Trong quý I-2023, nền kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến không thuận lợi, những khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và đời sống xã hội của cả nước.
Trong quý I-2023, nền kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến không thuận lợi, những khó khăn, thách thức đã ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) và đời sống xã hội của cả nước. Dù các DN tại Đồng Nai đã nỗ lực rất lớn nhưng tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn gặp không ít khó khăn do thiếu đơn hàng sản xuất, thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, công nhân thiếu việc làm, thu nhập giảm…, ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Do đó, các DN mong muốn tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về tài chính để trụ lại trong thời điểm khó khăn hiện nay và chờ cơ hội phục hồi vào nửa cuối năm 2023.
Vừa qua, các hiệp hội DN đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho DN, đồng thời tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nợ vay 1 năm 2023 đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, cần áp dụng chính sách ân hạn 1 năm thay vì gộp trả nợ ngay trong năm sau như lần hỗ trợ 2021, càng làm DN khó khăn thêm. Theo đó, thời gian của hợp đồng vay cũng được kéo dài thêm tương ứng với thời gian ân hạn mà không làm thay đổi số tiền phải trả từng kỳ theo lịch trả nợ trước đó. Điều này giảm áp lực trả nợ so với yêu cầu phải chia đều nợ phải trả theo Thông tư 01/NHNN-TT.
Hiện nay, hệ thống ngân hàng siết chặt các điều kiện cho vay với mức an toàn cao nên định giá tài sản thế chấp thấp, tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản thế chấp bị kéo thấp xuống. Đồng thời, các ngân hàng yêu cầu DN bổ sung tài sản thế chấp đối với các hợp đồng đã cho vay cũng gây rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, lãi suất vay cao cũng là cản trở lớn, tác động đến kết quả kinh doanh của DN. Hiện lãi suất tiền vay hầu hết đều trên 10%/năm sẽ là khó khăn cho DN sử dụng đòn bẩy nợ vay. Vì thế, các DN đều mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có biện pháp hạ lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại, khống chế tỷ lệ “biên độ lãi ròng” ở mức 3%. Đây là giải pháp cần thiết để các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với nền kinh tế hiện nay.
Ngoài ra, các DN hy vọng có thể tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp để trả lương cho người lao động, kích thích sức mua trên thị trường sẽ thúc đẩy sản xuất của nhiều ngành hàng.
Uyển Nhi