Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành Nông nghiệp - Điểm sáng tăng trưởng trong khó khăn

10:12, 31/12/2021

Nông nghiệp là một trong số ít những điểm sáng vẫn giữ được tăng trưởng dương trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Sản xuất nông nghiệp không chỉ đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm trong nước mà xuất khẩu nông sản vẫn tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Nông nghiệp là một trong số ít những điểm sáng vẫn giữ được tăng trưởng dương trong tình hình khó khăn chung của nền kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Sản xuất nông nghiệp không chỉ đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, thực phẩm trong nước mà xuất khẩu nông sản vẫn tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng rau, trái hữu cơ trong nhà màng tại Công ty TNHH Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên
Mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng rau, trái hữu cơ trong nhà màng tại Công ty TNHH Trang Trại Việt (H.Xuân Lộc). Ảnh: B.Nguyên

Tuy là tỉnh công nghiệp nhưng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai vẫn đạt mức tăng trưởng cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước.

* Tăng trưởng ấn tượng

Năm 2021, sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, tác động xấu đến hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản, nhưng sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá và cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước. Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2021 của Đồng Nai đạt trên 45,3 ngàn tỷ đồng, tăng 3,43% so với cùng kỳ.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy HỒ THANH SƠN đánh giá, kết quả tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong năm 2021 vẫn đạt tốt dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Điều này khẳng định ngành Nông nghiệp đã phát triển tốt trong cơ cấu ngành, trong quy hoạch cũng như tổ chức thực hiện. Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp với mô hình cánh đồng lớn, chăn nuôi công nghiệp để hướng đến sự phát triển bền vững.

Là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước khi thuộc tốp đầu về tổng đàn gia súc, gia cầm, tỉnh đang tập trung phát triển bền vững ngành chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao để cạnh tranh tốt khi bước vào sân chơi quốc tế. Dù gặp nhiều khó khăn, trong năm 2021, tổng đàn chăn nuôi của tỉnh vẫn tăng trưởng tốt. Cụ thể, tổng đàn heo đạt trên 2,14 triệu con, tăng 14,95% so với cùng kỳ; tổng đàn gia cầm đạt trên 24,5 triệu con, tăng 2,55% so với cùng kỳ; tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 71,2 ngàn tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh nhận xét, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các hệ thống trang trại chăn nuôi của các doanh nghiệp vẫn hoạt động ổn định, an toàn do sản xuất với công nghệ vận hành hoàn toàn tự động, cần ít nhân công. Đây là giải pháp nhằm tiết kiệm chi phí chăn nuôi, hạn chế tối đa rủi ro dịch bệnh và nâng cao chất lượng trong sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn khó khăn do chi phí đầu vào tăng và thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Về lĩnh vực trồng trọt, tỉnh có thế mạnh phát triển cây công nghiệp và cây ăn trái với những cây trồng chủ lực có diện tích lớn nhất trong cả nước; đã hình thành những vùng chuyên canh quy mô lớn hướng đến sản xuất hàng hóa. Nổi bật, diện tích cây ăn trái đạt hơn 73,4 ngàn ha, nhóm cây công nghiệp lâu năm có diện tích hơn 94,8 ngàn ha. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai có mức tăng trưởng khả quan như: cao su tăng 65,12%, sản phẩm gỗ tăng 10,8%...

Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ cho biết, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp trong vài năm trở lại đây luôn giữ mức tăng rất tốt. Ngay trong năm 2021, khi ngành Nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng chưa bao giờ tốc độ tăng trưởng của ngành lại gần sát với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế trên địa bàn tỉnh như hiện nay; góp phần giữ vững phát triển của nền kinh tế đang bị tác động nặng nề do đại dịch Covid-19.

* Giữ tốp đầu xây dựng nông thôn mới

Với 61/121 xã nông thôn mới (NTM) nâng cao, 4 xã NTM kiểu mẫu và 6 xã đang trình hồ sơ để được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu của năm 2021, tỉnh tiếp tục thuộc tốp đầu của cả nước trong xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu.

Tại hội nghị trực tuyến do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức với các tỉnh ủy, thành ủy của nhiều tỉnh, thành về tình hình thực hiện và công tác tổng kết Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 26 đánh giá cao thành quả Đồng Nai đạt được trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Là tỉnh đông dân nhưng thu nhập của người dân nông thôn Đồng Nai vẫn đạt mức cao so với mặt bằng chung của các tỉnh. Chương trình xây dựng NTM đã đạt được những kết quả vượt bậc, góp phần làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn, từng bước làm giảm khoảng cách giữa phát triển vùng nông thôn với vùng đô thị.

Trang trại gà công nghiệp tham gia chuỗi liên kết nuôi gà xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản tại H.Long Thành
Trang trại gà công nghiệp tham gia chuỗi liên kết nuôi gà xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản tại H.Long Thành

Có thể khẳng định, Đồng Nai thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư cơ sở hạ tầng cho nông thôn. Giai đoạn 2008-2021, tổng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông thôn của tỉnh trên 930 ngàn tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách chỉ chiếm 7,15%, còn lại là vốn tín dụng và vốn của doanh nghiệp, người dân.

Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm công tác giảm nghèo với nhiều chương trình hỗ trợ hiệu quả cho các hộ nông dân gặp khó khăn vươn lên trong cuộc sống như: mô hình hỗ trợ giống phát triển sản xuất, mô hình giúp phụ nữ nghèo, phong trào Nông dân đoàn kết làm giàu, giảm nghèo bền vững… Giai đoạn 2008-2021, toàn tỉnh đã cho gần 87,4 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn vay vốn với tổng số tiền trên 1,7 ngàn tỷ đồng. Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã vận động xây dựng được 5.167 căn nhà tình thương tặng hộ nghèo với tổng số tiền hơn 167,5 tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 6,15% vào năm 2008 xuống còn 0,09% vào năm 2020.

Đồng Nai cũng nằm trong tốp các tỉnh, thành có thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao nhất cả nước. Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá, năm 2021, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhiều tiêu chí quan trọng của các xã NTM nâng cao đều đạt cao hơn nhiều so với những năm trước. Cụ thể, tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cao hơn hẳn so với trước, có xã đạt trên 66 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất trồng trọt đạt 127 triệu đồng/ha/năm. Điều này đã khẳng định tinh thần “chủ động, quyết tâm, quyết liệt” của tỉnh trong xây dựng NTM.

* Hướng đến sự phát triển bền vững

Trong phát triển sản xuất, Đồng Nai đang từng bước chuyển đổi sang sản xuất lớn với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm nông nghiệp của người tiêu dùng trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Tỉnh đã xây dựng được 151 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ; trong đó, có 17 dự án cánh đồng lớn. Đây là cơ sở để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của Đồng Nai trong thời gian tới.

Nhiều chương trình xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh được triển khai có hiệu quả. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) chỉ trong 2 năm triển khai đã có 100 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 36 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, còn lại là sản phẩm 3 sao. Các sản phẩm OCOP ngày càng được nâng cao giá trị sản phẩm, danh sách các sản phẩm chế biến từ nông sản tươi không ngừng tăng nhanh; được đầu tư về bao bì, nhãn hàng, chất lượng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường trong nước và quốc tế.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều