Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Thời cơ để thích nghi, thay đổi và phát triển

10:05, 07/05/2021

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, hạ tầng thương mại, dịch vụ số..., nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày càng thay đổi theo hướng thuận tiện, nhanh chóng.

[links()]Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, hạ tầng thương mại, dịch vụ số..., nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày càng thay đổi theo hướng thuận tiện, nhanh chóng.

Nhiều cửa hàng, chuỗi bán lẻ trên địa bàn TP.Biên Hòa triển khai các hình thức thanh toán bằng mã QR đồng/người/năm)... thông qua các ứng dụng thanh toán trực tuyến trên điện thoại thông minh. Ảnh: H.Quân
Nhiều cửa hàng, chuỗi bán lẻ trên địa bàn TP.Biên Hòa triển khai các hình thức thanh toán bằng mã Code QR thông qua các ứng dụng thanh toán trực tuyến trên điện thoại thông minh (Ảnh chụp trước tháng 5-2021) Ảnh: H.Quân

Ngoài ra, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua đã làm thay đổi hành vi mua sắm, sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng trong nước. Điều này góp phần tạo điều kiện cho các loại hình thương mại điện tử, dịch vụ chuyển đổi số ngày càng đa đạng và phát triển hơn.

* Thúc đẩy thương mại điện tử

Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương năng động trong phát triển thương mại điện tử, nhất là sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử năm 2021 vừa được Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) công bố, chỉ số thương mại điện tử của Đồng Nai trong năm vừa qua xếp hạng thứ 5 toàn quốc, tăng 1 bậc so với năm trước đó. Chỉ số này của Đồng Nai đứng sau các địa phương: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Vecom nhấn mạnh, thương mại điện tử ngày càng chiếm vị thế quan trọng, nhất là từ sau những tác động của dịch Covid-19. Đồng Nai là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển thương mại điện tử. Địa phương đã tích cực cùng với Vecom triển khai nhiều hoạt động kết nối, tập huấn cho doanh nghiệp (DN), HTX, cơ sở kinh doanh trên địa bàn về thương mại điện tử...

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, tỉnh sẽ tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở phát triển; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó, trách nhiệm của các sở, ngành là phải thường xuyên rà soát các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, đất đai, đầu tư xây dựng, thương mại... Về lâu dài, tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu cho hàng hóa địa phương.

Bà Liu Thị Yến, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) cho biết, sau những tác động của dịch Covid-19, công ty đã chủ động tăng cường các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động kích cầu tiêu dùng vào dịp này, cũng như triển khai đưa sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của công ty vào hệ thống siêu thị, hướng tới kết nối sản phẩm với các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín để phát triển kinh doanh...

Tương tự, bà Nguyễn Thị Tú Vy, Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH Sản xuất, thương mại Thiên Triều An (TP.Biên Hòa) cho hay, công ty đang triển khai nhiều kênh bán hàng trực tuyến, xây dựng website giới thiệu sản phẩm, đồng thời đăng ký, kết nối với các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee... để mở rộng kênh phân phối. Ngoài ra, công ty còn triển khai kế hoạch chuẩn hóa nhãn hiệu, xây dựng nội dung phát triển thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử...

Trong thời gian qua, các hình thức mua sắm trực tuyến, giao hàng tận nơi ngày càng phát triển và mở rộng quy mô tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trong tỉnh. Bà Mai Thị Hương Lan, Trưởng phòng Marketing Co.opmart Biên Hòa cho hay, siêu thị đã triển khai dịch vụ đặt hàng, “đi chợ” trực tuyến... Các hình thức đặt hàng trực tuyến được khách hàng đón nhận khá tốt, duy trì đà tăng trưởng với số lượng đơn hàng tăng trung bình hơn 20% so với trước khi bùng phát dịch Covid-19 vào đầu năm 2020.

Bên cạnh đó, năm 2020 vừa qua chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các hình thức thanh toán giao hàng trực tuyến, ví điện tử... trên địa bàn tỉnh. Nhiều công ty, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ, dịch vụ trong tỉnh đã mở rộng hình thức hỗ trợ thanh toán trực tuyến, áp dụng thanh toán tiêu dùng thông qua mã QR, các ứng dụng tích hợp trong điện thoại thông minh...

