Cuối năm 2021, các địa phương trong tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh hủy bỏ 410 dự án trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nguyên nhân là do các dự án đã quá thời hạn quy định không triển khai hoặc chủ đầu tư đề xuất hủy bỏ dự án vì không còn phù hợp.
Cuối năm 2021, các địa phương trong tỉnh đã đề xuất UBND tỉnh hủy bỏ 410 dự án trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nguyên nhân là do các dự án đã quá thời hạn quy định không triển khai hoặc chủ đầu tư đề xuất hủy bỏ dự án vì không còn phù hợp.
Liên quan đến đất lúa, rừng và vướng các quy định, H.Tân Phú đề xuất hủy bỏ 93 dự án trên các lĩnh vực. Ảnh: H.GIANG |
Theo Sở TN-MT, năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt 1.967 dự án với diện tích 29.456ha, nhưng đến cuối năm mới hoàn thành thủ tục đất đai 223 dự án, đang triển khai 1.309 dự án, chưa thực hiện 435 dự án. Các địa phương đã đề xuất hủy bỏ hàng loạt dự án có diện tích hơn 8 ngàn ha, chiếm gần 21% số dự án đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2021.
* Vướng mắc ở nhiều khâu
Qua rà soát của các địa phương, cuối năm 2021, có 1.384 dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất từ 3 năm trở lên. Trong đó, chủ yếu là do vướng Luật Đất đai, quy hoạch chưa đồng nhất, bất cập trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dịch bệnh Covid-19, chưa cân đối đủ nguồn vốn để thực hiện.
Bà Đào Thị Thanh Hoài, Trưởng phòng Quy hoạch (Sở TN-MT) đánh giá: “Trong năm 2021, các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất còn thấp là vì nhiều dự án chưa hoặc triển khai chậm. Do đó, nhiều dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất quá 3 năm không thực hiện được buộc phải hủy bỏ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua kiểm tra, rà soát cũng có nhiều dự án, công trình vướng các quy định về đất đai, đầu tư, nhưng một phần do phòng TN-MT chưa phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban khác trong huyện, thành phố để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để thực hiện các dự án”.
Thực tế, việc triển khai các dự án có liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh thủ tục rất nhiều, doanh nghiệp (DN) phải mất bình quân 4-6 năm mới hoàn thành (thu hồi đất thuận lợi), còn nếu không may vướng mắc ở các khâu như: quy hoạch chưa phù hợp, bồi thường giải tỏa khó khăn, “dính” vào đất lúa hoặc đất rừng… thì một dự án trên thực tế có thể kéo dài đến 8-10 năm mới xong.
Ông Nguyễn Hồng Quế, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh (Sở TN-MT) cho rằng, thời gian qua, rất nhiều dự án trên địa bàn tỉnh chậm triển khai là do vướng vào bồi thường giải phóng mặt bằng. Hầu hết người dân khiếu nại giá đất bồi thường thấp hơn so với giá thị trường đang giao dịch. Đặc biệt, các dự án phải thu hồi đất nông nghiệp khu vực đô thị rất khó khăn, vì những khu vực này giá đất bị đẩy lên rất cao, đơn vị tư vấn xác định giá đất không sát thực tế rất dễ dẫn đến người dân có đất thu hồi trong dự án không đồng thuận.
* Tìm cách triển khai nhanh dự án
Do nhu cầu phát triển của các huyện, TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa, hằng năm, Đồng Nai đã đưa vào kế hoạch sử dụng đất nhiều dự án trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh để thực hiện. Trong đó, có nhiều dự án cấp quốc gia, tỉnh, huyện, thành phố. Trong năm qua, có nhiều dự án chưa thực hiện phải hủy bỏ có nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhưng trong đó, có một phần là do các địa phương chưa xác định được nhu cầu thực tế để lên kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp.
Theo các địa phương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các dự án không khởi công xây dựng và hoàn thành theo đúng lộ trình là vì trên địa bàn cùng lúc triển khai nhiều dự án, đội ngũ làm công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ít, trong khi công việc này rất phức tạp, mất nhiều thời gian để thực hiện nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ dự án. Bên cạnh đó, dự án có lấy vào đất lúa, đất rừng phải chờ đợi tỉnh hoặc Trung ương chấp thuận cho chuyển đổi mới thực hiện được…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho biết: “Các dự án phải hủy bỏ và chậm triển khai là do Luật Đất đai chậm sửa đổi dẫn đến nhiều bất cập, tình trạng chồng chéo giữa Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản cũng gây cản trở lớn. Các vướng mắc liên quan đến luật, quy định của Trung ương, tỉnh đã tổng hợp và kiến nghị tháo gỡ. Tuy nhiên, về phía các địa phương, phải chủ động kịp thời tháo gỡ những vướng mắc thuộc thẩm quyền của mình để các chủ đầu tư có thể triển khai nhanh dự án, góp phần vào phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn”.
Mỗi năm nhu cầu vốn để triển khai các dự án của từng huyện, thành phố rất lớn, nhưng nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ có hạn chỉ một vài trăm tỷ đồng và phải ưu tiên cho những dự án quan trọng, đang triển khai. Vì vậy, nhiều dự án mới không có vốn để thực hiện, quá thời hạn 3 năm buộc phải thu hồi. Dự án bị thu hồi nhiều đa số là hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trường học...
Hương Giang