Báo Đồng Nai điện tử
En

Hướng đến bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và vừa

05:05, 07/05/2021

Những ngày gần đây, câu chuyện thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam do kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự lai tạo đã bị một số doanh nghiệp (DN) ở Mỹ, Australia đăng ký bảo hộ thương hiệu làm dư luận xôn xao.

Những ngày gần đây, câu chuyện thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam do kỹ sư Hồ Quang Cua và cộng sự lai tạo đã bị một số doanh nghiệp (DN) ở Mỹ, Australia đăng ký bảo hộ thương hiệu làm dư luận xôn xao.

Bảo hộ về sản phẩm, kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp là rất quan trọng. Trong ảnh: Chế tạo hệ thống máy móc tự động tại một doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP.Biên Hòa
Bảo hộ về sản phẩm, kiểu dáng công nghiệp của doanh nghiệp là rất quan trọng. Trong ảnh: Chế tạo hệ thống máy móc tự động tại một doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: V.GIA

Gạo ST25 có bị mất hay không thì phải “hạ hồi phân giải” sau khi các đơn vị có liên quan vào cuộc nhưng trên thực tế, đã có rất nhiều DN bị mất quyền sở hữu nhãn hiệu ngay ở Việt Nam và xuất khẩu, thậm chí có cả những thương hiệu nổi tiếng, truyền thống. Nguyên nhân chủ yếu là do lơ là với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

* Thương hiệu của DN nhỏ dễ bị ảnh hưởng

Theo thống kê của Tổ chức Sở hữu trí tuệ (SHTT) thế giới (WIPO), các DN nhỏ và vừa là trụ cột của nền kinh tế, chiếm khoảng 90% số DN trên thế giới, sử dụng khoảng 50% lực lượng lao động toàn cầu, tạo ra tới 40% thu nhập quốc dân ở nhiều nền kinh tế mới nổi. Ở Việt Nam, DN nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số DN, đóng góp tới 45% GDP, 31% tổng thu ngân sách, tạo ra hơn 5 triệu việc làm. Đặc biệt, đây là lực lượng nòng cốt, hỗ trợ nền kinh tế trụ vững và có bước tăng trưởng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang diễn biến phức tạp.

Ông Ngô Đắc Thuần, Phó tổng giám đốc phụ trách về công nghệ tại Trung tâm Công nghệ cao TP.HCM nhận định, ở Việt Nam vẫn thường đánh giá DN dựa trên tài sản hữu hình như: vốn, đất đai, tài sản... nhưng trên thế giới xu hướng đã thay đổi. Nhiều DN khởi nghiệp hàng đầu không đi lên bằng tài sản hữu hình như vậy mà bằng tài sản vô hình như: thương hiệu, phát minh sáng chế... Hành trình mang ý tưởng, sáng chế, sáng tạo của DN đến thị trường có thể rất rủi ro. Từ một ý tưởng, để triển khai nó không hề dễ dàng.

Khi mà DN bắt đầu gặt hái được các kết quả sẽ phải đối mặt với những vấn đề như: sản phẩm, dịch vụ, giải pháp bị sao chép, làm giả nhưng không có cách nào bảo vệ. Nặng nề hơn có thể dẫn đến thua lỗ, phá sản. Những thương hiệu như: cà phê Trung Nguyên, Vinataba, kẹo dừa Bến Tre, nước mắm Phú Quốc... của Việt Nam cũng đã từng bị “nẫng tay trên” ở thị trường quốc tế. Những điều này có thể giảm bớt nếu các DN chú trọng vào quyền SHTT. Muốn mở rộng thị trường, không có cách nào khác là phải đầu tư cho SHTT, dù ban đầu có thể tốn phí nhưng sẽ rẻ hơn nhiều so với việc xử lý hệ quả khi bị người khác đăng ký trước.

Đồng Nai  là địa phương có khối lượng tài sản trí tuệ lớn và đa dạng. Để khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn, những năm qua Sở KH-CN đã tham mưu tỉnh các chính sách hỗ trợ DN. Đặc biệt là DN khởi nghiệp sáng tạo thông qua việc triển khai các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm có giá trị thực tiễn và khả năng thương mại hóa cao; hỗ trợ DN phát triển ý tưởng, hoàn thiện công nghệ, phát triển sản phẩm mới. Phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, hình thành nên các DN có khả năng thích ứng và nhanh chóng triển khai ý tưởng, đưa sản phẩm đến với thị trường.

* Hỗ trợ DN thực thi quyền SHTT

Đối với SHTT, tại Đồng Nai, Sở KH-CN đã đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về SHTT trên địa bàn tỉnh nhằm hỗ trợ DN, cá nhân xây dựng, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH-CN, chương trình KH-CN hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập giai đoạn 2016-2020 đã hỗ trợ 225 DN về bảo hộ SHTT.

Cùng với việc hỗ trợ đăng ký cấp văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp về sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa, Sở đã triển khai hỗ trợ xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, thiết kế và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, website cho chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây. Xây dựng hướng dẫn thực hiện tiêu chí chương trình Mỗi xã một sản phẩm, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận/tập thể cho các sản phẩm đặc thù như: bưởi da xanh Vĩnh Cửu, tôm càng xanh xã Trà Cổ, H.Tân Phú...

Từ sự chủ động nói trên, Đồng Nai được đánh giá thực thi khá tốt quyền SHTT. Theo thông tin từ Cục SHTT, trong giai đoạn 2011-2020, đơn vị tiếp nhận 350.237 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các chủ thể Việt Nam, bao gồm 325.345 đơn đăng ký nhãn nhiệu quốc gia, 16.083 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, 5.725 đơn đăng ký sáng chế và 2.994 đơn giải pháp hữu ích. Đồng Nai nằm trong danh sách 10 địa phương có lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nhiều nhất cả nước và cũng là tỉnh nằm trong tốp 10 tỉnh/thành có số lượng văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nhiều nhất. Số giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được cấp cho Đồng Nai là 2.921.

Về đăng ký sáng chế, giai đoạn 2011-2020, Đồng Nai có 96 đơn (đứng sau Hà Nội, TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu). Đồng Nai cũng là một trong 4 địa phương có số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích nhiều nhất trong cả nước. Đối với kiểu dáng công nghiệp, trong giai đoạn 2011-2020, Đồng Nai có số lượng đơn đăng ký là 365. Những giải pháp này một phần giúp cho các thương hiệu, sản phẩm của DN, nhất là DN nhỏ và vừa ở Đồng Nai đến được gần hơn với thị trường, người tiêu dùng.

Văn Gia

Tin xem nhiều