Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành dịch vụ 'liệu cơm gắp mắm'

07:06, 28/06/2023

Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, người dân có xu hướng cắt giảm chi tiêu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành thương mại, dịch vụ.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, người dân có xu hướng cắt giảm chi tiêu đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành thương mại, dịch vụ. Nhiều mô hình dịch vụ đã chủ động “liệu cơm gắp mắm” để thích nghi, duy trì hoạt động kinh doanh.

Một cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Long Khánh) tích hợp hình thức thanh toán bằng mã QR. Ảnh: H.Hà
Một cửa hàng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP.Long Khánh) tích hợp hình thức thanh toán bằng mã QR. Ảnh: H.Hà

Đồng thời, nhiều chuỗi cửa hàng, nhà hàng, mô hình kinh doanh dịch vụ còn tích cực áp dụng công nghệ thông tin để tiết giảm chi phí vận hành, đa dạng các loại hình phục vụ, thu hút người tiêu dùng…

* Linh động thích nghi

Nhiều DN, cơ sở, cá nhân kinh doanh đã tìm cách thích ứng, thay đổi mô hình kinh doanh, cân đối lại đội ngũ nhân sự. Bên cạnh đó, kết hợp bán hàng đa kênh trên nhiều nền tảng thương mại điện tử, góp phần tạo môi trường kinh doanh đa dạng, phong phú để thích ứng với tình hình mới.

Chị Trương Ái Như, chủ trang bán hàng online Diễm Clothing (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, trước đây chị chuyên bán quần áo, phụ kiện thời trang trực tiếp tại cửa hàng. Tuy nhiên, kể từ sau đại dịch Covid-19, hoạt động buôn bán bị gián đoạn, ngưng trệ, tình hình kinh doanh gặp khó khăn buộc chị phải trả mặt bằng do không thể tiếp tục "gồng" nhiều khoản phí mặt bằng, vốn, nhân sự...

"Sau đại dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng của người dân chuyển dịch từ trực tiếp sang trực tuyến. Để thích ứng, tôi chuyển sang bán hàng online không chỉ riêng mặt hàng thời trang mà còn cả thực phẩm, nông sản và những sản phẩm theo xu hướng mới đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Nhờ đó, tôi có doanh thu ổn định, tránh tình trạng bị chôn vốn nhiều như trước" - chị Như cho hay.

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 5 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu từ dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 106,2 ngàn tỷ đồng, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ ăn uống, lưu trú tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2022.

Tương tự, quản lý nhà hàng Hellbull (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) Mai Văn Thịnh chia sẻ, trong thời kỳ kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nhu cầu tiêu dùng của người dân chịu nhiều tác động. Để thích ứng và phát triển, nhà hàng đã thay đổi nhiều yếu tố như: sửa sang, tạo thêm không gian ngoài trời cho thực khách; đa dạng thực đơn, thường xuyên cập nhật món mới với giá cả hợp lý, chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ. Đồng thời, vào dịp cuối tuần, nhà hàng còn thuê các nhóm nhảy hiện đại tạo hiệu ứng thu hút thực khách, nhất là giới trẻ.

* Cập nhật các xu hướng tiêu dùng

Xu hướng tiêu dùng thời gian gần đây có nhiều thay đổi. Hầu hết người dân đều lên kế hoạch chi tiêu rõ ràng và chỉ chi tiêu vào những mục đích thực sự cần thiết như: mua nhu yếu phẩm, chi cho sinh hoạt hàng ngày, chú trọng nhiều hơn đến sức khỏe...

Chị Đoan Chi, chủ cửa hàng Bếp ăn Eat Clean Biên Hòa cho biết, chị vừa đóng cửa một cửa hàng kinh doanh ăn uống và chuyển sang bán đồ ăn sạch trực tuyến theo tuần, tháng. Hiện chị đẩy mạnh bán hàng online bằng cách tạo ra các thực đơn, món ăn mới nhiều dinh dưỡng cho người dùng nhằm cải thiện sức khỏe, chú trọng đến yếu tố xanh - sạch - an toàn. Việc bán hàng online giúp tiết giảm chi phí, khâu trung gian, từ đó tạo ra nhiều lợi ích hơn cho cả người bán lẫn người mua.

"Đây là thời điểm mà các DN, hộ kinh doanh nhỏ lẻ cần quan tâm, chú trọng hơn đến việc đóng gói bao bì, sắp xếp lại sản phẩm, thực phẩm sao cho phù hợp với hình thức bán online. Ngoài ra, việc cân đối giá thành, đáp ứng cả chất lượng lẫn túi tiền của khách hàng cũng là cách chia sẻ trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay" - chị Chi chia sẻ.

Thời gian qua, nhiều chuỗi cửa hàng, mô hình dịch vụ đã đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy các hình thức thanh toán trực tuyến, cũng như đầu tư mở rộng, bố trí lại khu vực thanh toán, dịch vụ ăn uống. Qua đó, góp phần thu hút người tiêu dùng, tăng doanh thu. Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xu hướng chuyển đổi số ngày càng được quan tâm, nhất là việc phát triển hạ tầng về công nghệ, thông tin. Đây là điều kiện cần để các DN, hệ thống bán lẻ, đơn vị sản xuất, kinh doanh phát triển các nền tảng dịch vụ mới theo hướng hiện đại, số hóa.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng Nai Trần Đăng Ninh cho hay, việc tạo ra được chuỗi tiện ích, liên kết nhiều nền tảng dịch vụ sẽ giúp người dân, khách du lịch thuận tiện trong việc sử dụng các ứng dụng về du lịch, dịch vụ số. Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng các kênh thanh toán trực tuyến, sử dụng mã QR ngày càng trở nên phổ biến. Điều này đòi hỏi các mô hình kinh doanh dịch vụ cần chủ động cập nhật để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Để các nhà hàng, địa điểm lưu trú phát triển các nền tảng dịch vụ số, thanh toán số, hóa đơn điện tử một cách hiệu quả thì cần có đơn vị có chuyên môn quản lý, vận hành một cách chuyên nghiệp, hiệu quả.

Hoàng Hải

Tin xem nhiều