Đồng Nai đang từng bước nới lỏng giãn cách và cho phép doanh nghiệp (DN) được tái sản xuất, kinh doanh với các điều kiện nghiêm ngặt để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều DN cũng lo ngại đối mặt với các khó khăn, nhất là nguy cơ tái bùng phát dịch...
Đồng Nai đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và cho phép doanh nghiệp (DN) được tái sản xuất, kinh doanh với các điều kiện nghiêm ngặt để phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Các doanh nghiệp mong muốn được hoạt động trở lại nhưng vẫn lo ngại về dịch bệnh. Ảnh minh họa |
Theo đại diện nhiều DN, từ kế hoạch của tỉnh, mỗi DN đã có các bước chuẩn bị khác nhau để có thể phục hồi sản xuất, kinh doanh song cũng lo ngại đối mặt với các khó khăn, nhất là nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh. Trong khi việc thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” khó có thể kéo dài, các phương án cho người lao động (NLĐ) tự di chuyển hoặc DN đưa đón công nhân cũng gặp trở ngại vì có thể hôm nay ở “vùng xanh” nhưng ngày mai đã ở “vùng vàng” vì xuất hiện ca nhiễm.
* Được sản xuất trở lại, nhưng phải an toàn
Ngày 15-9, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 11102 về từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương trong tình hình mới. Mới đây, ngày 26-9, UBND tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, DN muốn thực hiện phải cam kết không có F0 trong 14 ngày, có phương án sản xuất, kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; cam kết thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt là phải bố trí nơi tạm thời cách ly F0, F1 dự phòng khi có tình huống dịch bệnh xảy ra. Riêng DN thực hiện “3 tại chỗ” phải quản lý chặt chẽ việc ra - vào của NLĐ, hạn chế đến mức thấp nhất khả năng tiếp xúc với người bên ngoài; không cho NLĐ về địa phương hoặc đón NLĐ vào DN khi địa phương chưa đồng ý… DN có nhu cầu đưa đón NLĐ phải có phương tiện dán mã QR do Sở GT-VT cấp.
DN cũng được phép tổ chức đưa đón NLĐ hoặc cho NLĐ đi về hằng ngày bằng phương tiện cá nhân nhưng phải được chính quyền ký giấy xác nhận và giám sát. Đối với NLĐ tham gia các phương án phải ở “vùng xanh”, được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine (sau 14 ngày) hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 180 ngày; người đi về hằng ngày bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô dưới 9 chỗ) đi đúng lộ trình từ nơi cư trú đến DN và ngược lại. NLĐ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi không chấp hành đúng các quy định phòng, chống dịch làm lây lan dịch bệnh…
Theo các chủ DN, việc từng bước nới lỏng các điều kiện để cho phép tái sản xuất là vô cùng cần thiết trong tình hình hiện nay khi đã có nhiều công ty ngưng hoạt động thời gian dài, ảnh hưởng nặng nề đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Dựa trên kế hoạch này, nhiều DN đang tích cực chuẩn bị để có thể phục hồi sản xuất.
* Vẫn lo “vùng xanh”… hóa đỏ
Dù các DN cho biết, khi có định hướng của tỉnh về việc phục hồi sản xuất, DN đã chuẩn bị các điều kiện để mở cửa trở lại nhưng điều này cũng không dễ dàng, bởi vẫn còn nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh tại khu vực đang hoạt động.
Theo chị Nguyễn Thị Mộng Thy, giám đốc một công ty chuyên sản xất mặt hàng chăn, drap, gối nệm ở khu vực P.Hố Nai, DN của chị sau một thời gian tạm ngưng hoạt động đã chuẩn bị cho việc sản xuất trở lại. Tuy nhiên, ngay trước khi DN mở cửa trở lại thì xung quanh khu vực trụ sở công ty tái bùng phát dịch với hàng chục ca nhiễm Covid-19. “Tới giờ G rồi mà khu phố cũng như phường lại xuất hiện nhiều ca nhiễm trở lại nên việc mở cửa để sản xuất, hoạt động cũng vì thế mà tiếp tục tạm ngưng” - chị Mộng Thy cho hay.
Tương tự, anh Dương Hải Đăng, Giám đốc Công ty TNHH Dương Đăng Phát, chuyên chế tạo các mặt hàng công nghiệp hỗ trợ ở khu vực P.Trảng Dài cũng đang cho một phần nhỏ NLĐ trong công ty ở lại sản xuất. Hiện tại, các lao động còn lại cũng yêu cầu được đi làm trở lại nhưng DN còn chần chừ. Theo anh Đăng, các công ty trong khu vực vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại vì những ngày gần đây P.Trảng Dài xuất hiện nhiều ca nhiễm. Để đảm bảo an toàn, nhiều DN đang nghe ngóng tình hình và chuẩn bị thật kỹ trước khi có thể mở cửa rộng hơn vì lo sợ rủi ro nếu chẳng may phát sinh ca F0 trong nhà máy. Ngoài ra, các DN cũng lo lắng vì NLĐ ở xen kẽ các “vùng xanh”, vàng, đỏ, nguy cơ “vùng xanh” hôm nay nhưng có thể trở thành “vùng đỏ”, “vùng cam” nếu xuất hiện ca nhiễm nên không dám cho NLĐ đi và về trong khi phương án sản xuất “3 tại chỗ” không đáp ứng được.
Không chỉ đối với DN tư nhân ngoài khu công nghiệp mà các DN thực hiện “3 tại chỗ” trong khu công nghiệp cũng vẫn đối diện với nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tới ngày 27-9, theo báo cáo tổng hợp từ các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đã có 71 DN thực hiện phương án “3 tại chỗ” xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 với số người nhiễm bệnh là 2.070 người. Nguyên nhân lây nhiễm ở các DN thực hiện “3 tại chỗ” xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau như: người lao động lưu trú tại DN đi khám bệnh đã mang mầm bệnh từ bên ngoài vào, người giao nhận hàng hóa cho công ty mang mầm bệnh... Do vậy, dù rất mong muốn tình hình ổn định trở lại để mở cửa sản xuất hoàn toàn nhưng DN vẫn lo ngại nguy cơ phải tiếp tục dừng hoạt động khi xuất hiện nhiều ca nhiễm.
Văn Gia