Khi câu chuyện nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc chưa được giải quyết dứt điểm, Trung Quốc lại ra thông báo tạm ngưng nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam trong 4 tuần tới do lô hàng thanh long và bao bì nhập khẩu từ Việt Nam cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Khi câu chuyện nông sản bị ùn ứ tại các cửa khẩu xuất hàng sang Trung Quốc chưa được giải quyết dứt điểm, Trung Quốc lại ra thông báo tạm ngưng nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam trong 4 tuần tới do lô hàng thanh long và bao bì nhập khẩu từ Việt Nam cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trái thanh long đang rơi vào cảnh dội chợ không có đầu ra.
Nhà vườn trồng thanh long gặp khó vì thương lái không thu mua. Trong ảnh: Vườn thanh long tại xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên |
Hiện tại đang là cao điểm xuất khẩu của nhiều mặt hàng trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc. Nhiều mặt hàng trái cây xuất khẩu đang đối mặt với cơn khủng hoảng thừa vì thị trường tiêu thụ lớn nhất này gặp khó khăn.
* Thanh long dội chợ
Hiện nhiều vùng trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn tỉnh bắt đầu vào vụ thu hoạch mùa thanh long trái vụ. Nguồn cung dồi dào do vài năm trở lại đây, diện tích thanh long ruột đỏ của Đồng Nai tăng mạnh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 1,7 ngàn ha trồng thanh long ruột đỏ.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có trên 73,4 ngàn ha cây ăn trái, tăng trên 3,5 ngàn ha (tương đương hơn 5%) so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 43,3% tổng diện tích cây lâu năm. Ngoài ra, sản lượng nhiều loại cây ăn trái chủ lực của tỉnh cũng tăng cao như: xoài đạt hơn 113 ngàn tấn, tăng 6,4%; chuối đạt 138,6 ngàn tấn, tăng 6,88%; cam đạt 13,2 ngàn tấn, tăng 5,97%; bưởi đạt gần 74 ngàn tấn, tăng 5%... |
Thanh long ruột đỏ từng là loại đặc sản mang lại thu nhập cao cho nông dân vì mặt hàng này được thị trường xuất khẩu ưa chuộng, nhất là thị trường lớn Trung Quốc. Trong đó, mùa xuất khẩu cuối năm thường được nông dân kỳ vọng nhiều vì giá bán trái thanh long luôn ở mức cao nhất so với các tháng khác trong năm. Theo đó, nông dân sẵn sàng đổ chi phí đầu tư như: thắp đèn, phân bón, công chăm sóc cao hơn hẳn để làm thanh long nghịch vụ phục vụ cho thị trường xuất khẩu.
Bà Phan Thị Tâm, nông dân trồng thanh long tại xã Hưng Thịnh (H.Trảng Bom) lo lắng, những mùa xuất khẩu đắt hàng, thanh long ruột đỏ bán được với giá rất cao từ 40-55 ngàn đồng/kg thanh long bán tại vườn. Theo đó, giá loại trái cây này bán lẻ đến tay người tiêu dùng trong nước thường là hàng loại 2, loại 3 cũng lên đến 20-30 ngàn đồng/kg. Hơn 1 tháng trước, thanh long xuất khẩu bán tại vườn vẫn ở mức gần 30 ngàn đồng/kg. Nhưng ngay khi có thông tin nông sản, trái cây tươi bị ùn ứ tại cửa khẩu Trung Quốc, giá thanh long đã giảm xuống chỉ còn vài ngàn/kg. Hiện nhà vườn như ngồi trên đống lửa vì có bán rẻ cũng không tìm được thương lái thu mua do thông tin Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu mặt hàng này.
Cùng nỗi lo, ông Đỗ Văn Trung, nông dân trồng thanh long tại xã Hưng Lộc (H.Thống Nhất) cho biết, 2 năm nay, giá thanh long thấp hơn nhiều so với mọi năm vì xuất khẩu khó khăn hơn do dịch bệnh Covid-19. Suốt nhiều tháng trời, nông dân trồng thanh long gồng mình chịu lỗ chỉ mong vụ thu hoạch cuối năm bán giá tốt để có tiền trang trải. Hiện tại, nhiều nhà vườn, thanh long chín vẫn không tìm được thương lái thu mua vì xuất khẩu đình đốn, nông dân trồng thanh long lại đối mặt với nỗi lo trắng tay, thua lỗ.
* Nông dân hồi hộp chờ thương lái
Không chỉ trái thanh long bị tạm ngưng nhập khẩu vì dịch bệnh Covid-19, nhiều mặt hàng trái cây tươi khác cũng đối mặt với nguy cơ bị tạm ngừng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc do quy định hàng hóa dây chuyền lạnh nhập khẩu từ nước ngoài (bao gồm cả bao bì, xe) khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 từ 3 lần trở lên sẽ ngay lập tức ngừng kinh doanh tờ khai nhập khẩu loại hàng này và đình chỉ nhập khẩu, kinh doanh trong 4 tuần. Ngoài ra, trái cây tươi lo khủng hoảng thừa vì Trung Quốc dự định ngừng nhập khẩu ít nhất 6 tuần trong dịp Tết Nguyên đán 2022.
Ông Nguyễn Văn Thiên, nông dân tại xã La Ngà (H.Định Quán) lo lắng, vụ thu hoạch trước, nông dân trồng xoài đã thua lỗ nặng khi đầu ra rơi vào cảnh dội chợ, rớt giá do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Vụ xoài nghịch vụ năm nay, nhiều nhà vườn phải vay vốn đầu tư mong bù lỗ cho vụ trước. Hiện nông dân như “ngồi trên lửa” khi xoài đến kỳ thu hoạch nhưng nhà vườn không tìm được thương lái thu mua do nông sản đang bị ùn ứ tại các cửa khẩu Trung Quốc.
Lo lắng trái cây tươi lại đối mặt với vụ mùa thất thu, ông Võ Văn Vịnh, thương lái tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (H.Thống Nhất) nhận xét, thị trường xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam hiện phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc nên khi thị trường này giảm hoặc tạm ngưng nhập khẩu là trái cây rơi vào cảnh tồn hàng, rớt giá. Nhưng nguyên nhân chính khiến đầu ra của trái cây tươi dễ biến động còn do mất cân đối cung - cầu khi diện tích tăng quá nhanh trong vài năm trở lại đây. Trong khi đó, khâu bảo quản trái cây tươi của Việt Nam còn thiếu và yếu nên càng dễ xảy ra tình trạng nông dân để trái cây chín rục ngoài vườn mỗi khi dội chợ.
Bình Nguyên