Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiểm soát tốt dịch bệnh gắn với phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

07:01, 05/01/2022

Ngày 5-1, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và đưa ra các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ 2022. Năm 2021, GDP tăng 2,58% so với năm 2020, Việt Nam trở thành một trong 20 nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại.

 

Ngày 5-1, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và đưa ra các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ 2022. Năm 2021, GDP tăng 2,58% so với năm 2020, Việt Nam trở thành một trong 20 nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại.

Hội nghị trực tuyến tại Đồng Nai có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành
Hội nghị trực tuyến tại Đồng Nai có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành

Tham dự hội nghị có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương.

Tại điểm cầu Đồng Nai, tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng; Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo, các Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo sở, ngành.

* Thích ứng, linh hoạt trong phục hồi kinh tế

Năm 2021, kinh tế thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do các đợt bùng phát dịch Covid-19 với những biến thể mới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu không đồng đều, nợ công toàn cầu tăng mạnh, thị trường tài chính, tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, Chính phủ kịp thời chỉ đạo rà soát, sửa đổi thể chế, cải cách hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội.

Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết: “Năm 2021, cả hệ thống chính trị đã có sự nỗ lực trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế nên GDP tăng 2,58% so với năm trước. Lạm phát được kiểm soát tốt, chính sách điều hành linh hoạt, cung ứng đủ vốn phục vụ nhu cầu nền kinh tế. Thu ngân sách nhà nước đạt 1.523,4 ngàn tỷ đồng, tăng 13,3% so với dự toán, xuất khẩu 336,25 tỷ USD, xuất siêu 4 tỷ USD. Nền kinh tế đang bước vào quỹ đạo phục hồi, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, hầu hết các ngành, các lĩnh vực đã tăng trưởng trở lại”.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định, năm 2021 là năm đầu tiên nước ta triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có những diễn biến phức tạp bởi đại dịch Covid-19 với những biến chủng mới nhưng Việt Nam đã nỗ lực phục hồi kinh tế và được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Thu ngân sách tăng cao, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục mới với 668,5 tỷ USD. Nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm. Lĩnh vực văn hóa được tổ chức dưới nhiều hình thức, lan tỏa giá trị tốt đẹp trong nhân dân, giữ gìn được nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn như: giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động, giải thể, đời sống nhân dân nhiều nơi còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực, dạy và học trực tuyến còn nhiều bất cập.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo, trong năm 2022, tiếp tục có những biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, ưu tiên tiêm vacccine phòng Covid-19, chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị y tế và phát huy được nguồn lực y tế địa phương. Đồng thời, thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế hiệu quả, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cơ cấu nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng bền vững hướng đến nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu quả.

* Đề nghị phân cấp, phân quyền

Tại hội nghị, nhiều tỉnh, thành nêu lên những khó khăn, vướng mắc và đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành phân cấp, phân quyền để các địa phương chủ động triển khai các dự án, rút ngắn thời gian thi công, nhằm tạo ra đột phá trong phát triển kinh tế, góp phần phục hồi, phát triển trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Nhiều địa phương mong muốn Chính phủ, Quốc hội xem xét lại, không nên quy định quá khắt khe việc giữ lại đất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa, gây khó khăn cho các địa phương trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang phát triển khu công nghiệp, khu thương mại dịch vụ. Đất đai chuyển qua phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ sẽ cho nguồn thu cao gấp nhiều lần. Các địa phương cũng đề nghị Chính phủ quy hoạch thêm các khu công nghiệp, hỗ trợ thêm nguồn vốn triển khai nhanh các dự án hạ tầng giao thông lớn như: đường cao tốc, đường vành đai để kết nối vùng...

* Tập trung phòng chống dịch, phục hồi kinh tế

Năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục có những thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, dịch bệnh Covid-19 có thể phức tạp, nguy hiểm hơn. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021, rủi ro tiếp tục gia tăng. Trong nước, kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó với dịch bệnh được nâng lên, nhưng sức chống chịu của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, năm 2022, các địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh Covid-19 an toàn, linh hoạt, hiệu quả. Tiếp tục đàm phán mua được vaccine tiêm cho trẻ em từ 5-12 tuổi để mở cửa lại các trường học. Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục có những giải pháp khôi phục kinh tế, huy động nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, điều hành tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Phát triển toàn diện, hài hòa nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ, đào tạo nâng cao nguồn nhân lực. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục xác định là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chống tham nhũng, giữ vững trật tự và kỷ cương, chủ quyền quốc gia, ổn định chính trị, đảm bảo được cuộc sống cho người dân. Phương châm phát triển năm 2022 của Việt Nam “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”.

  Hương Giang

 

 

 

Tin xem nhiều