Báo Đồng Nai điện tử
En

Tăng nhanh diện tích vùng trồng cho cây chủ lực

07:10, 10/10/2022

Thời gian qua, Đồng Nai tập trung xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho nhiều cây trồng có thế mạnh xuất khẩu của tỉnh.

Mã số vùng trồng là mã số định danh cho một vùng trồng nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại; giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Đây là điều kiện bắt buộc để nông sản có thể xuất khẩu theo đường chính ngạch. Thời gian qua, Đồng Nai tập trung xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho nhiều cây trồng có thế mạnh xuất khẩu của tỉnh.

Chuối mô xuất khẩu tại H.Trảng Bom, một trong những cây trồng chủ lực được nhân rộng diện tích mã số vùng trồng để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: Bình Nguyên
Chuối mô xuất khẩu tại H.Trảng Bom, một trong những cây trồng chủ lực được nhân rộng diện tích mã số vùng trồng để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh: Bình Nguyên

Ngành Nông nghiệp của tỉnh đang tập trung xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cho nhiều cây trồng chủ lực có thế mạnh xuất khẩu để những vùng chuyên canh cây ăn trái lớn của tỉnh có đầu ra ổn định.

* Nhiều cây chủ lực có mã số vùng trồng

Theo Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh đã có 120 vùng trồng nông sản với diện tích trên 24 ngàn ha được cấp mã số. Cụ thể, có 120 vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu đi Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand. Trong đó, diện tích các cây trồng chủ lực có diện tích được cấp mã số vùng trồng lớn như: 18 vùng trồng xoài với diện tích hơn 9 ngàn ha; có 22 vùng trồng chôm chôm với diện tích hơn 6,9 ngàn ha; 9 vùng trồng chuối với diện tích hơn 4,3 ngàn ha...

Theo Sở NN-PTNT, toàn tỉnh hiện có 51 cơ sở đóng gói được cấp mã số xuất khẩu đi nhiều thị trường. Chỉ tính riêng năm 2022, có thêm 5 cơ sở đóng gói chuối và sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu và 19 cơ sở đóng gói chuối đang chờ phê duyệt.

Chỉ tính riêng năm 2022, toàn tỉnh có thêm 5 vùng trồng chuối với diện tích hơn 465ha và 7 vùng trồng sầu riêng với diện tích hơn 533ha được cấp mã số vùng trồng. Ngoài ra, có 4 vùng trồng chuối với diện tích gần 824ha đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số vùng trồng.

Các cây trồng được cấp mã số vùng trồng rất đa dạng gồm: sầu riêng, chôm chôm, xoài, chuối, thanh long, mít, chanh không hạt… Ngoài thị trường lớn là Trung Quốc, các loại cây ăn trái như: xoài, chôm chôm, chanh không hạt, chuối… đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Mỹ, Australia, Nhật Bản, các nước thuộc Liên minh châu Âu. Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt với yêu cầu kiểm soát chặt chẽ về quy trình sản xuất, về chất lượng sản phẩm để đủ điều kiện xuất khẩu.

Vùng trồng Nhân Nghĩa (xã Nhân Nghĩa, H.Cẩm Mỹ) tuy có diện tích ít, chỉ hơn 20ha sầu riêng nhưng được đánh giá cao trong đợt đánh giá, cấp mã số của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Đây cũng là vùng trồng duy nhất của Đồng Nai do nông dân tự đứng ra tổ chức.

Ông Đỗ Minh Ý, nông dân tổ chức Vùng trồng Nhân Nghĩa chia sẻ: “Vùng trồng này có gần 20ha sầu riêng, trong đó diện tích của gia đình tôi là 4,5ha. Để được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất sạch, phải thực hiện ghi nhật ký canh tác, lưu trữ tài liệu, nhờ đó dễ dàng kiểm tra việc sử dụng phân bón sinh học, quy trình phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt một số hoạt chất đã được cảnh báo không được sử dụng từ nước nhập khẩu”.

* Nhân rộng cấp mã số vùng trồng

Theo kế hoạch thực hiện thiết lập, quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu đến năm 2025 của Sở NN-PTNT, công tác kiểm tra, thiết lập các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói có nhu cầu xuất khẩu nông sản được thực hiện hằng năm. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh được cấp thêm 73 mã số vùng trồng với tổng diện tích gần 6.449ha với các cây trồng chủ lực như: bưởi, chuối, mít, xoài, thanh long… Cấp thêm 61 mã số cơ sở đóng gói của các sản phẩm: sầu riêng, chuối, mít, chôm chôm, xoài, bưởi.

Những cây trồng trên đều là cây chủ lực của tỉnh có diện tích lớn, nhiều loại chủ yếu vẫn xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc được chú trọng nhân rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng để đủ chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước theo đường chính ngạch thuận lợi, bền vững.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (H.Xuân Lộc) cho biết, vùng chuyên canh xoài của địa phương được chọn làm thí điểm cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: Australia, Nhật Bản… Nhờ đó, trái xoài Suối Lớn đủ điều kiện xuất khẩu vào những thị trường khó tính, thương hiệu được thị trường nội địa nhận biết tốt hơn.

Bà Trần Thị Tú Oanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Sở NN-PTNT) cho hay, thời gian tới, chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo tập huấn, kiểm tra, giám sát để nâng cao năng lực, nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong việc tuân thủ, chuẩn hóa vùng trồng, cơ sở đóng gói. Đây là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao giá trị, chất lượng, thương hiệu sản phẩm cây trồng. Qua đó, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản xuất khẩu, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững hướng đến xuất khẩu.

Tham gia thực hiện mã số vùng trồng, nông dân được hỗ trợ nhiều từ Nhà nước như: được tham gia các lớp tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng; các biện pháp quản lý sâu bệnh hại tại vườn trồng; các biện pháp canh tác, quản lý sau thu hoạch… nhằm đảm bảo vườn cây không chỉ đạt năng suất tốt mà còn đảm bảo về chất lượng đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều