Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam vừa công bố cho thấy, sông Đồng Nai và sông Thị Vải nằm trong nhóm 3 sông có chỉ số chất lượng nước (WQI) tốt nhất khu vực phía Nam. Các thành phần, thông số trong quy chuẩn ngày càng tăng.
Kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam vừa công bố cho thấy, sông Đồng Nai và sông Thị Vải nằm trong nhóm 3 sông có chỉ số chất lượng nước (WQI) tốt nhất khu vực phía Nam. Các thành phần, thông số trong quy chuẩn ngày càng tăng.
Biểu đồ chỉ số chất lượng nước các sông 3 đợt năm 2021 Ảnh: Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam |
Đây là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó nổi lên nước thải công nghiệp cơ bản được kiểm soát; sản suất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi theo hướng an toàn; khai thác khoáng sản dưới lòng sông được quản lý nghiêm ngặt.
* Nhóm 3 sông có chất lượng nước tốt nhất
Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam đã triển khai quan trắc 3 đợt tại 100 điểm. Trong đó, có 58 điểm nước mặt lục địa tại 13 tỉnh, thành phố. Kết quả quan trắc chỉ số chất lượng nước (WQI) mặt lục địa cho thấy, sông Tiền đứng hạng nhất (96% về chỉ số tốt nhất), đứng thứ 2 là sông Đồng Nai (87%) và thứ 3 là sông Thị Vải (56%).
Cụ thể, tại 20 vị trí quan trắc nước trên sông Đồng Nai có 100% giá trị WQI đạt điểm bình quân từ 76-100, cao hơn cùng kỳ 3-10 điểm và tăng 1 hạng so với năm 2020. Đáng chú ý, tại vị trí quan trắc bến đò Biên Hòa - Bửu Long đến cầu Đồng Nai và cầu Đồng Nai đến hợp lưu sông Sài Gòn, chất lượng nước cải thiện hơn các năm trước. Mặc dù vẫn còn ô nhiễm dinh dưỡng và hữu cơ cục bộ ở từng phân đoạn, trong đó có khu vực hợp lưu sông Đồng Nai - hồ Trị An, nhưng chất lượng nước lưu vực sông Đồng Nai đủ điều kiện cấp nước sinh hoạt, nuôi thủy sản, tưới tiêu.
Đối với sông Thị Vải, kết quả quan trắc WQI 3 đợt năm 2021 bị tụt 1 hạng so với năm 2020 (năm 2020 vị trí thứ 2) nhưng các thành phần quan trắc vẫn trong khoảng điểm 75-100. Chất lượng nước đủ điều kiện khai thác sử dụng cho cấp nước sinh hoạt, nhưng phải có các biện pháp xử lý phù hợp. Riêng vị trí cảng Vedan, WQI dao động qua các đợt quan trắc. Đợt 1-2021, chỉ số rất tốt, đạt 40%, nhưng đợt 2 và 3 đã tăng lên hơn 60%.
Nuôi cá nước lợ tại lưu vực sông Thị Vải thuộc H.Long Thành. Ảnh: L.An |
Kết quả trên cũng tương đồng với kết quả mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt của Sở TN-MT. Cụ thể, tại 8 vị trí quan trắc nhằm theo dõi, đánh giá chất lượng nước cấp cho sinh hoạt, công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều ghi nhận WQI tốt, trừ sông Đồng Môn đoạn thuộc H.Nhơn Trạch. Tại các vị trí quan trắc khu vực nuôi trồng thủy sản, chất lượng nước sông Đồng Nai đoạn qua H.Long Thành, H.Nhơn Trạch có ô nhiễm nhưng ổn định qua các năm, nuôi trồng thủy sản được. Riêng khu vực nuôi cá bè ở H.Định Quán, TP.Biên Hòa thường xuyên có thành phần hữu cơ vượt chuẩn, cần phải theo dõi và có biện pháp xử lý.
* Tiếp tục kiểm soát chất lượng nước sông
Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho biết, chất lượng môi trường nước mặt trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện qua các năm. Đặc biệt, tại các khu vực sông Thị Vải, thượng nguồn sông Đồng Nai, sông La Ngà, sông Bé đều kiểm soát tốt nguồn chất thải đổ vào sông. Kết quả này cho thấy hoạt động ngăn ngừa ô nhiễm của tỉnh đang mang lại hiệu quả tích cực.
Đó là, nước thải công nghiệp cơ bản được kiểm soát, 100% nước thải tại các nhà máy xử lý nước thải công nghiệp tập trung đạt chuẩn trước khi thải ra sông. Trong sản xuất nông nghiệp, bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom, tình trạng sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu tràn lan giảm đáng kể, chăn nuôi heo được đưa ra khỏi nội ô Biên Hòa. Rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý triệt để. Hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông được kiểm soát chặt chẽ. Tới đây, các dự án xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh sẽ khởi động lại.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty CP Cấp nước Gia Tân cho rằng, chất lượng nước sông Đồng Nai khá tốt, đủ tiêu chuẩn khai thác nước phục vụ cho mục đích sinh hoạt.
Ông Nguyễn Tỉnh ngụ ấp 1C, xã Phước Thái (H.Long Thành) cho biết, từ năm 2011 đến nay, ông duy trì nuôi cá trên sông Thị Vải đoạn giáp ranh giữa H.Long Thành, H.Nhơn Trạch và TX.Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). So với trước năm 2017, những năm gần đây, tình trạng cá chết do ô nhiễm nguồn nước, biến động độ mặn, sốc nhiệt giảm đáng kể. Mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 4 dương lịch) chất lượng nước sông ổn định, thuận lợi nuôi trồng thủy sản. Hiện xã Phước Thái có hơn 30 hộ nuôi cá với khoảng 800 lồng ở lưu vực sông Thị Vải.
Theo bà ĐẶNG THỊ THÙY DƯƠNG, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai, để bảo vệ và cải thiện môi trường lưu vực sông Đồng Nai, năm 2021, tỉnh tiếp tục duy trì 12 nhóm giải pháp, dự án. Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường cơ chế phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành, liên tỉnh, đặc biệt là chương trình phối hợp nhằm kiểm soát các hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông với các tỉnh, thành phố trong vùng theo các quy chế phối hợp đã ký kết. |
Lê An