Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nông sản thì các mặt hàng tiêu dùng như: thực phẩm công nghệ, sản phẩm vệ sinh, chất tẩy rửa… là những mặt hàng thiết yếu được nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… tăng cường lượng hàng để đảm bảo nhu cầu của người dân.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, nông sản thì các mặt hàng tiêu dùng như: thực phẩm công nghệ, sản phẩm vệ sinh, chất tẩy rửa… là những mặt hàng thiết yếu được nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… tăng cường lượng hàng để đảm bảo nhu cầu của người dân.
Gian hàng các sản phẩm tiêu dùng tại một siêu thị ở TP.Biên Hòa. Ảnh: L.Phương |
Trước những khó khăn của dịch bệnh, trên các kệ hàng của siêu thị, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng Việt đã có nhiều thích ứng để duy trì thị phần, nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại ngoại nhập, sản phẩm của các công ty đa quốc gia.
* Linh động các phương án cung ứng
Hiện nay, nhiều kênh bán lẻ truyền thống bị ảnh hưởng, gián đoạn bởi dịch bệnh nên nhiều doanh nghiệp trong nước đã tập trung đẩy mạnh cung ứng cho các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Điều này vừa góp phần giữ thị phần, vừa đảm bảo cung ứng nhiều mặt hàng tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu người dân.
Ông Nguyễn Đức Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty CP Lothamilk (TP.Biên Hòa) chia sẻ, hiện nay các trạm dừng chân tạm ngưng hoạt động, nhiều chợ, tạp hóa bán lẻ truyền thống cũng tạm đóng cửa để phòng, chống dịch Covid-19. Do đó, nhiều kênh phân phối truyền thống trước đây của công ty bị ảnh hưởng. Để thích ứng, công ty đã chủ động đẩy mạnh hoạt động phân phối vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi với các dòng sản phẩm có thời gian bảo quản lâu hơn. Hiện nay, công ty đã mở rộng thị trường vào các chuỗi siêu thị đến nhiều tỉnh, thành từ miền Trung trở vào, nhất là chủ động nguồn cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành phía Nam trong giai đoạn hiện nay.
Đại diện nhiều siêu thị trên địa bàn tỉnh cho biết, hiện các mặt hàng tiêu dùng khá dồi dào, đảm bảo cung ứng cho người dân, trong đó các sản phẩm hàng Việt chiếm tỷ lệ cao, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm công nghệ, sữa, khẩu trang, chất tẩy rửa, sản phẩm vệ sinh…
Ông Phạm Phước Lộc, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa chia sẻ, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được siêu thị đảm bảo, trong đó trên các kệ hàng tiêu dùng, chiếm khoảng 90% các sản phẩm là hàng Việt, có xuất xứ trong nước. Siêu thị chủ động nguồn cung ứng đối với những mặt hàng này.
Bên cạnh tăng cường cung ứng nguồn hàng hóa vào các chuỗi bán lẻ, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước còn linh động các phương án sản xuất, phân phối, duy trì hoạt động xuất khẩu để tìm đường vượt qua những khó khăn trước những ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp hơn trong thời gian qua.
Ông Lê Bạch Long, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long (H.Long Thành) cho biết, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, phân phối các loại găng tay cao su vệ sinh của công ty. Doanh số bán hàng của công ty giảm khá nhiều so với trước đợt dịch lần thứ tư. Do đó, để thích ứng, công ty đã linh động các kênh phân phối sỉ, tăng cường cung ứng vào các siêu thị bán lẻ, cũng như duy trì lượng hàng xuất khẩu phù hợp.
* Nhu cầu tiêu thụ tăng cao
Nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ trong tỉnh cho biết, trong khoảng 2 tháng trở lại đây, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, bên cạnh các mặt hàng thực phẩm tươi sống, lượng tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng như: mì gói, thực phẩm đóng hộp, sữa, các loại khẩu trang, nước sát khuẩn, sản phẩm vệ sinh… tăng cao.
Giỏ hàng “đợt dịch” với các nhóm hàng hóa chính như: các loại thực phẩm cần thiết, tiện lợi; các sản phẩm vệ sinh và sản phẩm giúp tăng cường sức khỏe... được người tiêu dùng ngày càng quan tâm, lựa chọn. Điều này phản ánh mức độ ưu tiên của người tiêu dùng cho các nhu cầu cơ bản trước những tác động của dịch bệnh.
Ông Phạm Phước Lộc cho biết thêm, nhiều mặt hàng tiêu dùng có sức mua tăng mạnh trong thời gian gần đây, có thời điểm tăng gấp 3 lần so với ngày thường, nhất là đối với các loại thực phẩm công nghệ, khẩu trang, nước sát khuẩn…
Ông Trần Đình Quyền, Giám đốc MM Mega Market Biên Hòa cho hay, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm đóng hộp, mì gói, các sản phẩm vệ sinh, nước sát khuẩn… tăng khoảng 30% so với trước đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Hiện nhu cầu các mặt hàng này có xu hướng bão hòa hơn vì nhiều người dân đã mua trữ đủ. Phần lớn các sản phẩm tiêu dùng trên kệ hàng ở siêu thị là hàng Việt.
“Siêu thị luôn chủ động nguồn cung ứng đối với nhiều nhà phân phối, doanh nghiệp trong nước, trong đó có nhiều nhà sản xuất địa phương để đảm bảo nguồn hàng tiêu dùng, nhất là các loại thịt hộp, mì gói... Nhiều công ty còn linh động điều phối nguồn hàng cho siêu thị khi cần thiết” - ông Quyền chia sẻ.
Thời gian qua, nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử đã đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng đối với nhiều mặt hàng, sản phẩm tiêu dùng, trong đó phần lớn là các mặt hàng Việt. |
Lam Phương