Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm quy mô để tăng hiệu quả

04:03, 12/03/2021

Dù đã nhiều lần thực hiện điều chỉnh quy hoạch, giảm hàng trăm ha diện tích so với phương án ban đầu, tuy nhiên dự án xây dựng tổng kho trung chuyển miền Đông (H.Trảng Bom) hiện nay vẫn được đánh giá là quá lớn và sẽ khó phát huy hết hiệu quả nếu triển khai thực hiện.

Dù đã nhiều lần thực hiện điều chỉnh quy hoạch, giảm hàng trăm ha diện tích so với phương án ban đầu, tuy nhiên dự án xây dựng tổng kho trung chuyển miền Đông (H.Trảng Bom) hiện nay vẫn được đánh giá là quá lớn và sẽ khó phát huy hết hiệu quả nếu triển khai thực hiện.

Tổng kho trung chuyển miền Đông khi được xây dựng sẽ chủ yếu phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa tại ga Trảng Bom
Tổng kho trung chuyển miền Đông khi được xây dựng sẽ chủ yếu phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt. Trong ảnh: Bốc xếp hàng hóa tại ga Trảng Bom. Ảnh: P.TÙNG

* Lệch trục phát triển

Dự án xây dựng tổng kho trung chuyển miền Đông hiện nay được quy hoạch xây dựng trên địa bàn 3 xã Quảng Tiến, Giang Điền và xã Đồi 61 của H.Trảng Bom.

Theo mục tiêu của dự án, tổng kho trung chuyển miền Đông sẽ là một mắt xích trong kênh hậu cần cung ứng, phân phối phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa trong vùng Đông Nam bộ; đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa đi đến và nội vùng một cách tối ưu, thích hợp nhất với điều kiện giao thông vận tải cũng như điều kiện kinh tế - xã hội vùng hiện tại và tương lai. Đồng thời, đóng vai trò hỗ trợ sản xuất tại các khu công nghiệp cũng như kinh doanh thương mại nội vùng và liên vùng.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, đối với giai đoạn 1 của dự án cần hạn chế tối đa thực hiện thu hồi đất của người dân.

Tổng kho trung chuyển miền Đông đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000 vào năm 2011. Tuy nhiên, sau 10 năm, dự án này vẫn chưa được hiện thực hóa do khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án. Hiện nay, dự án tổng kho trung chuyển miền Đông đang bộc lộ nhiều hạn chế so với thực tế phát triển kinh tế - xã hội sau một thập kỷ được quy hoạch xây dựng. Trong đó, lo lắng lớn nhất chính là việc vị trí quy hoạch dự án hiện đã bị lệch so với trục phát triển kinh tế của Đồng Nai.

Theo ông Lê Mạnh Dũng, Phó giám đốc Sở Xây dựng, trước đây khi Thủ tướng Chính phủ công nhận Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thì khoảng năm 2000, tổng kho trung chuyển miền Đông bắt đầu được tính toán quy hoạch để phục vụ trung chuyển hàng hóa cho các địa phương vùng Đông Nam bộ. Theo tính toán thời điểm này, ngoài đường bộ, nguồn hàng chủ yếu phục vụ nhu cầu của dự án là từ các tuyến giao thông đường sắt được quy hoạch phát triển để vận chuyển đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc và ngược lại. Tuy nhiên, đến thời điểm này, xét riêng với nhu cầu của tỉnh, tổng kho trung chuyển miền Đông đã lệch so với trục phát triển của tỉnh. “Hiện nay, Đồng Nai đã xác định trục phát triển về phía Nam với trọng điểm là khu vực H.Long Thành và H.Nhơn Trạch để tận dụng lợi thế từ sông Đồng Nai và hệ thống cảng biển. Như vậy, nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu của tổng kho trung chuyển miền Đông cũng sẽ bị chia sẻ” - ông Lê Mạnh Dũng cho biết. 

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cũng cho rằng, với trục phát triển về phía Nam, việc xuất nhập hàng hóa trên địa bàn tỉnh thời gian tới sẽ đổ dồn về cảng nước sâu Phước An đang được đầu tư xây dựng cũng như các cụm cảng ở khu vực H.Nhơn Trạch. Do đó, dịch vụ logistics sẽ được tập trung phát triển ở khu vực này. Chính vì vậy, xét trên định hướng phát triển, tổng kho trung chuyển miền Đông hiện nay đã nằm lệch so với trục phát triển chính của địa phương.

* Điều chỉnh quy mô để tăng hiệu quả khai thác

Năm 2011, khi UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chung tỷ lệ 1/5.000, tổng kho trung chuyển miền Đông được quy hoạch với diện tích 1,4 ngàn ha. Tuy nhiên, từ khi quy hoạch chung khu vực được phê duyệt đến nay dù UBND tỉnh và các sở, ngành đã tổ chức mời gọi nhiều nhà đầu tư nhưng vẫn chưa có nhà đầu tư thực hiện dự án. Do đó, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, giảm diện tích dự án còn hơn 600ha.

Tuy nhiên, dù đã được điều chỉnh giảm gần 800ha, quy mô của tổng kho trung chuyển miền Đông hiện vẫn được cho là quá lớn và khó có thể có đủ nguồn hàng để phát huy tối đa hiệu quả của dự án.

Ông Lê Mạnh Dũng cho rằng, hiện nay hệ thống đường sắt vẫn đang được quy hoạch phát triển và đây là loại hình vận tải hàng hóa có nhiều ưu điểm. Chính vì vậy, để phát huy hiệu quả của dự án tổng kho trung chuyển miền Đông cần xem xét lại quy mô thực hiện cho phù hợp. “Trong khu vực quy hoạch, đối với diện tích đất ao hồ nuôi thủy sản của người dân có thể thực hiện khoanh vùng và chỉ phân kỳ đầu tư dự án trên diện tích đất cao su. Sau khi giai đoạn 1 được đầu tư thì dựa trên kết quả khai thác để tính toán mở rộng thêm. Nếu không hiệu quả thì quỹ đất còn lại có thể chuyển sang đất phát triển công nghiệp” - ông Lê Mạnh Dũng đề xuất.

Tương tự, ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cũng cho rằng, việc tính toán nguồn hàng hóa, nhu cầu sử dụng là để thực hiện điều chỉnh diện tích thực hiện tổng kho trung chuyển miền Đông là cần thiết. Đồng thời, việc tính toán phải được gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng. “Ở đây việc phục vụ cho nhu cầu của vùng Đông Nam bộ là chủ yếu, do đó phải tính toán dài hơi, không chỉ tính đến năm 2030 mà phải tính đến năm 2050. Tính toán kỹ mới thực hiện phân kỳ đầu tư hợp lý để khai thác hiệu quả” - ông Đặng Minh Đức nêu ý kiến.

Đồng thuận với nhận định trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho rằng, nhu cầu của Đồng Nai đối với tổng kho trung chuyển miền Đông là không lớn mà chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu của vùng Đông Nam bộ. Do đó, cần phải tính toán nguồn hàng để có quy hoạch quy mô hợp lý. “Với diện tích hơn 600ha như hiện nay là rất lớn, gần bằng 2 lần diện tích Khu công nghiệp Biên Hòa 2 thì lấy nguồn hàng ở đâu để hoạt động”- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh.

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã giao Sở Xây dựng có văn bản xin ý kiến các địa phương trong khu vực về nguồn hàng trung chuyển để có báo cáo tổng hợp nhằm tính toán về quy mô xây dựng cũng như phân kỳ đầu tư đối với dự án xây dựng tổng kho trung chuyển miền Đông.

Phạm Tùng

Tin xem nhiều