Tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác hiện chưa có 'thuốc đặc trị' nạn sốt giá đất 'ảo'. Những 'cơn sốt' đất thường ăn theo thông tin chưa rõ ràng về các dự án hạ tầng quan trọng như: sân bay, đường cao tốc, đô thị... Trong đó, thường chỉ nhóm đầu cơ, cò mồi được lợi còn người mua sẽ chịu nhiều rủi ro vì việc giá đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực.
[links()]Tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác hiện chưa có 'thuốc đặc trị' nạn sốt giá đất 'ảo'. Những 'cơn sốt' đất thường ăn theo thông tin chưa rõ ràng về các dự án hạ tầng quan trọng như: sân bay, đường cao tốc, đô thị... Trong đó, thường chỉ nhóm đầu cơ, cò mồi được lợi còn người mua sẽ chịu nhiều rủi ro vì việc giá đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực.
Các xã thuộc H.Long Thành phải treo bảng cảnh báo để người dân không mua đất nông nghiệp phân lô bán nền. Ảnh: H.Giang |
Theo đó, việc minh bạch các thông tin về quy hoạch, tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp trị cơn bệnh “sốt giá đất ảo” này.
* Rối vì thông tin quy hoạch
Khảo sát ở nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, việc tách nhỏ những thửa đất nông nghiệp với diện tích 0,1-0,2ha khá nhiều và đa phần là để đầu cơ đợi giá đất lên sẽ bán lại. Việc này chính quyền các địa phương đều biết nhưng không thể ngăn chặn vì quy định Luật Đất đai năm 2013 cho phép. Theo Sở TN- MT, toàn tỉnh có trên 463,7 ngàn ha đất nông nghiệp, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp đạt gần 280,8 ngàn ha, đất lâm nghiệp trên 171 ngàn ha. Mỗi tháng, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn NhÂn, Đồng Nai là một trong những địa phương đất đai đang lên “cơn sốt”, chính quyền tỉnh cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh các vi phạm về đất đai. Bên cạnh đó, tỉnh cần thông tin minh bạch các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân biết rõ, tránh các trường hợp lợi dụng vào quy hoạch chưa rõ ràng đẩy giá đất lên cao, gây ra các “cơn sốt” ảo làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của địa phương. |
Quy hoạch bến cảng, sân bay, nâng cấp đô thị... khiến giá đất ở vùng quy hoạch tăng là có cơ sở vì khi hạ tầng được đầu tư thì giá trị đất tại khu vực đó gia tăng. Nhưng trong thực tế có tình trạng quy hoạch “treo” với nhiều dự án bị kéo dài từ năm này sang năm khác. Đây là cơ hội cho dân môi giới, trung gian hay người “lướt sóng” tận dụng thông tin mập mờ về quy hoạch “thổi” giá đất để thu lợi bất chính; còn người mua vì mù mờ về thông tin nên rơi vào bẫy.
Hơn 10 năm trước, giá đất ở các địa phương Long Thành, Nhơn Trạch bị thổi lên chưa từng thấy nhờ “ăn theo” dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhơn Trạch lên thành phố mới. Người mua đổ xô đầu cơ đất, thậm chí có người sẵn sàng đi vay nóng, vay ngân hàng đổ tiền mua đất vì tin dự án sắp khởi công, đầu tư sẽ có lợi ngay. Thế nhưng đây đều là những dự án lớn nên từ quy hoạch đến khi triển khai vào thực tế rất dài, có thể đến hàng chục năm nên không ít nhà đầu tư đã nếm “trái đắng” vì mua phải đất ở khu vực “sốt ảo” rồi mất tiền thật.
Tại Điều 28 của Luật Đất đai có quy định: Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo nhiều người dân có nhu cầu mua đất, thông tin về đất đai ở nhiều địa phương vẫn thiếu minh bạch. Vụ việc Công ty Địa ốc Alibaba vẽ dự án đất nền trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất rừng, thậm chí đất nằm trong quy hoạch đường, nghĩa trang bán ra thị trường minh chứng rất rõ điều này. Hàng ngàn khách mua bị lừa cũng vì nguyên nhân chính là người dân thiếu thông tin chính thống về quy hoạch của các địa phương. Bởi hầu hết khách mua đất đều là người ở địa phương khác, đến tìm hiểu mua đất không tìm đến cơ quan chức năng mà chủ yếu qua nghe thông tin của doanh nghiệp bất động sản hoặc tin vào dư luận.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương cần công khai thông tin một cách kịp thời, chính xác về quy hoạch, kế hoạch, lộ trình thực hiện các dự án trên địa bàn, ngăn chặn tình trạng có người lợi dụng sự mập mờ trong thông tin để trục lợi.
