Sau hơn 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Đồng Nai trở thành trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam với nhiều nhà máy hiện đại. Dòng vốn FDI đã tác động đến các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước cùng phát triển để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau hơn 30 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Đồng Nai trở thành trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam với nhiều nhà máy hiện đại. Dòng vốn FDI đã tác động đến các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trong nước cùng phát triển để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Công ty TNHH Kyokuto Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.GIANG |
Đồng Nai là nơi có công nghiệp phát triển khá sớm so với các tỉnh, thành trên cả nước. Do đó, những thành tựu đem lại là cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng theo yêu cầu của Chính phủ: tăng dần tỉ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại dịch vụ và giảm nông nghiệp. Công nghiệp đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước, xuất khẩu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động trong và ngoài tỉnh, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
* FDI giúp đẩy nhanh công nghiệp hóa
Trước năm 1986, Việt Nam đứng trước những khó khăn lớn về kinh tế, xã hội. Bối cảnh quốc tế lúc đó có nhiều bất lợi, kéo theo nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng, mức lạm phát cao, sản xuất đình trệ, cơ sở kỹ thuật lạc hậu và thiếu vốn trầm trọng.
Trong bối cảnh chung đó, Đảng ta đã khởi xướng chính sách đổi mới toàn diện, thu hút FDI được xem là một bộ phận quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng với mốc son là ngày 29-12-1987, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực để cải cách cơ chế quản lý kinh tế trên địa bàn và đạt nhiều thành quả tích cực trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là trong thu hút nguồn vốn FDI phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh.
Trải qua hơn 30 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài, Đồng Nai đã khai thác thời cơ, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế nên đã đạt được thành tựu rất khả quan về FDI.
Mới đây, khi làm việc với Đồng Nai, Phó thủ tướng LÊ VĂN THÀNH đã nhấn mạnh, Đồng Nai là trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam, sản xuất công nghiệp đã tạo việc làm cho nhiều lao động. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, tỉnh vừa đẩy mạnh phòng, chống dịch nhưng vẫn giữ được sản xuất đảm bảo thu nhập cho nhiều người lao động là sự nỗ lực rất lớn của DN và chính quyền địa phương. |
Từ năm 1988-1993 là giai đoạn tỉnh tiếp cận các dự án FDI. Dự án FDI đầu tiên tại Đồng Nai được cấp phép vào ngày 30-9-1989, trên lĩnh vực dịch vụ vận tải taxi của Công ty Liên doanh Vatadona. Giai đoạn này, một số tập đoàn nước ngoài được cấp phép đầu tư như: Vedan, Vmep, Hualon, nhưng do còn trong giai đoạn xây dựng nên hiệu quả kinh tế chưa rõ nét.
Từ năm 1994-1998, dòng vốn FDI tạo sự đột phá rất lớn trong tăng trưởng công nghiệp và các lĩnh vực khác của nền kinh tế - xã hội với nhiều dự án lớn của: Fujitsu, Kao, Samsung, Kolon, Chrysler, CP, Cargill... nằm trong thời kỳ được xem là “làn sóng đầu tư FDI” đầu tiên vào Việt Nam.
Năm 1999-2000 là giai đoạn suy giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực và thế giới. Do đó, những dự án FDI cấp mới trên địa bàn tỉnh quy mô chủ yếu vừa và nhỏ.
Giai đoạn 2001-2010, vốn FDI đăng ký vào tỉnh bình quân 900 triệu USD/năm. Dự án đầu tư lớn nhất trong giai đoạn này thuộc về Tập đoàn Formosa Đài Loan với vốn đầu tư 951 triệu USD, Công ty TNHH Hyosung Việt Nam với vốn đầu tư hơn 563 triệu USD.
Từ năm 2011 đến nay được coi là “làn sóng đầu tư FDI” thứ 2 vào Đồng Nai vì tỉnh tập trung thu hút ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường. Giai đoạn này đã thu hút được nhiều dự án lớn có công nghệ cao. Đến đầu tháng 9-2021, có 42 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với vốn đăng ký hơn 32 tỷ USD.
Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa) là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam xuất khẩu thịt gà vào thị trường Nhật Bản |
Ông Kang Myongil, Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM cho biết: “Các DN Hàn Quốc đang dẫn đầu các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh với tổng vốn đăng ký gần 7 tỷ USD và đa số đầu tư vào công nghiệp. Sau khi đầu tư vào tỉnh, nhiều DN Hàn Quốc đã liên kết với DN Việt Nam để cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau tạo ra chuỗi kết nối cùng phát triển”.
DN FDI đầu tư vào Đồng Nai rất muốn tìm nguồn nguyên liệu trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm khi xuất khẩu hưởng các ưu đãi về thuế quan với những nước Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại. DN Việt muốn cung ứng được sản phẩm cho DN FDI buộc phải đầu tư máy móc thiết bị công nghệ hiện đại để sản phẩm đảm bảo chất lượng, số lượng. Việc này góp phần thúc đẩy công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển.
* Đích đến là nền công nghiệp xanh
Trong hơn 3 thập niên qua, sản xuất công nghiệp của tỉnh liên tục được mở rộng, trong đó có sự đóng góp lớn của dòng vốn FDI. Đơn cử năm 2016, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 58% thì năm 2020, tăng lên gần 62%. Đồng Nai xác định trong 5-10 năm tới, vẫn tập trung phát triển công nghiệp để trở thành tỉnh có công nghiệp hiện đại và hướng đến một nền công nghiệp xanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhận xét: “Dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế của Đồng Nai ngày càng phát triển vững mạnh. Các DN FDI đầu tư vào tỉnh thành công, liên tục mở rộng sản xuất, kinh doanh đã giúp cho những DN FDI khác tin tưởng và đăng ký đầu tư mới vào tỉnh”.
Trong gần 4 năm nay, thu hút đầu tư FDI vào Đồng Nai luôn vượt kế hoạch năm mặc dù gặp một số trở ngại là thiếu đất công nghiệp diện tích lớn, ảnh hưởng của dịch bệnh. Năm 2018, tỉnh thu hút vốn FDI hơn 1,9 tỷ USD, vượt kế hoạch năm 90%; năm 2019 là 2,3 tỷ USD, vượt kế hoạch năm 130%; năm 2020 khoảng 1,45 tỷ USD, vượt 45% và 8 tháng của năm 2021 đạt hơn 910 triệu USD, vượt 32%. |
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, chính quyền Đồng Nai luôn cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện để DN triển khai dự án được thuận lợi, sớm đi vào hoạt động. Tỉnh sẽ cố gắng phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 lây lan để giữ môi trường sản xuất, kinh doanh ổn định nhất cho DN duy trì và phục hồi sản xuất.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, dự kiến trong 5 năm tới, sẽ tăng lên gần 40 khu công nghiệp. Với nhiều lợi thế về giao thông đường bộ, đường hàng không, đường thủy, những năm gần đây, các tập đoàn FDI đến tỉnh đầu tư ngày một tăng để đón đầu cảng hàng không quốc tế Long Thành, các đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, cầu Cát Lái, cảng Phước An... Lĩnh vực DN FDI chọn đầu tư nhiều là công nghiệp.
Ông Watanabe Nobuhiro, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM chia sẻ: “Những năm gần đây, các DN Nhật Bản liên tục mở rộng đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực công nghiệp và các dự án hầu hết là thành công. Các DN Nhật Bản đa số có công nghệ hiện đại và khi đầu tư vào tỉnh thường liên kết hợp tác với DN có vốn đầu tư trong nước để cùng phát triển”.
Nhiều tập đoàn FDI đã chọn Đồng Nai là nơi đầu tiên đặt dự án, sau đó thành công thì dần dần mở rộng đầu tư ra cả nước như: CP, Nestlé, Syngenta, Fujitsu, Hyosung, Formosa, Dow…
Dòng vốn FDI đã giúp cho công nghiệp của Đồng Nai trở thành tỉnh nằm trong tốp đầu của Việt Nam về phát triển kinh tế, đóng góp cho ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu người lao động trong và ngoài tỉnh.
Hương Giang