thuế, giá tính thuế, phúc tập và kiểm tra sau thông quan cũng như tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

 

Ông Nguyễn Văn Giàu

* Ông Nguyễn Văn Giàu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp để tạo ra chất lượng nông sản tốt hơn

 

Năm 2007 có 2 vấn đề rất cần được quan tâm để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả tốt hơn. Thứ nhất, Sở đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật 12 quy trình về chăn nuôi, trồng trọt kỹ thuật cao (hiện đã được triển khai vài điểm mẫu ở các huyện rất hiệu quả). Thứ hai là phối hợp với các huyện để tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Điều này rất quan trọng, vì muốn nông sản có đầu ra thông qua hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp thì phải có diện tích lớn. Cái kiểu làm ăn nhỏ lẻ, phân tán hoàn toàn không phù hợp với thời buổi hàng hóa thị trường. Khi diện tích ít, sản lượng không nhiều, hộ nông dân sản xuất theo kiểu "tự tiêu thụ" cũng góp phần làm cho thị trường nông sản mất ổn định. Khi thị trường "hút" hàng thì nông dân bán được và ngược lại thì khốn đốn về ế ẩm.

Về quy hoạch sản xuất nông nghiệp chỉ mang tính định hướng và thực ra rất khó có thể ổn định lâu dài trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông dân sẽ là người quyết định trồng cây gì, nuôi con gì với sự khuyến cáo của ngành chuyên môn, nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật và sự tác động của doanh nghiệp thông qua ký hợp đồng tiêu thụ nông sản. Tiến bộ khoa học kỹ thuật và thị trường quyết định việc nông dân trồng cây gì, nuôi con gì. Cây trồng, vật nuôi phải ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới và thị trường có nhu cầu lớn thì sẽ thay đổi việc thực hiện quy hoạch. Ví dụ như cây bông, khi làm tốt công tác chuyển gen và ứng dụng kỹ thuật vào trồng trọt, chăm sóc tốt để đạt năng suất 3 - 4 tấn/hecta, thay vì chỉ có hơn 1 tấn/hecta, đảm bảo cho người trồng bông có thu nhập cao hơn cây trồng khác thì ổn định được diện tích. Việt Nam gia nhập WTO thì nông sản phải thực hiện đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm; các loại kháng sinh và hóa chất bảo vệ thực vật đã bị cấm thì tuyệt nhiên không được dùng đến.

 

* Ông Phạm Văn Dung, Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ

Ông Phạm Văn Dung

 

Sau 3 năm thành lập, huyện Thống Nhất luôn đạt tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước (năm 2006 tăng trưởng kinh tế đạt 9,1%). Đó là tiền đề thuận lợi để huyện đẩy mạnh tốc độ phát triển cho năm 2007 và những năm tiếp theo. Năm nay, huyện Thống Nhất đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP trên 9,5%. Theo đó, sẽ tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng dịch vụ và công nghiệp; chủ động khai thác tối đa các lợi thế và hạn chế các mặt bất lợi của hội nhập kinh tế quốc tế. Sau khi quy hoạch được duyệt, huyện sẽ nhanh chóng triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm và khu công nghiệp Dầu Giây để thu hút các nhà đầu tư. Tiến hành quy hoạch và đầu tư vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung để di dời các cơ sở chăn nuôi vào vùng quy hoạch đảm bảo vệ sinh và phòng dịch, quản lý tốt môi trường. Nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú ý phát triển các cây trồng có giá trị, có hiệu quả, giải quyết lao động như trồng hoa, cây cảnh, rau xanh... Tập trung các dự án giao thông vùng nông thôn, tiếp tục đầu tư các cơ sở giáo dục và y tế.

K.Loan - X.Phú (thực hiện)

(còn tiếp)

.
.
;
.
.