Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, câu chuyện xây dựng thương hiệu càng được các doanh nghiệp (DN) ở địa phương chú ý nhiều hơn. Bởi đây là vấn đề quan trọng để củng cố niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt nói chung và sản phẩm địa phương nói riêng trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường.
Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, câu chuyện xây dựng thương hiệu càng được các doanh nghiệp (DN) ở địa phương chú ý nhiều hơn. Bởi đây là vấn đề quan trọng để củng cố niềm tin của người tiêu dùng với hàng Việt nói chung và sản phẩm địa phương nói riêng trước sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường.
Sản xuất tại một đơn vị trực thuộc Tổng công ty Cao su Đồng Nai. Ảnh: Văn Gia |
Nhiều thương hiệu DN ở Đồng Nai đã và đang không ngừng lớn mạnh, nhận được nhiều sự vinh danh và đón nhận của người tiêu dùng trong những năm qua.
* DN Đồng Nai bền bỉ xây dựng thương hiệu
Thời gian qua, những nỗ lực không ngừng nghỉ để phát triển của các DN ở Đồng Nai đã nhận được nhiều đánh giá cao. Đơn cử như trong số 124 DN được Bộ Công thương công nhận là Thương hiệu quốc gia năm 2020 thì Đồng Nai có 5 DN. Cụ thể là: Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Công ty CP Gạch ngói Đồng Nai, Công ty CP Thiết bị điện, Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa và Công ty CP Vinacafé Biên Hòa.
Thương hiệu quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Đây là quá trình để DN đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất, kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu, từ đó theo đuổi các giá trị chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong để tiếp tục phát triển.
Trên cơ sở đề xuất của 60 cơ quan, tổ chức xét chọn (bao gồm các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, sở công thương các tỉnh, thành phố), Bộ Công thương vừa phê duyệt và công bố danh sách 315 DN (tương đương với 323 lượt DN) theo 26 ngành hàng đáp ứng các tiêu chí DN xuất khẩu uy tín năm 2020. Trong đó, Đồng Nai có 9 DN với 10 mặt hàng được công nhận.
Một trong những DN tư nhân có nhiều đóng góp cho sự phát triển ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ của Đồng Nai là Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (Tavico). Bền bỉ trong nhiều năm, ông Võ Quang Hà đã đưa DN này trở thành đơn vị cung cấp nguyên liệu gỗ lớn nhất Việt Nam. Từ hội chợ đồ gỗ đến trung tâm phân phối gỗ tròn rộng gần 40ha, Tavico đang phấn đấu mục tiêu gắn kết ngành gỗ từ nhà cung cấp nguyên liệu đến nhà sản xuất và phân phối sản phẩm.
Hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp địa phương trong tỉnh bên lề một hội nghị kết nối giao thương vào tháng 4-2021. Ảnh: Lam Phương |
Theo ông Hà, công ty xây dựng khu phức hợp phân phối nguyên liệu gỗ tại Khu kinh tế Tân cảng Long Bình với diện tích gần 40ha. Đây là một mô hình phân phối tập trung những nhà cung cấp lớn về nguyên liệu gỗ hợp pháp từ nhiều quốc gia và châu lục khác nhau với cơ sở vật chất hiện đại và khép kín, có khả năng cung ứng 200 ngàn m3 gỗ tròn và 200 ngàn m3 gỗ xẻ/năm. Bên cạnh đó, đây còn là một khu liên hoàn với các dịch vụ xẻ, sấy gỗ, logistics, sản xuất, văn phòng đại diện, siêu thị gỗ xẻ, sản xuất nhà gỗ… nhằm giúp cho nhà cung cấp và khách hàng trực tiếp gặp nhau, giảm tối đa các chi phí trung gian. “Đầu tư lớn của Tavico là chiến lược dài hơi với tâm nguyện đưa nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp về Việt Nam. Trong chuỗi sản xuất, chế biến gỗ tại Việt Nam, việc thiếu tập trung các nguồn lực từ lâu đã trở thành rào cản chưa thể khắc phục, dù các cơ quan, ban, ngành, hiệp hội đã rất nỗ lực. Định hình và quảng bá ngành gỗ Đồng Nai ra thế giới là mục tiêu dài lâu mà chúng tôi hướng tới” - ông Võ Quang Hà khẳng định.
