Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khiến tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp, người dân mong muốn sớm được tiếp cận các chương trình hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất vay vốn từ phía các ngân hàng,…
Nhiều doanh nghiệp (DN), người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mong muốn sớm được tiếp cận các chương trình hỗ trợ tín dụng, giảm lãi suất vay vốn từ phía các ngân hàng, công ty dịch vụ tài chính… trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp khiến cho tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, gián đoạn.
Đồ họa thể hiện kết quả thực hiện các chương trình hỗ trợ tín dụng cho các khách hàng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 gồm: số khách hàng và dư nợ được hỗ trợ theo các chương trình nói trên tính đến cuối tháng 7-2021(Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai - Đồ họa: Hải Quân) |
* DN gặp khó về xoay vòng vốn
Hiện nay, nhiều DN đang gặp khó khăn về xoay vòng, luân chuyển nguồn vốn vì nguồn nguyên, vật liệu nhập về còn tồn nhiều, trong khi tình hình sản xuất gián đoạn, nhiều trường hợp không thể thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất nên không kịp bàn giao đơn hàng đã ký kết cho khách hàng, đối tác. Do đó, rất cần có phương án hỗ trợ tín dụng, nhất là đối với các khoản vay ngắn hạn trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
Ông N.T.P., giám đốc một DN chuyên về chế biến nông sản ở H.Thống Nhất chia sẻ, do tình hình dịch bệnh phức tạp, tình hình sản xuất của công ty bị thu hẹp, nhiều đơn hàng xuất khẩu gặp khó khăn, trong khi giá cước vận tải tăng cao gần gấp đôi vì nhiều chi phí phát sinh. Việc thực hiện “3 tại chỗ” để duy trì sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa như công ty của ông.
Nhiều ngân hàng thương mại trong tỉnh đang triển khai các chương trình hỗ trợ tín dụng dành cho các khách hàng, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong ảnh: Khách hàng đến giao dịch tại một ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa |
Nguồn nguyên liệu chủ yếu linh hoạt từ nguồn tại chỗ, tồn kho nhưng cũng chỉ đủ đáp ứng để duy trì sản xuất trong thời gian ngắn hạn. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ rất khó để công ty duy trì hoạt động vì thiếu nguồn nguyên liệu trong những tháng cuối năm. Do đó, công ty mong muốn có thêm các chương trình, chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa ở địa phương để vượt qua giai đoạn khó khăn này, trong đó có các hỗ trợ về tín dụng.
Theo đại diện nhiều DN, một số hiệp hội ngành nghề trong tỉnh, để DN, nhất là các DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh có thể tiếp cận các chương trình hỗ trợ tín dụng cho các DN, khách hàng bị thiệt hại do Covid-19 thì các điều kiện về vay vốn ưu đãi, xác minh thiệt hại bị ảnh hưởng cần đơn giản hơn. |
Theo ông Nguyễn Tiến Chương, Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, nhiều DN trong hội mong muốn được hỗ trợ các gói tín dụng phù hợp trong bối cảnh dịnh bệnh phức tạp như hiện nay, trong đó cần có các chính sách, chương trình hỗ trợ kịp thời từ ngành Ngân hàng về khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu lại thời hạn trả các khoản nợ ngắn hạn cho DN nhằm hạn chế trường hợp DN không kịp xoay vòng vốn để đáo hạn nợ có thể bị đưa vào nhóm nợ xấu...
“Hiện nay, nhiều DN mới chỉ nhận được một số hỗ trợ về vay vốn để trả lương cho người lao động, trong khi nhiều chương trình hỗ trợ tín dụng khác vẫn chưa dễ tiếp cận vì còn vướng về thủ tục, quy định vay vốn từ phía ngân hàng. Do đó, rất cần có các chính sách kịp thời, giải pháp sát sườn về hỗ trợ tín dụng, giãn nợ cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ phía Ngân hàng Nhà nước. Từ các chính sách chung, ngành Ngân hàng cần có thêm hướng dẫn, hỗ trợ các ngân hàng thương mại để các ngân hàng này xây dựng phương án kết nối, hỗ trợ kịp thời cho DN” - ông Chương chia sẻ thêm.
Tương tự, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm cho hay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp như hiện nay, nhiều DN trong hội mong muốn các ngân hàng có thêm chương trình hỗ trợ kịp thời về lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, cân đối, giãn thời hạn đáo hạn nợ…, cũng như xem xét, thẩm định về thủ tục, điều kiện cho vay, tiêu chí để chứng minh thiệt hại do dịch bệnh một cách phù hợp và đảm bảo các quy định.
* Khách hàng cá nhân chờ được giãn nợ, giảm lãi vay
Bên cạnh các chính sách, chương trình hỗ trợ tín dụng dành cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các khách hàng cá nhân cũng mong muốn hưởng chính sách hỗ trợ từ phía các ngân hàng, nhất là trong bối cảnh đời sống kinh tế, tiêu dùng của người dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập bị giảm sút nhưng nhiều trường hợp hộ kinh doanh, người lao động vẫn phải “oằn mình” trả lãi, phí ngân hàng đúng và đủ.
Hoạt động kiểm đếm tiền mặt tại một ngân hàng thương mại trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: H.Quân |
Ông K.D. (ngụ P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) cho biết, vào năm 2020, ông có vay của một ngân hàng thương mại cổ phần trong TP.Biên Hòa 700 triệu đồng với lãi suất 11%/năm để kinh doanh ăn uống. Khi dịch bệnh bùng phát và kéo dài thành từng đợt khiến tình hình kinh doanh của ông khó khăn và thua lỗ, thậm chí đã phải sang nhượng việc kinh doanh từ đầu năm vì không thể cầm cự nổi.
“Số tiền gốc và lãi phải trả cho ngân hàng hằng tháng giờ trở thành gánh nặng thường trực rất lớn cho bản thân và gia đình tôi. Hiện tôi chỉ mong ngân hàng có thể cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm lãi suất và giữ nguyên nhóm nợ trong khoảng thời gian khó khăn này để bản thân có thể sắp xếp công việc, tìm cách trả đủ số nợ cho ngân hàng” - ông D. nói.
Nhiều trường hợp mong muốn các ngân hàng, công ty dịch vụ tài chính… có phương án hỗ trợ như: khoanh nợ, giãn thời hạn trả nợ cho khách hàng, miễn, giảm phí phạt vì quá hạn nợ do tình hình hiện tại các hoạt động sinh hoạt, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thu nhập bị giảm sụt khi phải tạm ngưng công việc vì dịch bệnh kéo dài.
Bà Thanh Hương (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho hay, do gia đình cần vốn làm ăn nên bà có thế chấp nhà để vay 600 triệu đồng từ một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn TP.Biên Hòa với mức lãi suất vay cố định trong 7 năm là 11%/năm. Mỗi tháng, bà phải trả góp tổng phần vốn và lãi là 10,5 triệu đồng cho ngân hàng. Từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại, khoảng 3 tháng gần đây, ngân hàng có thông báo giảm lãi suất từ 11%/năm xuống 10%/năm.
“Tình hình dịch bệnh kéo dài khiến cuộc sống và thu nhập của cả gia đình tôi đều bị đảo lộn. Hiện nay, gia đình tôi người thì ngừng kinh doanh, người đang thất nghiệp vì tình hình dịch bệnh nên nguồn thu nhập chủ yếu trông chờ vào tiền lương, thu nhập của tôi. Trong tháng 8 này, tôi phải gói ghém, vay mượn thêm từ người thân mới có thể “gồng gánh” trả khoản nợ của kỳ ngân hàng này, nhất là khi nhà tôi còn có con nhỏ nên “gánh” thêm chi phí sinh hoạt. Bây giờ tôi chỉ mong ngân hàng có thể giảm lãi suất thêm chút, cũng như khoanh nợ cho khách hàng qua dịch trả nợ mà không phải đóng phí phạt chứ tình hình hiện tại khá chật vật, khó khăn. Tôi tin đây cũng là khó khăn chung của nhiều người lao động trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay” - bà Hương bộc bạch.
Hải Quân