Theo các chuyên gia kinh tế, để hướng tới gia tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp thì tất yếu phải xây dựng được hệ thống doanh nghiệp trong nước mạnh và tự chủ về công nghệ.
Theo các chuyên gia kinh tế, để hướng tới gia tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành công nghiệp thì tất yếu phải xây dựng được hệ thống doanh nghiệp trong nước mạnh và tự chủ về công nghệ.
TS Võ Trí Thành, Nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế (CIEM) cho rằng, trong quá trình tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, Việt Nam có nhiều lợi thế khi ở vị trí trung tâm ở châu Á - Thái Bình Dương, là vùng năng động nhất để phát triển, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do.
Vấn đề của Việt Nam hiện nay, theo ông Thành là phải tập trung xây dựng được một số DN mạnh, nhất là trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ. Khi xác định "hạt giống tiềm năng", cần có chính sách hỗ trợ quan trọng, đặc biệt là hỗ trợ cho DN đầu đàn. Đó là những công ty tiên phong, thu hút tạo dựng được liên kết với các DN và các thể chế liên quan.
Tập đoàn Trường Hải là một trong những “sếu đầu đàn” của ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo. Theo ông Đỗ Minh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries) thuộc Tập đoàn Trường Hải, DN xác định tính tự chủ của một nền công nghiệp là từ công nghiệp hỗ trợ, cùng với cơ hội từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng gia công. Với tiềm lực của mình, Trường Hải đang xúc tiến đầu tư khu công nghiệp chuyên về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Việc xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành sẽ tạo điều kiện kết nối các nhà cung ứng thứ cấp khác quy tụ lại cùng một khu vực. Không chỉ những nhà sản xuất này có cơ hội kết nối với Trường Hải mà từ đây họ có thể hợp lực, tạo ra sức mạnh để có thể đi sâu vào chuỗi liên kết của thế giới.
Đào Lê