Xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ) vốn là một xã nông nghiệp. Ngoài mùa vụ và chăn nuôi gia súc, vào giờ nông nhàn, nhiều chị em phụ nữ chẳng biết làm gì để tăng thu nhập cho gia đình. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, ở xã xuất hiện hai "trung tâm" việc làm cho phụ nữ, đó là "trung tâm" của chị Đại Thị Ngoan ở ấp 2 và của chị Bạch Ngọc Lụa ở ấp 7 chuyên gia công đính cườm trên áo váy, rèm xuất khẩu... Từ ngày có 2 "trung tâm" này, hàng trăm lao động nông nhàn và thất nghiệp đã có thể tăng thu nhập bằng đường kim mũi chỉ dưới sự hướng dẫn của chị Ngoan, chị Lụa.
Cách nay 3-4 năm nay, nhờ một người thân ở TP. Hồ Chí Minh giới thiệu và bảo lãnh, chị Ngoan nhận hàng đính cườm về làm gia công để tăng thu nhập cho gia đình. Bằng sự chăm chỉ của mình, mỗi tháng gia đình chị có thêm thu nhập cũng kha khá. Khi việc làm ổn định, nhìn thấy trong xã còn nhiều chị em hoàn cảnh khó khăn, không có việc gì làm, nên chị Ngoan đã "liều" nhận hàng về giao cho chị em làm thử. Công việc đính cườm vốn tỉ mỉ, cần sự chăm chỉ và khéo léo nên lúc đầu nhiều sản phẩm chị em làm ra chưa đạt yêu cầu khiến chị Ngoan bị chủ hàng "la rầy" và không muốn giao hàng nữa.
Không ngại khó, ngại khổ, chị Ngoan đã khăn gói về TP. Hồ Chí Minh học nghề đính cườm trên những chất liệu khác nhau, với những mẫu hoa văn khác nhau. Sau mấy tháng học nghề, về xã chị đã hướng dẫn lại cho chị em thực hành thành thạo rồi giao hàng cho làm. Từ vài chị em được học nghề, đến nay "trung tâm" của chị đã có hơn trăm lao động ở xã nhận hàng về làm gia công. Cứ thế, người này giới thiệu người kia đến học, đến làm, thu nhập của nhiều gia đình ở Cẩm Mỹ được cải thiện. Từ chỗ là người trực tiếp gia công, đến nay "trung tâm" việc làm của chị Ngoan đã trở thành đầu mối giao nhận hàng cho các gia đình trong xã. Tâm sự với chúng tôi, chị Ngoan cho biết: "Nhờ chị em chăm chỉ, khéo tay nên sản phẩm đã không còn bị trả lại, hàng có đều đều, làm không hết. Mới đầu tôi chỉ nghĩ tạo việc làm thêm cho chị em phụ nữ, không ngờ giờ đây cả người già, trẻ em, thậm chí cả nam giới, lúc rảnh rỗi cũng tham gia vào. Bây giờ đã có hơn 200 gia đình có việc làm thường xuyên và thu nhập mỗi ngày khoảng 25.000 đồng/ người".
Cũng giống như chị Ngoan, "trung tâm" việc làm chị Bạch Ngọc Lụa gia công mặt hàng đính cườm, bắn hạt ngọc, tách bông bằng ngọc hạt cho những tấm rèm lớn xuất khẩu. "Trung tâm" việc làm của chị Lụa tuy không có nhiều lao động như chỗ chị Ngoan, nhưng ngày nào cũng có trên dưới mười người đến học và làm. Vì gia công đính hạt trên những tấm rèm dài rộng đến hơn chục mét và trị giá vài triệu đồng một tấm nên đòi hỏi người làm phải hết sức cẩn thận trong thao tác, mỗi tấm rèm phải cần vài người gia công cả tuần lễ mới xong. Chính sự công phu và "đắt đỏ" ấy nên chị Lụa ít dám giao cho người tay nghề không chuyên đảm nhận . Nhưng rồi thấy nhiều chị em trong xã "tha thiết" với công việc này nên chị đã quyết định truyền nghề cho những chị em muốn học. Đến nay, ở "trung tâm" của chị Lụa cũng đã có hơn 100 người nhận hàng về làm. Với giá gia công mỗi tấm rèm từ 200.000 - 300.000 đồng, có gia đình cả nhà tối đến quây quần cùng làm được 2, 3 tấm mỗi tuần, thu nhập đủ để trang trải cuộc sống. Hiện nay, cứ 10 ngày chị Lụa lại về TP. Biên Hòa lấy hàng để giao cho các chị em khác trong xã cùng gia công.
Tạo thêm việc làm cho hàng trăm chị em phụ nữ ở nông thôn có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình như hai chị Đại Thị Ngoan và Bạch Ngọc Lụa ở Cảm Mỹ thật là đáng quý...
Phương Uyên