"Mua tivi, tủ lạnh. mua máy giặt, máy bơm. mua mô-tơ bơm nước. mua quạt trần, quạt bàn. mua nồi cơm điện. mua bình ắc-quy. mua âm-ply. mua tăng-phô điện..." – với một chiếc xe ba-gác cũ, xe đạp hay xe máy cà-tàng đèo thêm chiếc sọt phía sau, cùng một máy cassette cũ và chiếc loa nhỏ - những người làm nghề mua đồ điện lạc-xoong rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm...
Riết rồi mọi người cũng quen với tiếng rao bằng máy phát ra từ những người đi mua đồ điện lạc-xoong. Cứ thế, một mình, một ngựa sắt, những người làm nghề mua đồ điện lạc-xoong đi khắp nơi và "nhặt" tất cả những máy móc liên quan đến điện. Từ đồ điện máy, điện tử hư cũ, đến những chiếc mô-tơ cháy, thậm chí cả bình ắc-quy hết "pin" cũng... mua tất. Nghề thu gom đồ điện lạc-xoong khá vất vả, nhưng với nhiều người, đó cũng là một nghề kiếm sống được.
Anh Vũ Đức Hoan, một người quê Quảng Ngãi trôi dạt vào Đồng Nai sinh sống từ mùa bão hai năm về trước và theo nghề thu mua đồ điện lạc-xoong đã gần cả năm nay cho biết: "Những ngày đầu còn bơ vơ trên đất khách, tôi đã làm đủ nghề để sống từ thợ hồ đến thu mua ve chai. Nhưng rồi qua một người quen giới thiệu với vựa thu gom đồ điện lạc-xoong, tôi được học sơ về các loại máy móc và được trang bị một chiếc máy cassette cũ kèm theo chiếc loa nhỏ để đi mua hàng với tiền thế chân 100.000 đồng". Theo anh Hoan, dù đã được tìm hiểu sơ qua về các loại hàng điện tử gia dụng, về giá cả, nhưng vì chưa có kinh nghiệm nên thời gian đầu, anh Hoan mua hớ khá nhiều món hàng. Có lần anh mua một đầu đĩa cũ với giá 180.000 đồng, nhưng về vựa chỉ trả anh có 60.000 đồng vì máy bị sét đánh hư hỏng gần như toàn bộ, những đồ "ve chai" lấy được chẳng đáng bao nhiêu. Sau những lần "ngô nghê" ấy, anh "ngộ" ra dần và đến nay, con mắt nhà nghề của anh về món hàng đã "sát" hơn và đã có lời kha khá. Do chịu khó rong ruổi vào những hẻm vắng vẻ, có ngày anh mua được đến 5-6 món hàng, lời hẳn 200-300 ngàn đồng, nhưng cũng có ngày về không, sau khi đạp xe "rã cẳng" cả trăm cây số.
Còn anh Vũ Văn Chiến, quê ở Cà Mau lên Đồng Nai lập nghiệp cũng với nghề mua đồ điện lạc-xoong gần hai năm nay. Hơn anh Hoan ở chỗ là có được chiếc xe máy cà-tàng, anh Chiến cũng rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm. Theo kinh nghiệm, anh Chiến cho rằng: "Thời nay hàng điện máy, điện tử quá nhiều, quá rẻ, nên khi máy bị hỏng hóc hoặc đến thời kỳ hết hạn sử dụng thường hay trục trặc, người ta phải đi tới lui sửa chữa nhiều lần, mỗi lần vài chục ngàn nhưng chỉ được một thời gian ngắn lại hỏng, lại sửa, tốn tiền mà vẫn hoàn máy cũ, nhiều gia đình đã "thanh lý" luôn để mua hàng mới. Có khi gặp gia đình kha khá, họ không kỳ kèo thêm bớt, mình cũng kiếm ăn được". Với gần hai năm trong nghề, anh Chiến đã khá rành rẽ về các loại máy. Có những chiếc máy thanh lý rất rẻ nhưng chỉ cần chỉnh sửa đôi chút vẫn còn xài được nên anh để lại cho gia đình sử dụng. Bây giờ trong nhà anh, dù ở trọ và còn nghèo, nhưng loại máy gì cũng có, từ ti vi, tủ lạnh, đầu đĩa, máy vi tính... Đó là tiền lãi của anh.
Qua những người thu gom đồ điện lạc-xoong, chúng tôi được biết, hàng mua về sẽ "tập kết" tại một số vựa chuyên thu gom. Ở những vựa này, người ta phân loại và đánh giá mức độ hư hỏng của mỗi chiếc máy. Hàng ở đây chia làm 3 "nước". "Nước" nhất là các loại hàng đời tương đối mới, dù bị hỏng, vẫn được mua giá cao hơn các loại hàng lỗi thời khác - dù mức độ hư hỏng nhiều hơn, ví dụ như đầu đĩa, ti vi nghĩa địa (loại nhập nguyên chiếc), máy vi tính đời cũ... Hàng "nước" hai là các loại máy cũ, có thời hạn sử dụng cả 10-15 năm qua bị hỏng hóc ít như đầu băng, máy may kim - những loại này ở thành phố không mấy người sử dụng nên người ta thường thanh lý để mua đầu đĩa, máy may công nghiệp hoặc những loại máy lạnh, tủ lạnh cũ, máy giặt. "Nước" chót là những loại vừa hỏng móc nhiều, vừa lỗi thời, thì giá rất rẻ. Hàng "nước" chót thường bị rã để lấy phụ tùng bán lẻ. Những phụ tùng này được những ông thợ ở các tiệm sửa chữa đồ điện tử đến mua để thay cho những chiếc máy người ta đem sửa hoặc đưa về TP. Hồ Chí Minh, đã có mối lấy lại với giá chỉ một vài ngàn đồng một chi tiết. Còn với những loại hàng bị gãy "cơ học" như quạt bàn bị gãy cổ, nồi cơm điện bị hỏng rờ-le đều được sửa chữa và làm mới lại. Nhiều đồ điện từ đống "ve chai" này được sửa chữa, làm đồng và đưa về những miền quê nghèo để bán lại.
Phất lên từ nghề thu gom đồ điện tử, anh Đặng Văn Long quê ở Thái Bình vào Đồng Nai đã hơn gần 4 năm, hiện đang ở trọ ở khu phố 6, phường Trung Dũng (TP. Biên Hòa). Ba năm trước đây, anh cũng từng lăn lộn với nghề mua đồ điện lạc-xoong. Lâu dần quen mối, quen lái, lại có chút tiền đủ để thu gom lại đồ điện lạc-xoong từ những người mua dạo, anh Long thành chủ vựa lúc nào không hay. Bây giờ anh đã có hẳn một mối chuyên mua - bán các loại máy vi tính, máy in hư, cũ với một bạn hàng ở TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, cuộc sống gia đình anh đã khá hơn nhiều so với những năm trước đây. Hỏi về chuyện gia đình, anh Long vẫn đau đáu một nỗi niềm nhớ quê hương. Gần 4 năm, từ ngày vào
Phải nói rằng, trong cuộc sống đầy tất bật lo toan, để có cơm áo cho gia đình, nhiều người đã không quản ngại nắng mưa. Và, những người đi thu gom đồ điện lạc-xoong cũng thế, suốt ngày họ rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm với mong muốn mua được thật nhiều hàng. Đó cũng là một cách mưu sinh lương thiện của những người tha phương.
Phương Liễu