Việc thành lập Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư được kỳ vọng sẽ giúp Đồng Nai tạo ra bước đột phá đối với công tác giải phóng mặt bằng, từ đó thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Việc thành lập Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư được kỳ vọng sẽ giúp Đồng Nai tạo ra bước đột phá đối với công tác giải phóng mặt bằng, từ đó thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án Hệ thống thoát nước khu vực suối Nước Trong (H.Long Thành) là một trong những dự án bị chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: P.Tùng |
* “Nút thắt” khó tháo gỡ
Đầu tháng 11-2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chính thức ký hợp đồng với nhà thầu thi công gói thầu xây lắp dự án Chống ngập úng khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan, TP.Biên Hòa. Cùng với đó, đơn vị cũng dự kiến sẽ khởi công dự án vào giữa tháng 11-2020. Tuy nhiên, đến nay, sau gần 1 năm rưỡi kể từ thời điểm ký hợp đồng, việc khởi công dự án vẫn không thể thực hiện. Đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên dự án này bị vỡ kế hoạch khởi công.
Lý giải về nguyên nhân khiến dự án liên tục bị “lỡ hẹn” khởi công, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Trần Văn Thanh cho biết, nguyên nhân duy nhất là nhà thầu không có đủ mặt bằng để thi công nên dự án không thể khởi công.
Trong số các dự án giao thông sẽ triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, có 4 dự án gồm: nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 773; xây dựng đường tỉnh 770B; mở rộng, nâng cấp đường tỉnh 769 và đường tỉnh 772 sẽ thực hiện khai thác quỹ đất lợi thế dọc hai bên đường để tạo nguồn vốn đầu tư. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng ngoài thực hiện đối với dự án xây dựng các tuyến đường thì cũng sẽ được thực hiện đối với các khu đất lợi thế được quy hoạch. |
Cũng theo ông Trần Văn Thanh, dù đơn vị đã phối hợp rất chặt chẽ với UBND TP.Biên Hòa nhưng công tác giải phóng mặt bằng cho dự án vẫn gặp rất nhiều khó khăn. “Mặt bằng “da beo” nên nhà thầu không thể thi công. Dự án đang đứng trước nguy cơ lỡ hẹn thêm một mùa mưa nữa. Đây đã là mùa mưa thứ 3 nhưng dự án vẫn chưa thể triển khai để giải quyết một phần tình trạng ngập úng cho khu vực Cổng 11” - ông Trần Văn Thanh chia sẻ.
Không chỉ dự án Chống ngập úng khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan mà hàng loạt dự án khác trên địa bàn tỉnh cũng đang đối mặt với “bài toán hóc búa” mang tên giải phóng mặt bằng.
Theo Sở KH-ĐT, trong tổng số 18 công trình, dự án trọng điểm đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh hiện nay, có đến gần phân nửa số dự án đang gặp những vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến tiến độ. Tương tự, nhiều dự án do các địa phương triển khai cũng đang đối mặt với thách thức khó tháo gỡ là công tác giải phóng mặt bằng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho biết, khó khăn lớn nhất, nổi cộm nhất trong việc triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn đến từ nguyên nhân khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công.
* Chuyên nghiệp hóa công tác giải phóng mặt bằng
Đồng Nai nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là cửa ngõ dẫn vào đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM. Chính vì vậy, lâu nay Đồng Nai vẫn được xem là một đầu mối giao thông cực kỳ quan trọng. Cũng từ thực tế đó, trên địa bàn Đồng Nai có nhiều dự án đầu tư lớn của Trung ương được triển khai thực hiện bên cạnh các dự án của địa phương. Trong số này, chiếm số lượng lớn là các dự án về hạ tầng giao thông.
Ngoài các dự án đã được triển khai thực hiện, thời gian tới sẽ có thêm hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn sẽ tiếp tục được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, thời gian tới sẽ có khoảng 12 dự án nhóm A sẽ được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh gồm: các tuyến đường cao tốc, đường vành đai và các tuyến đường tỉnh. Do đó, khối lượng công việc đối với công tác giải phóng mặt bằng là rất lớn.
Vì vậy, theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, để công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ thực hiện các dự án, UBND tỉnh đã báo cáo Ban TVTU và được thống nhất chủ trương thực hiện tách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh thành 3 ban riêng, trong đó có Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư. “Đây sẽ là ban “chuyên nghiệp” chuyên thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm. Đây là cái mới mà Đồng Nai dự kiến sẽ thực hiện để có thể làm nhanh, làm kịp công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Mới đây nhất, tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh diễn ra vào ngày 7-4 đã thống nhất kiện toàn tổ chức bộ máy Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh và thành lập các ban quản lý dự án. Trong đó, có việc thí điểm thành lập Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai. Việc thành lập Ban Quản lý dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư tỉnh Đồng Nai được thực hiện thí điểm trong 2 năm. Sau 2 năm, tỉnh tiến hành sơ kết, báo cáo kết quả triển khai thực hiện để xem xét tính hiệu quả, khả thi theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị.
Phạm Tùng