Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở các chợ, từng bước đáp ứng các điều kiện để các chợ tạm ngưng hoạt động được phép mở cửa trở lại trong tình hình mới.
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh cần tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở các chợ, từng bước đáp ứng các điều kiện để các chợ tạm ngưng hoạt động được phép mở cửa trở lại trong tình hình mới.
Chợ Phương Lâm tạm thời ngưng hoạt động từ ngày 30-9 cho đến khi có thông báo mới để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: CTV |
* Nhiều chợ hạng I tạm ngưng hoạt động
Trong thời gian qua, số lượng các chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động vẫn ở mức cao, theo Sở Công thương, tính đến nay đã có 71/148 chợ trên địa bàn tỉnh vẫn đang tạm đóng cửa vì tình hình dịch bệnh Covid-19.
Đáng chú ý, có 6/7 chợ hạng I đã phải tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19, trong đó: chợ Biên Hòa (tạm ngưng hoạt động từ ngày 10-7), chợ Long Khánh (tạm ngưng từ ngày 21-7), chợ Long Thành (tạm ngưng từ ngày 22-8), mới đây nhất là chợ Phương Lâm (H.Tân Phú)…
Phó giám đốc Sở Công thương LÊ VĂN LỘC chia sẻ, các địa phương trong tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế để có thể linh hoạt áp dụng, xem xét việc mở cửa trở lại đối với các chợ đang tạm thời đóng cửa dựa trên những hướng dẫn, điều kiện của ngành Y tế, các bộ, ngành liên quan và các văn bản hướng dẫn của Sở Công thương... |
Ông Phạm Duy Thi, Phó chủ tịch UBND H.Tân Phú cho biết, chợ Phương Lâm đang tạm thời ngưng hoạt động từ ngày 30-9 cho đến khi có thông báo mới để triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19. Địa phương cũng xây dựng phương án để chủ động nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian chợ Phương Lâm tạm đóng cửa, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ đang hoạt động. Hiện trên địa bàn huyện vẫn đang duy trì hoạt động 7 chợ, trong đó có 1 chợ hạng I là chợ trung tâm TT.Tân Phú. Tùy vào diễn biến của dịch Covid-19, huyện sẽ triển khai thêm các điểm bán hàng thiết yếu để thay thế chợ tạm đóng cửa khi cần thiết.
Ông Nguyễn Danh Thịnh, Giám đốc HTX TMDV Phương Lâm, Trưởng ban Quản lý chợ Phương Lâm (H.Tân Phú) cho biết, hiện chợ tuân thủ các phương án, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương. Ban Quản lý chợ kiến nghị địa phương xem xét đánh giá lại mức độ an toàn của chợ sau khi thực hiện các biện pháp để truy vết, phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, các tiểu thương kinh doanh, tài xế, phụ xe vận chuyển hàng hóa tại chợ mong muốn sớm được tiêm vaccine phòng Covid-19, đáp ứng các điều kiện cần thiết để chợ có thể sớm được trở lại hoạt động bình thường.
Theo ông Phạm Đức Nam, Trưởng ban Quản lý chợ Long Thành (H.Long Thành), chợ tạm ngưng hoạt động từ ngày 22-8 để phòng, chống dịch Covid-19. Hiện chợ đã cơ bản hoàn thành tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1 cho khoảng 60% tiểu thương, nhân viên của chợ. Bên cạnh đó, nhiều tiểu thương của chợ đã tiêm vaccine tại các địa phương trong huyện. Chợ đang xây dựng phương án, kế hoạch để từng bước mở cửa khi đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí theo quy định của Bộ Công thương để gửi địa phương xem xét và phê duyệt.
* Xem xét từng bước mở lại chợ khi đáp ứng các điều kiện phòng dịch
Bên cạnh các chợ tạm ngưng hoạt động, trên địa bàn tỉnh hiện đã có một số chợ mở cửa trở lại sau khi đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu cần thiết. Ông Bùi Văn Thìn, Trưởng ban Quản lý chợ Suối Cát (xã Suối Cát, H.Xuân Lộc) chia sẻ, chợ đã mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 21-9. Hiện chợ mới chỉ mở lại các hoạt động kinh doanh hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm cho người dân địa phương với khoảng 80 tiểu thương bán hàng thiết yếu của chợ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng Covid-19 được phép hoạt động. Chợ chủ động phân luồng khách vào mua sắm theo 1 lối vào và 1 lối ra, thường xuyên cập nhật thông tin về phòng, chống dịch của chợ lên hệ thống antoancovid.vn định kỳ trong tuần, cũng như tiến hành xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 định kỳ cho các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ theo quy định.
Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ Công thương đã có Văn bản 5854/BCT-TTTN gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc hướng dẫn mở cửa trở lại đối với chợ truyền thống, chợ đầu mối.
Trong đó, đối với các địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh các yêu cầu để mở lại chợ đầu mối, chợ truyền thống như các văn bản trước đây, Bộ Công thương còn lưu ý nội dung xét nghiệm SARS-CoV-2 (bao gồm cả những người quay trở lại làm việc tại chợ), xem xét áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại công văn số 7770/BYT-MT ngày 18-9-2021 về việc đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ đầu mối.
Sở Công thương đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố trong tỉnh về việc triển khai nội dung công văn nói trên của Bộ Công thương. Trong đó, Sở đặc biệt lưu ý công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xét nghiệm đối với nhân viên, người lao động (là các trường hợp có nguy cơ cao), người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu quy định tại phụ lục kèm Kế hoạch số 11102/KH-UBND ngày 15-9-2021 của UBND tỉnh về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Đồng Nai trong tình hình mới.
Trường hợp chợ tại “vùng xanh” mà địa phương chưa đưa vào hoạt động trở lại, đề nghị báo cáo bằng văn bản gửi về Sở Công thương vào các ngày 1 và 15 hằng tháng, trong đó nêu rõ: lý do chợ chưa hoạt động trở lại; giải pháp cụ thể để sớm đưa chợ trở lại hoạt động đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19; địa điểm thay thế chợ nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; dự kiến thời gian chợ hoạt động trở lại…
Lam Phương