Báo Đồng Nai điện tử
En

Nguồn nước thải đang bị lãng phí

03:04, 22/04/2021

Hiện khoảng 90% lượng nước thải (tương đương khoảng 400 ngàn/m3/ngày đêm) từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được tái sử dụng.

Hiện khoảng 90% lượng nước thải (tương đương khoảng 400 ngàn/m3/ngày đêm) từ hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh chưa được tái sử dụng.

Nước thải tại Nhà máy xử lý rác thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) được tái sử dụng tưới cây xanh trong khuôn viên. Ảnh: Lê An
Nước thải tại Nhà máy xử lý rác thải ở xã Quang Trung (H.Thống Nhất) được tái sử dụng tưới cây xanh trong khuôn viên. Ảnh: Lê An

Việc tái sử dụng nước thải cho mục đích tưới cây, rửa đường, làm mát hệ thống máy, chữa cháy vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ tài nguyên nước, giảm thiểu ô nhiễm nguồn tiếp nhận, tuy nhiên chưa được nhiều đơn vị chú ý.

* 100% nước thải công nghiệp trở về nguồn tiếp nhận

Theo báo cáo của Sở TN-MT, trung bình mỗi ngày các nhà máy xử lý nước thải tập trung trên địa bàn tỉnh tiếp nhận khoảng 100 ngàn m3 nước thải công nghiệp. Khối lượng nước thải này sau khi xử lý đạt chuẩn cột A QCVN 40:2011/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp) được xả ra nguồn tiếp nhận là sông, suối, rạch, chưa được tái sử dụng. Ngoài ra, mỗi ngày có khoảng 27 ngàn m3 nước thải công nghiệp được cấp phép xả trực tiếp, khoảng 24m3 nước thải chưa được nối để xử lý.

Cũng theo Sở TN-MT, hiện có doanh nghiệp tái sử dụng nước thải cho mục đích làm mát hệ thống máy, vệ sinh nhưng số lượng chưa nhiều. Nguyên nhân là do chi phí đầu tư xây dựng và vận hành khu xử lý nước thải công nghiệp rất lớn; phải có đội ngũ kiểm soát vận hành và kiểm định chất lượng nước thường xuyên. Quy định tái sử dụng nước thải công nghiệp cho mục đích tưới cây đã hết hiệu lực và chưa có quy định mới. Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước mới chỉ dừng lại ở việc khuyến khích doanh nghiệp tái sử dụng nước chứ chưa có chế tài hay cơ chế ưu tiên, hỗ trợ.

Công ty Ajinomoto Việt Nam là một trong các doanh nghiệp đang tái sử dụng nước thải. Đại diện lãnh đạo công ty này cho biết, quá trình sản xuất nhà máy phải sử dụng một lượng lớn nước sông để giải nhiệt cho hệ thống máy. Để tiết kiệm chi phí và bảo vệ nguồn nước, công ty đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tháp giải nhiệt và hệ thống xử lý nước thải tiên tiến. Theo đó, hệ thống tháp giải nhiệt với hồ nước riêng đã giúp giảm tiêu thụ gần 85% lượng nước. Hệ thống xử lý nước thải tiên tiến với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng đang xử lý khoảng 3,4 ngàn m3 nước thải/ ngày đêm. Nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn của Bộ TN-MT được trả lại môi trường. Nhờ 2 hệ thống này, doanh nghiệp đạt được hiệu quả cả về kinh tế, xã hội lẫn môi trường, tất nhiên chi phí bỏ ra không ít.

Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh như: Nestle, Cargill, dệt Texhong, Cao su Đồng Nai, Vedan... đang tái sử dụng một phần nước thải để vệ sinh và làm mát máy công nghiệp. Các doanh nghiệp này được cấp phép và chịu sự giám sát việc tái sử dụng nước thải.

* Gần 290 ngàn m3 nước thải sinh hoạt/ngày chưa được xử lý

Bên cạnh nguồn nước thải tại các khu công nghiệp, Đồng Nai còn một lượng lớn nước thải ở các cụm công nghiệp (chưa có hệ thống thu gom xử lý tập trung), nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và sinh hoạt. Chỉ tính riêng nước thải sinh hoạt tại các đô thị, trung bình mỗi ngày có khoảng 289 ngàn m3, trong đó chỉ có khoảng 3 ngàn m3 bơm từ suối lên xử lý sau đó bơm ngược trở lại, còn lại xả trực tiếp ra sông, suối, bể chứa nước thải hộ gia đình, chưa có hệ thống thu hồi, chưa được xử lý. Nước thải sinh hoạt không được thu gom xử lý không chỉ gây lãng phí mà còn gây ô nhiễm môi trường, tác động đến sức khỏe của người dân.

Khu vực xử lý nước thải công nghiệp tại Công ty CP Hữu hạn Vedan Việt Nam (H.Long Thành). Ảnh: Lê An
Khu vực xử lý nước thải công nghiệp tại Công ty CP Hữu hạn Vedan Việt Nam (H.Long Thành). Ảnh: Lê An

Luật Tài nguyên nước quy định, việc xả nước thải chưa qua xử lý hoặc sau khi đã được xử lý đạt quy chuẩn vào lòng đất dưới bất kỳ hình thức nào đều là trái quy định. Tuy nhiên, để tiết kiệm nước và tái sử dụng các nguồn nước thải đã được xử lý và kiểm soát, Bộ TN-MT có hướng dẫn, cho phép tái sử dụng nước thải sinh hoạt đã được xử lý bảo đảm đạt cột A QCVN 14: 2011/BTNMT và bảo đảm đạt cột B1 QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước phù hợp cho mục đích tưới) để tưới cây trong phạm vi của chính cơ sở đó. Các cơ sở xả nước thải có nhu cầu tái sử dụng nước để tưới cây phải xây dựng phương án tái sử dụng nước, phương án này phải được cơ quan chức năng thẩm định, cấp phép và kiểm soát chặt chẽ, tránh việc lợi dụng tái sử dụng nước để đưa nước thải vào các tầng chứa nước dưới đất.

Tại cuộc họp về kết quả thực hiện Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi yêu cầu các sở, ban, ngành hoàn thiện đề án cấp nước sạch giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh các phương án như: quy hoạch vùng khai thác nước thô từ sông, xây mới và mở rộng các công trình cấp nước sạch cho sản xuất công nghiệp và sinh hoạt, khoanh vùng hạn chế khai thác nước ngầm, cần nghiên cứu các giải pháp tái sử dụng nước từ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp để giảm nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên nước, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường nước mặt các sông, suối.

Lê An

Tin xem nhiều