Báo Đồng Nai điện tử
En

Chấn chỉnh các điểm kinh doanh tự phát: Cần giải pháp căn cơ

08:03, 09/03/2023

Trong thời gian qua, dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý các điểm kinh doanh tự phát (KDTP), lấn chiếm lòng lề đường, nhưng trên thực tế nhiều điểm KDTP cứ "dẹp rồi lại mở"...

Trong thời gian qua, dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý các điểm kinh doanh tự phát (KDTP), lấn chiếm lòng lề đường, nhưng trên thực tế nhiều điểm KDTP cứ “dẹp rồi lại mở”...

Một điểm kinh doanh tự phát ở gần khu vực chợ Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.QUÂN
Một điểm kinh doanh tự phát ở gần khu vực chợ Hóa An (TP.Biên Hòa). Ảnh: H.QUÂN

Đây là một trong những lý do khiến cho sức mua tại nhiều chợ truyền thống, nhất là các chợ ở đô thị bị sụt giảm. Ngoài ra, các điểm KDTP có tính chất như chợ cũng ảnh hưởng tới an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị…

* Không dễ giải quyết

Theo Sở Công thương, tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 69 điểm KDTP, tập trung nhiều nhất ở TP.Biên Hòa. Trong đó, hiện nay các địa phương đã giải quyết dứt điểm 38 điểm và đang tiếp tục xử lý 31 điểm.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Trưởng ban Quản lý chợ Hóa An (TP.Biên Hòa) chia sẻ, các tụ điểm bán hàng rong tự phát mọc lên xung quanh khu vực chợ đã ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất tới sức mua tại chợ. Nhiều người dân vẫn còn tâm lý “tiện đâu mua đó” nên thường tấp vào mua sắm tại các điểm bán hàng rong này. Điều này là một phần nguyên nhân ảnh hưởng đến sức mua trong chợ. Từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đến nay sức mua trong chợ giảm từ 40-50% so với năm ngoái.

Trưởng ban Quản lý chợ Biên Hòa VÕ VĂN PHI cho hay, thời gian qua, các điểm bán hàng rong tự phát bên hông chợ đã gây ảnh hưởng đến sức mua chung ở trong khu vực chợ chính. Ban quản lý chợ đã chủ động phối hợp với chính quyền các phường: Hòa Bình, Thanh Bình và có thêm sự hỗ trợ của lực lượng công an thành phố thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền, kiểm tra, lập lại trật tự lòng, lề đường ở khu vực chợ…

Tại buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương về tình hình quản lý và phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh vào đầu tháng 3 vừa qua, đại diện Phòng Kinh tế TP.Biên Hòa cho hay, dù thành phố đã triển khai nhiều biện pháp để rà soát, xử lý các điểm KDTP, chợ tạm nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại, tái diễn. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục tăng cường rà soát, có phương án xử lý các điểm KDTP một cách phù hợp.

Về công tác chấn chỉnh tụ điểm KDTP, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Đặng Trần Nhật Thoại cho biết, việc kiểm tra, rà soát hoạt động các tụ điểm KDTP và các chợ hoạt động không hiệu quả hoặc không hoạt động trên địa bàn tỉnh được các sở, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo, triển khai. Tuy nhiên, trên thực tế, tại các địa bàn có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, khu vực đông công nhân, lao động, sinh viên thì các tụ điểm KDTP vẫn còn hoạt động nhiều hoặc tái lấn chiếm, tái vi phạm vẫn còn diễn ra sau các đợt kiểm tra…

* Rà soát, đề xuất phương án phù hợp

Để có thể xử lý các điểm KDTP một cách hiệu quả, căn cơ, các ngành chức năng và các địa phương cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần tăng cường kiểm tra, xử lý các tụ điểm KDTP; đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân mua sắm tại các điểm bán hàng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; có kế hoạch mở rộng, phát triển các chợ văn hóa, văn minh… đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn.

Cũng trong buổi làm việc về tình hình quản lý và phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh, Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Trí Phương chia sẻ, thời gian qua, các điểm KDTP có xu hướng giảm thông qua việc tăng cường kiểm tra, xử lý của các sở, ngành, địa phương nhưng nhìn chung xu hướng giảm này vẫn chưa bền vững.

Qua quá trình kiểm tra, rà soát, Sở Công thương cùng các sở, ngành liên quan đã tham mưu cho UBND tỉnh công văn chỉ đạo việc tiếp tục kiểm tra hoạt động các điểm KDTP. Trong đó, có hướng dẫn các địa phương những biện pháp quản lý, kiểm tra các điểm này; hướng dẫn lắp đặt các camera theo dõi, đề xuất các hướng xử lý đối với các điểm KDTP một cách phù hợp, đúng quy định,

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng yêu cầu, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh cần phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát các dự án chợ còn tồn tại, vướng mắc. Đồng thời, chủ động rà soát, đề xuất phương án điều chỉnh, bố trí các điểm kinh doanh một cách phù hợp để đảm bảo nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn, nhu cầu buôn bán cho các hộ kinh doanh, tiểu thương; cũng như đảm bảo hành lang an toàn giao thông, vệ sinh môi trường… Bên cạnh đó, các địa phương cần rà soát quy hoạch chợ, đảm bảo đầu tư xây dựng, phát triển chợ hiệu quả, không chạy theo số lượng.

Hải Quân

Tin xem nhiều