Báo Đồng Nai điện tử
En

Phía sau những cuộc 'di dân' lịch sử phục vụ các 'siêu dự án' (Bài 1)

08:05, 22/05/2023

Những năm qua, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, tỉnh đã được triển khai tại Đồng Nai. Hàng ngàn hộ dân trong tỉnh đã di dời dành đất cho các "siêu dự án".

Những năm qua, nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, tỉnh đã được triển khai tại Đồng Nai. Tỉnh trở thành “đại công trường xây dựng” của cả nước. Hàng ngàn hộ dân trong tỉnh đã di dời dành đất cho các “siêu dự án”. Tỉnh đã ưu tiên đầu tư các khu tái định cư (TĐC) để giúp người dân có nơi ở mới tốt hơn. Thế nhưng, do những vướng mắc liên quan đến chính sách, đất đai nhiều khu TĐC chậm tiến độ khiến cho người dân còn gặp rất nhiều khó khăn trong TĐC.

Bài 1: Đồng Nai - đại công trường xây dựng

Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Đông của đô thị lớn nhất cả nước TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có vai trò quan trọng trong kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương. Chính vì vậy, nhiều dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đã, đang và sẽ tiếp tục được triển khai trên địa bàn tỉnh.

Sau hơn 2 năm xây dựng, Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dự án trọng điểm quốc gia đã được khánh thành và đưa vào khai thác tuyến chính cuối tháng 4-2023. Ảnh: P.Tùng
Sau hơn 2 năm xây dựng, Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, dự án trọng điểm quốc gia đã được khánh thành và đưa vào khai thác tuyến chính cuối tháng 4-2023. Ảnh: P.Tùng

Để trở thành đại công trường xây dựng lớn nhất cả nước, Đồng Nai cũng phải thực hiện những cuộc “di dân” lịch sử.

* Điểm đến của các đại dự án

Ngày 5-1-2021, dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 chính thức được khởi công xây dựng. Đây là dấu mốc lịch sử, hiện thực hóa khát vọng xây dựng sân bay lớn nhất cả nước sau gần 20 năm quy hoạch. Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư hơn 336 ngàn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là hơn 114 ngàn tỷ đồng. Với mức đầu tư trên, Sân bay Long Thành trở thành dự án lớn nhất cả nước từ trước tới nay được triển khai ở Đồng Nai. Với công suất thiết kế phục vụ 100 triệu lượt hành khách và 25 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, khi hoàn thành toàn bộ dự án, Sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam và là cảng hàng không trung chuyển lớn khu vực Đông Nam Á trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn cho hay, sân bay Long Thành là một trong những mục tiêu đầu tư rất quan trọng nhằm thúc đẩy năng lực cạnh tranh của cả nước nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng. Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy du lịch vùng và là cửa ngõ đưa khách du lịch quốc tế tới Việt Nam và khách du lịch Việt Nam tới quốc tế. Luồng lưu thông khách du lịch sẽ đem tới nguồn thu đáng kể cho các hoạt động thương mại, dịch vụ đi kèm.

Trước thời điểm siêu dự án Sân bay Long Thành được khởi công xây dựng hơn 3 tháng, dự án Đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng đã được khởi công thực hiện. Sau hơn 2 năm thi công, vào cuối tháng 4-2023, dự án này đã được khánh thành và đưa vào khai thác tuyến chính.

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đưa vào khai thác rút ngắn hành trình từ TP.HCM đến các tỉnh và mở ra những cơ hội đầu tư mới cũng như khắc phục tình trạng ách tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên quốc lộ 1. Đồng thời, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực Nam Trung bộ.

Sau cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, năm 2025, một dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác đi qua địa bàn tỉnh cũng dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác là cao tốc Bến Lức - Long Thành. Cùng với các dự án đã và đang được triển khai thực hiện, thời gian tới, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng khác của Trung ương cũng như của tỉnh sẽ tiếp tục được “khởi động” như: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, đường vành đai 3, 4 - TP.HCM, đường tỉnh 770B…

* Những cuộc “di dân” lịch sử

Để phục vụ dự án Sân bay Long Thành, từ năm 2018, Đồng Nai chính thức triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Hơn 5,5 ngàn hộ dân trên địa bàn 6 xã của H.Long Thành phải di dời khỏi nơi ở cũ để bàn giao đất thực hiện dự án. Chính vì vậy, đây được xem là cuộc “di dân” lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Văn Tiếp, Chủ tịch UBND H.Long Thành cho biết, trong tổng số gần 5 ngàn ha đất phải thu hồi để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành có gần 3 ngàn ha đất thuộc quyền sử dụng của các hộ gia đình, cá nhân. Đây là dự án có diện tích đất cần thu hồi lớn nhất, có số lượng hộ dân phải di dời lớn nhất từ trước đến nay.

Theo dự kiến, dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 sẽ được khởi công xây dựng vào cuối tháng 6-2023. Để thực hiện dự án này, Đồng Nai cũng sẽ phải thực hiện thu hồi đất của gần 3 ngàn hộ dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay, số lượng hộ dân bị ảnh hưởng, phải di dời khi thực hiện dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chỉ đứng sau dự án Sân bay Long Thành.

Bên cạnh 2 cuộc “di dân” lịch sử với gần 10 ngàn hộ dân phải di dời khỏi nơi ở cũ, hàng ngàn hộ dân khác trên địa bàn tỉnh cũng đã, đang và sẽ tiếp tục chuyển đến những nơi ở mới để “nhường” đất cho các dự án.

Vào giữa tháng 3-2023, trong chuyến kiểm tra dự án Sân bay Long Thành và một số dự án đường cao tốc trên địa bàn tỉnh, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, với hàng loạt dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đã, đang và sẽ được triển khai, Đồng Nai phải thực hiện một khối lượng công việc rất lớn trong công tác giải phóng mặt bằng.

Theo Sở TN-MT, trong vòng 15 năm từ năm 2007-2022, chưa tính dự án Sân bay Long Thành, trên địa bàn tỉnh có trên 1,3 ngàn dự án được triển khai thực hiện. Để phục vụ các dự án này, Đồng Nai đã thu hồi 18 ngàn ha đất của hơn 60 ngàn trường hợp. Tổng vốn để bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng là hơn 20 ngàn tỷ đồng.

Phạm Tùng

Bài 2: Mòn mỏi chờ tái định cư

Tin xem nhiều