Năm 2021, nhu cầu sử dụng điện của tỉnh tăng khoảng 4% so với năm 2020, nếu không có công trình, dự án mới đưa vào vận hành, tình trạng quá tải, thiếu điện cục bộ sẽ xảy ra ngay từ tháng 4. Đây là chia sẻ của Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong.
Năm 2021, nhu cầu sử dụng điện của tỉnh tăng khoảng 4% so với năm 2020, nếu không có công trình, dự án mới đưa vào vận hành, tình trạng quá tải, thiếu điện cục bộ sẽ xảy ra ngay từ tháng 4. Đây là chia sẻ của Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong.
Công trình Trạm biến áp 110kV Giang Điền hoàn thành hạ tầng năm 2016 nhưng chưa thể đóng điện vì vướng mặt bằng. Ảnh: Ban Mai |
Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đã chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các huyện phối hợp với ngành Điện giải quyết dứt điểm các vướng mắc, đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.
* Nhiều công trình chậm tiến độ
Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Văn Hợp, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) cho biết, Đồng Nai là một trong 3 địa phương có sản lượng điện thương phẩm lớn nhất cả nước, chiếm khoảng 6%. Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong giai đoạn 2016-2020, EVNSPC đã triển khai 5 công trình lưới điện 110kV với tổng mức đầu tư hơn 727 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa thể đóng điện.
Trong đó, đáng chú ý là công trình lưới điện phục vụ sản xuất công nghiệp tại H.Trảng Bom. Công trình này đã hoàn thiện hạ tầng trạm biến áp từ năm 2016 nhưng đến nay chưa thể đưa vào vận hành vì vướng mặt bằng thi công một số vị trí móng trụ. Tương tự, công trình Trạm biến áp 110kV Định Quán 2 và đường dây đấu nối đã hoàn thành thi công cách đây 3 năm, đóng điện năm 2020 nhưng còn 1 hộ dân chưa chấp thuận bồi thường. Các công trình còn lại là Trạm 110kV Long Hưng, Trạm 110kV Xuân Đông, cải tạo đường dây 110kV và Trạm biến áp 220kV Trị An - Tân Kiệm có kế hoạch khởi công trong năm 2021, dự kiến hoàn thành chậm nhất năm 2023.
Ông Viên Đức Thịnh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án điện lực miền Nam cho rằng, vướng mắc lớn nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo ông Thịnh, các công trình đường dây lưới điện phải đi qua nhiều địa bàn, nhiều vị trí, công tác khảo sát, thẩm định giá đất, thỏa thuận bồi thường mất nhiều thời gian. Theo quy định, ngành Điện chỉ bồi thường đất đối với vị trí xây dựng trạm và các móng trụ, phần hành lang dưới tuyến đường dây chỉ hỗ trợ một phần nên nhiều tổ chức, cá nhân không đồng thuận, khiếu kiện, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Ông Thịnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành liên quan giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng để các công trình điện đang và sắp triển khai có thể được đưa vào vận hành sớm, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của tỉnh.
Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai (PC Đồng Nai) Hồ Minh Quang cho biết, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, trung bình mỗi năm, công suất đặt tại các trạm biến áp 110kV phải tăng khoảng 300MW, tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc phát triển các công trình lưới điện mới gặp nhiều khó khăn do vướng mặt bằng. Mặc dù vậy, trong 5 năm tới, PC Đồng Nai vẫn có kế hoạch đầu tư thêm 47 công trình lưới điện 110kV, hơn 320 công trình lưới điện nhỏ với tổng mức đầu tư hơn 6,7 ngàn tỷ đồng. Nếu tiếp tục vướng mặt bằng, tình trạng quá tải, thiếu điện cục bộ sẽ ngày càng nghiêm trọng.
* Không để thiếu điện vì vướng mặt bằng
Phó giám đốc Sở Công thương Thái Thanh Phong cho biết, năm 2021, nhu cầu sử dụng điện của tỉnh tăng khoảng 4% so với năm 2020, công suất sử dụng tối đa đạt 2.350MW. Trong đó, điện công nghiệp - xây dựng là lĩnh vực có nhu cầu lớn, tăng cao. Theo ông Phong, nếu không có giải pháp quyết liệt đối với các công trình đang dang dở, công trình đầu tư theo kế hoạch thì tình trạng quá tải, thiếu điện cục bộ sẽ xảy ra ngay từ tháng 4-2021 và lặp lại ở các năm tiếp theo.
Liên quan đến các công trình điện chậm tiến độ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt, ông Phong kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, TP.Biên Hòa đối thoại, vận động người dân bàn giao mặt bằng. Đối với các tổ chức, cá nhân cố tình không bàn giao, các địa phương tổ chức cưỡng chế theo quy định, bảo vệ thi công công trình điện.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, cuối năm 2020 thành phố đã tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất của 2 hộ dân ở P.Tam Phước, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công công trình trạm biến áp 110kV Giang Điền và đường dây đấu nối. Hiện tại còn 4/32 vị trí của công trình này chưa có mặt bằng, Hội đồng Bồi thường và Trung tâm Quỹ đất thành phố tiếp tục đối thoại, vận động người dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Tại buổi làm việc liên quan đến các công trình năng lượng chậm tiến độ mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng chỉ đạo Sở Công thương rà soát lại các công trình điện đang vướng mặt bằng, phối hợp với UBND các huyện, thành phố giải quyết dứt điểm. Không để vì một vài hộ dân, một vài móng trụ mà xảy ra thiếu điện. Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, những năm tới, nhu cầu về điện của tỉnh tiếp tục tăng. Ngành Điện cần chủ động đề xuất các công trình, dự án điện theo quy hoạch phát triển giao thông, công nghiệp của tỉnh. Sở Công thương xem xét và đề xuất bổ sung các công trình, dự án điện cao thế vào quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai.
Ban Mai