* Siết chặt quản lý từ cơ sở
Trước tình trạng “sốt đất” đang xảy ra đồng loạt tại nhiều địa phương, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã của Đồng Nai đã vào cuộc, tăng cường giám sát, kiểm tra để có thể ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng sai phạm về đất đai.
Đưa ra giải pháp để hạn chế tình trạng sai phạm về đất nông nghiệp, Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho biết: “Tỉnh và các địa phương cần phối hợp, siết chặt quản lý đất đai hơn nữa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm về đất đai. Đặc biệt những khu vực đất đai đang “nóng” như: H.Long Thành, Nhơn Trạch”.
Ở góc nhìn địa phương, ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND H.Định Quán cho biết, hiện không có biện pháp mạnh xử lý việc sử dụng đất nông nghiệp vào các mục đích khác do công tác quản lý đất đai còn nhiều kẽ hở. Tuy nhiên, khi phát hiện tình trạng tách thửa đất nông nghiệp để mua bán, đầu cơ, UBND huyện sẽ cử lực lượng cán bộ phụ trách đi kiểm tra hoạt động của các văn phòng mua bán đất đai, tổ chức hoạt động gỡ bỏ các tờ rơi, tờ quảng cáo bán đất nền, đất nông nghiệp nhằm hạn chế tình trạng sốt đất “ảo”. UBND huyện cũng có văn bản yêu cầu UBND các xã quản lý chặt tình trạng tách thửa đất nông nghiệp, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, nhất là ở những khu vực có dự án đầu tư đường giao thông.
Ông Tài khuyến cáo: “Khi mua đất, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ thông tin để tránh rơi vào cảnh tin lời đồn thổi, đổ xô mua đất nông nghiệp, thậm chí “lướt sóng” vay ngân hàng đầu cơ. Hiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người đầu tư đất có thể rơi vào cảnh đất chưa kịp bán ra có thể sẽ thua lỗ nặng”. Huyện cũng kiến nghị lên tỉnh có những thay đổi về quy định trong tách thửa, trong xử lý vi phạm đất đai để công tác quản lý đất đai, nhất là quản lý đất nông nghiệp, được chặt chẽ hơn.
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, tình trạng nhà nhà, người người mua đất nông nghiệp đầu cơ là do công tác quản lý đất đai còn nhiều kẽ hở. Khó khăn nhất là không có biện pháp mạnh xử lý việc sử dụng đất nông nghiệp vào các mục đích khác. Các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp; kiên định thực hiện đất nông nghiệp là để sản xuất nông nghiệp, không để người dân mơ mộng chuyển thành đất thương mại, dịch vụ hoặc các mục đích khác nhằm đầu cơ, trục lợi. Đây cũng là giải pháp để nhà đầu tư vào các dự án cánh đồng lớn gắn bó với dự án.
Đầu năm 2021, khi làm việc về tình hình quản lý đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, các huyện, thành phố giao trách nhiệm trực tiếp cho các xã, phường, thị trấn, nếu để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng trái phép thì bí thư, chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính, xây dựng sẽ bị xử lý kỷ luật. Đồng thời, các địa phương phải khoanh rõ trên bản đồ các điểm phân lô, bán nền đất nông nghiệp cũ, có giải pháp xử lý dứt điểm và tuyệt đối không để xuất hiện thêm các điểm mới.
Một số chuyên gia trên lĩnh vực bất động sản cho rằng có thể ngăn chặn “cơn sốt đất” ở các địa phương bằng chính sách thuế. Cụ thể, đánh thuế cao các trường hợp thửa đất mới mua đã bán lại, những trường hợp mua nhiều sản phẩm bất động sản. Các trường hợp đầu cơ đất nông nghiệp thì cách “đặc trị” là tăng thuế thu nhập cá nhân dựa trên lợi nhuận thu được từ việc mua bán đất. Đồng thời, Chính phủ cần có quy định về thuế bất động sản không sử dụng, để nhà đầu tư thấy rằng rủi ro cao khi đầu tư đất nông nghiệp vì chi phí lớn khi bỏ tiền mua, không bán được sẽ phải đóng thuế |
Bình Nguyên - Hương Giang