Là tỉnh công nghiệp, Đồng Nai không chỉ thu hút nguồn lao động nông thôn của địa phương mà từ rất nhiều tỉnh, thành khác về làm công nhân tại các nhà máy. Sự chuyển dịch mạnh mẽ lao động từ nông thôn vào các khu công nghiệp khiến lĩnh vực nông nghiệp ngày càng thiếu lao động.
Là tỉnh công nghiệp, Đồng Nai không chỉ thu hút nguồn lao động nông thôn của địa phương mà từ rất nhiều tỉnh, thành khác về làm công nhân tại các nhà máy. Sự chuyển dịch mạnh mẽ lao động từ nông thôn vào các khu công nghiệp khiến lĩnh vực nông nghiệp ngày càng thiếu lao động.
Nhiều nông dân trồng tiêu tại xã Lâm San, H.Cẩm Mỹ gặp khó khăn trong tìm thuê công hái tiêu. Ảnh: Đinh Tài |
Vài năm trở lại đây, thực trạng thiếu lao động, đặc biệt lao động thời vụ luôn là bài toán khó trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều loại nông sản hiện chủ yếu vẫn thu hoạch hoàn toàn bằng thủ công, giá nhân công không ngừng tăng góp phần đẩy chi phí sản xuất tăng cao.
* Khó thuê nhân công thời vụ
Hiện các vùng trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đang chín rộ và thu hoạch đồng loạt nên nhu cầu thuê nhân công thời vụ hái tiêu tại các địa phương rất cao. Khó khăn không nhỏ với nông dân trồng tiêu hiện nay là khan hiếm nhân công thu hoạch, đặc biệt ở H.Cẩm Mỹ, địa phương có diện tích trồng tiêu lớn nhất tỉnh.
Theo đó, giá thuê công hái tiêu tăng cao với mức từ
230-250 ngàn đồng/ngày công lao động. Mặc dù giá thuê nhân công khá cao với nhiều ưu đãi khác nhưng các nhà vườn trồng tiêu vẫn rất khó thuê được công thu hái. Bà Linh Phật Minh, nông dân tại xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) chia sẻ: “Nhà tôi có gần 1ha tiêu đang chín rộ mà hiện không kiếm được người hái. Tiêu năm nay mất mùa, 3-4 công lao động chỉ hái được 30-40kg tiêu/ngày công lao động, công hái ăn gần hết tiền bán tiêu”.
Nhiều nhà vườn trồng tiêu hiện chỉ thuê được từ 2-3 nhân công thu hái cầm chừng khi tiêu đang chín rộ. Những nhà vườn không thuê được công hái buộc phải chọn giải pháp mua lưới về trải khắp vườn để hứng tiêu rụng, hạn chế thất thoát. Việc khan hiếm nhân công thu hoạch khiến nông dân trồng tiêu càng gặp khó khăn vì giá tiêu bán ra hiện nay ở mức khoảng 50 ngàn đồng/kg vẫn thấp hơn giá thành sản xuất. Ông Nguyễn Ngọc Lanh cũng là nông dân trồng tiêu tại xã Lâm San nói về khó khăn khác của người trồng tiêu, hái tiêu phải leo trèo thường cần lao động trẻ nhưng hầu hết thanh niên đều đi làm công nhân. Khan hiếm nhân công, nhiều nhà vườn mất mùa nặng đã không thu hoạch hoặc mua lưới về trải hứng tiêu tự rụng vì không thuê được người hái.
Tình trạng thu hoạch không kịp thời hoặc không thu hoạch gây hệ lụy lâu dài cho các vườn tiêu. Ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San cho biết: “Mấy năm gần đây, tiêu có giá thấp, nông dân đầu tư chăm sóc cầm chừng khiến vườn cây suy kiệt. Thu hoạch không kịp thời hoặc để tiêu tự chín rụng càng ảnh hưởng nặng nề đến năng suất, dịch bệnh phát sinh nhiều đối với vườn tiêu ở những vụ kế tiếp”.
* Bài toán khó
Những năm trước, nguồn nhân công tại địa phương hoặc từ các tỉnh miền Tây Nam bộ vẫn khá dồi dào. Nay đa số thanh niên trong độ tuổi lao động đều tập trung vào làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có mức thu nhập ổn định. Đây là nguyên nhân khiến nguồn nhân công thời vụ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp hao hụt nghiêm trọng.
Nông dân trồng tiêu tại xã Lâm San trải lưới trong vườn để tận thu tiêu chín rụng vì khó tìm công hái. Ảnh: Đinh Tài |
Ông Nguyễn Văn Hải, nông dân trồng tiêu tại xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) cho hay: “Giờ người trẻ đều đi làm công nhân, làm nông chủ yếu là lao động lớn tuổi. Đặc thù trong sản xuất nông nghiệp thường chỉ cần lao động mùa vụ chứ không có việc làm ổn định quanh năm, nên dù tiền công lao động ngày càng cao nhưng không phải lúc nào chúng tôi cần đều tìm được người làm”.
Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nông dân quyết định chặt bỏ những cây trồng cần nhiều nhân công trong chăm sóc, thu hoạch.
Cũng vì nỗi lo thiếu công lao động mỗi khi vào vụ thu hoạch mà gia đình ông Nguyễn Văn Phụng, nông dân tại xã Hàng Gòn (TP.Long Khánh) quyết định chặt vườn tiêu và cà phê vài ha đang cho thu hoạch. Theo ông Phụng, dù vườn tiêu, cà phê của gia đình đang ở thời điểm đạt năng suất cao nhưng ông vẫn chặt bỏ một phần vì giá thấp nhưng cũng có nguyên nhân do mỗi khi vào vụ thu hoạch là phải ngược xuôi tìm công lao động. “Hiện thanh niên tại địa phương đều đi làm công nhân, gia đình tôi thường phải thuê nhóm công lao động từ miền Tây Nam bộ lên, phải lo ăn, lo ở, giá nhân công mỗi năm mỗi tăng trong khi giá tiêu, cà phê quá thấp, thu không đủ bù chi nên đành chặt bỏ” - ông Phụng nói.
Hiện lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu vẫn là lao động chân tay, hiệu quả chưa cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá thành sản xuất nhiều loại nông sản của Việt Nam thường cao hơn so với nhiều nước trên thế giới. Đã đến lúc sản xuất nông nghiệp cần ứng dụng máy móc, công nghệ thay sức con người, để nông sản không mãi ở thế yếu trong cạnh tranh khi bước vào sân chơi quốc tế.
Đinh Tài - Bình Nguyên