Một DN chủ động trong nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín thương hiệu khác là Công ty CP Thực phẩm GC (GC Food), hiện DN này đã trở thành một tổ hợp gồm nhiều đơn vị thành viên hoạt động ở Đồng Nai, Ninh Thuận, TP.HCM và trở thành nhà sản xuất, chế biến nha đam lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, các trang trại trồng cây ăn quả táo, dưa lưới… của DN đang ngày càng được mở rộng diện tích.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food chia sẻ: “Sản phẩm của DN đã bán được vào nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, châu Âu. Chúng tôi muốn khẳng định với thế giới chất lượng và sản phẩm nông nghiệp Việt hoàn toàn có thể đạt được những tiêu chuẩn khắt khe nhất, cạnh tranh sòng phẳng với thương hiệu nước ngoài”.
* Lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ DN địa phương
Cũng như Tavico và GC Food, Đồng Nai đang xuất hiện các DN dân doanh từng bước phát triển lớn mạnh, đạt quy mô DN vừa với doanh thu mỗi năm hàng trăm tỷ đồng qua các thương hiệu như: Nệm Thế Linh, Ca cao Trọng Đức; Găng tay cao su Nam Long; Cao su, nhựa kỹ thuật Tương Lai… Các DN này đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài nước, trong đó có nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Đồng Nai.
Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) cho biết, công ty chú trọng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sạch, tham gia mô hình liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn sạch về chất lượng nhằm hướng tới mở rộng thị trường, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bánh kẹo trong và ngoài nước trong tương lai. Công ty mong muốn trong thời gian tới sẽ có thêm các chương trình hỗ trợ để phát triển nhà máy chế biến sâu, xây dựng chuỗi cung ứng để nâng cao giá trị cho các loại sản phẩm nông sản địa phương.
Bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay đòi hỏi các DN địa phương cần thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, chú trọng đến chất lượng dịch vụ, tạo dấu ấn thương hiệu riêng..., cũng như thường xuyên cập nhật những thị hiếu mới của người tiêu dùng để tồn tại và tạo ra những lợi thế cạnh tranh trên thị trường, đẩy mạnh các kênh kết nối, quảng bá sản phẩm truyền thống lẫn hiện đại.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) chia sẻ, các DN ở địa phương, trong đó có Đồng Nai, cần chủ động chuẩn bị trong quá trình chuyển đổi số, đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, nếu không sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển thị trường. Khi muốn đưa hàng hóa lên sàn thương mại điện tử lớn, DN cần trau dồi, tìm hiểu kỹ những kiến thức liên quan, tuân thủ yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe.
Bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của các DN, Đồng Nai đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN theo từng ngành, địa phương để góp phần nâng cao giá trị cạnh tranh, giá trị thương hiệu cho các DN địa phương. Nhiều chương trình thực hiện thời gian qua được DN quan tâm như: hỗ trợ DN đổi mới máy móc, áp dụng khoa học công nghệ, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hỗ trợ DN đăng ký sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hóa, kết nối, hỗ trợ đưa sản phẩm địa phương lên các sàn thương mại điện tử… Các giải pháp để hỗ trợ DN địa phương nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh nói chung và xây dựng thương hiệu nói riêng từng bước được đẩy mạnh.
UBND tỉnh vừa ban hành quyết định về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 30-7-2021 của HĐND tỉnh về quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn Đồng Nai. Trong đó, có các nội dung về xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ kinh phí thực hiện như: hỗ trợ tổ chức đào tạo, tập huấn; tổ chức hội nghị kết nối giao thương, hội nghị kết nối cung - cầu; tổ chức, tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh; tổ chức các hoạt động bán hàng Việt đến người tiêu dùng; xây dựng điểm bán hàng Việt Nam; xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài; tổ chức, tham gia các hội chợ triển lãm tại nước ngoài; tham gia gian hàng của các hội chợ, triển lãm quốc tế trên môi trường mạng… |
Văn Gia - Lam Phương