Ông Phạm Quốc Bảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai nhận định, tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến cho thói quen tiêu dùng của người dân có nhiều chuyển biến. Người dân ngày càng quan tâm hơn tới các hình thức mua sắm, thanh toán trực tuyến, qua đó đẩy mạnh giao dịch trực tuyến phát triển, nâng cao tỷ lệ người sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

* Tiến tới mở rộng “hệ sinh thái” số hóa, đổi mới sáng tạo

“Dòng chảy” số hóa ngày càng phát triển, tạo bước đệm quan trọng dựa trên các ứng dụng thương mại điện tử, các hình thức kinh doanh, dịch vụ trực tuyến ngày càng nở rộ, sáng tạo. Trong thời gian qua, Sở Công thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, tổ chức các hội thảo, tập huấn xây dựng thương hiệu trên môi trường trực tuyến, đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử dành cho các DN, HTX trên địa bàn tỉnh... Dự kiến trong năm 2021, ngành Công thương sẽ ra mắt Sàn thương mại điện tử Đồng Nai.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành Công thương trong tỉnh năm 2021, ông Nguyễn Trí Phương, Phó giám đốc Sở Công thương chia sẻ, Sở xác định nhiệm vụ kế hoạch phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn 2021-2025 là một trong các nhiệm vụ mà ngành Công thương đăng ký triển khai để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử của tỉnh trong năm 2021. Kế hoạch này đề ra mục tiêu phấn đấu giữ vững chỉ số xếp hạng thương mại điện tử của tỉnh nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, thu hẹp dần khoảng cách giữa  khu vực thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh về phát triển thương mại điện tử. Đặc biệt, phấn đấu 35% dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm (tương đương khoảng 8 triệu đồng/người/năm)...

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành Công thương và các đơn vị, địa phương trong tỉnh cần chủ động triển khai nhiệm vụ kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh năm 2021 theo kế hoạch chung của cả giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, cần nghiên cứu tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung xúc tiến thương mại, trong đó có các hình thức trực tuyến nhằm mở rộng đối tượng DN tham gia kết nối giao thương và đảm bảo phù hợp với tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19...

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đại dịch Covid-19 đã buộc các DN, chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ phải chủ động hơn về đổi mới sáng tạo hay nói đúng hơn là “phải làm khác đi”, nếu không sẽ bị chậm lại phía sau và mất dần sức cạnh tranh.

Bà Trương Lý Hoàng Phi, một chuyên gia về đổi mới sáng tạo, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc điều hành Công ty CP Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN IBP (TP.HCM), nhà sáng lập kiêm Giám đốc chiến lược của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) chia sẻ: “Có thể nói, chưa bao giờ yếu tố đổi mới sáng tạo lại được nâng tầm như hiện nay. Mặc dù cụm từ “đổi mới sáng tạo” chưa chắc đã được nhiều DN hiểu đúng về ý nghĩa của nó, nhưng ít nhất, khi thị trường gặp nhiều khó khăn, thách thức vì Covid-19, mỗi DN đã ý thức hơn về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

Tương tự, ông Huỳnh Thanh Vạn, Phó chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, một tổ chức của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong bối cảnh “bình thường mới” như hiện nay, mỗi DN cần thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, chú trọng đến chất lượng dịch vụ, tạo dấu ấn thương hiệu riêng... để tồn tại và vươn lên mạnh mẽ hơn. Còn ngược lại, nếu chỉ áp dụng lối mòn, không đổi mới sáng tạo trong kinh doanh thì chắc chắn sẽ chịu nhiều tác động, rủi ro ngay cả trong và sau đại dịch.

Những năm gần đây, Đồng Nai đã có nhiều bước tiến trên con đường chuyển đổi số, tạo động lực thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thích ứng với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... Để chuẩn bị đón đầu xu hướng 4.0 và phát triển nền kinh tế số, chính quyền điện tử, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 7600/KH-UBND ngày 3-7-2020.

Theo kế hoạch này, trong việc chuyển đổi thành nền kinh tế số, Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh. Đến năm 2030, Đồng Nai phấn đấu hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, đô thị thông minh, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh của khu vực và cả nước; kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh...

Hải Quân

Tin xem nhiều