Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp mong sớm có gói hỗ trợ lần 2

04:03, 10/03/2021

Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trên thế giới và Việt Nam. Ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong khi các gói cứu trợ, hỗ trợ lần thứ nhất chưa phát huy hết tác dụng.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trên thế giới và Việt Nam. Ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn trong khi các gói cứu trợ, hỗ trợ lần thứ nhất chưa phát huy hết tác dụng.

Các doanh nghiệp mong sớm triển khai gói hỗ trợ lần 2. Trong ảnh: Nhân viên Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) kiểm tra hoạt động của một hệ thống máy cung cấp phôi do doanh nghiệp chế tạo trước khi giao cho đối tác
Các doanh nghiệp mong sớm triển khai gói hỗ trợ lần 2. Trong ảnh: Nhân viên Công ty TNHH Thương mại dịch vụ sản xuất Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) kiểm tra hoạt động của một hệ thống máy cung cấp phôi do doanh nghiệp chế tạo trước khi giao cho đối tác

Chính phủ đang nghiên cứu, xây dựng để sớm triển khai gói hỗ trợ thứ 2 để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

* Xây dựng gói hỗ trợ lần 2

Nhìn một cách tổng thể, các DN Việt Nam đang bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid-19. Đa phần các DN chưa lạc quan trong thời gian ngắn hạn. Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, năm 2020 có sự giảm sút về số lượng DN thành lập mới với hơn 134,9 ngàn DN, giảm 2,3% so với năm 2019. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới trong năm 2020 là hơn 1 triệu lao động, giảm 16,9% so với năm 2019.

Đặc biệt, 2 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 33,6 ngàn DN rút lui khỏi thị trường, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số DN hoàn tất thủ tục giải thể là gần 3,6 ngàn DN, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng nói, có tới 16/17 ngành kinh doanh chính có số lượng DN giải thể tăng. Đây là khoảng thời gian có số lượng DN giải thể tăng mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Làm việc với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải khẩn trương xây dựng chương trình hỗ trợ tiếp theo cho DN, song song với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh năm 2021. Sau một năm thực hiện các giải pháp hỗ trợ và chờ điều chỉnh chính sách tín dụng thì mới đây, ngày 5-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, tiếp tục tái cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, phí, cho vay mới... theo thẩm quyền và theo quy định tại Thông tư 01/2020 cùng các văn bản liên quan.

Ở góc độ địa phương, trong buổi đối thoại cùng cộng đồng DN cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã chỉ đạo NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai và hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh bám sát các chính sách của cấp trên để triển khai thực hiện. Khi triển khai các chính sách hỗ trợ DN, người đứng đầu chính quyền mỗi địa phương phải có trách nhiệm đôn đốc các cơ quan thực hiện. “Nếu DN đã mất nhiều thời gian mà chưa nhận được chính sách hỗ trợ thì có thể trực tiếp liên hệ với lãnh đạo tỉnh để chúng tôi có sự điều tiết trách nhiệm” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

* Cần tính toán chính sách phù hợp từng lĩnh vực

Trên thực tế, mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các ngành sản xuất và từng DN, khu vực kinh tế lại khác nhau. Bên cạnh đó, do sự “xoay xở” tốt của một số DN nên trong khi số đông gặp khó khăn thì có những DN lại tiếp tục phát triển mạnh, vì vậy vấn đề đặt ra là chính sách hỗ trợ lần này cần đưa ra các giải pháp linh hoạt, phù hợp.

Theo các chuyên gia kinh tế, việc duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp cần tiếp tục thực hiện để hỗ trợ DN vì vẫn còn nhiều DN gặp khó khăn, nhất là trong các lĩnh vực du lịch, giao thông vận tải, dịch vụ... Bên cạnh đó, cần tính toán lại việc miễn giảm thuế thu nhập DN. Hiện nay, số lượng DN có thu nhập tăng trưởng thấp hơn số DN bị ảnh hưởng. Dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều DN hoạt động cầm chừng nên thu nhập giảm, do vậy việc miễn, giảm thuế dựa trên thu nhập DN chưa thực sự hợp lý. Thay vì vậy, để kích thích tiêu dùng trong dân, giúp DN tiêu thụ sản phẩm thì nên giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), từ đó thúc đẩy động cơ sản xuất của DN...

Một vấn đề nữa là tốc độ triển khai các chính sách hỗ trợ đến DN, các đơn vị thụ hưởng như vừa qua là quá chậm, lại vướng nhiều thủ tục, lắm lúc làm nản lòng DN. Đại diện một DN chế biến sản phẩm từ nông sản ở H.Định Quán cho hay là đơn vị đóng ở khu vực vùng sâu, nông thôn nên rất thiếu thông tin về các khoản hỗ trợ. DN này trong năm 2020 đã mất nhiều thời gian để hoàn thiện thủ tục vay tiền trả lương cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tân Seiko (TP. Biên Hòa), hiện nay, bên cạnh tác động trực tiếp từ dịch Covid-19 thì tác động gián tiếp của nó cũng khá nghiêm trọng. Vấn đề là các DN đang thiếu container để vận chuyển hàng hóa xuất khẩu. Điều đó kéo theo các DN trong nước cũng không thể sản xuất hết công suất vì phụ thuộc vào việc xuất hàng đi của đối tác. Ông Tân cho rằng, ngoài chính sách hỗ trợ trực tiếp về tài chính thì cần tính toán các giải pháp tổng thể, từ đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước, liên kết cộng đồng DN đến có những tác động đối với các hãng tàu vận chuyển… để có thể sớm tháo gỡ vấn đề này.

Văn Gia

Tin xem nhiều