Hiện nay, hệ thống thủy lợi của tỉnh chỉ mới đáp ứng được 11,8% diện tích cây trồng và chủ yếu phục vụ cây hàng năm, đặc biệt là cây lúa. Phần lớn cây trồng còn lại phụ thuộc vào nguồn nước trời và chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm vào mùa khô
Hiện nay, hệ thống thủy lợi của tỉnh chỉ mới đáp ứng được 11,8% trên tổng diện tích cây trồng và chủ yếu phục vụ cho các vùng sản xuất cây hằng năm, đặc biệt là các cánh đồng lúa. Phần lớn diện tích cây trồng phụ thuộc vào nguồn nước trời và chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm để tưới vào mùa khô.
Hệ thống thủy lợi mới chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu nguồn nước tưới trong sản xuất nông nghiệp Trong ảnh: Nông dân tại xã Phú Điền, H.Tân Phú bơm nước từ kênh thủy lợi vào ruộng lúa. Ảnh: B.NGUYÊN |
Theo đó, cứ đến mùa khô, nông dân lại đối mặt với nỗi lo thiếu nước sản xuất vì những năm gần đây, nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt do bị khai thác quá mức.
* Lạm dụng nguồn nước ngầm
Do hệ thống thủy lợi chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu tưới nên sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đang phụ thuộc rất lớn vào nguồn nước ngầm. Tình trạng vào mùa khô, đặc biệt là những huyện vùng núi, vùng khô hạn nặng như Xuân Lộc, Tân Phú, Cẩm Mỹ… nông dân lại đối mặt với nỗi lo thiếu cả nước sinh hoạt và tưới tiêu cho cây trồng.
Toàn tỉnh hiện có trên 56,9 ngàn ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, tăng hơn nhiều so với vài năm trước đó. Việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm được cho là giải pháp hữu hiệu cho bài toán khó về thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là tình trạng nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt như hiện nay. |
Ông Nguyễn Văn Tiến, nông dân tại xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) lo lắng, địa phương này không có công trình thủy lợi nên mọi hoạt động sản xuất đều dựa vào nguồn từ các giếng khoan. Trước đây, nhà vườn chỉ cần khoan vài chục mét là có nước thì nay có nơi phải khoan sâu đến 60m, thậm chí cả 100m mà không phải giếng nào cũng đủ nước. Mùa khô, nông dân phải thức suốt đêm bơm nước tưới vườn cây không còn là chuyện lạ.
Cùng nỗi lo, ông Hoàng Văn Sâm, nông dân tại xã Xuân Hòa (H.Xuân Lộc) chia sẻ, mùa khô năm ngoái, do không đủ nước tưới nên cây trồng của gia đình ông bị giảm năng suất, sức cây bị suy nên chi phí chăm sóc cho vụ này cũng tốn kém hơn. Hiện nay dù biết việc khoan giếng bị cấm nhưng nhiều nông dân vẫn làm liều khoan giếng để cứu vườn cây vào mùa khô hạn vì các giếng khoan sẵn có ngày càng cạn kiệt, không đủ nguồn nước tưới.
Nông dân cũng rất quan tâm tìm giải pháp cho bài toán khan hiếm nguồn nước tưới này. Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lâm San cho biết, những giải pháp giúp Nông dân giảm rủi ro về thời tiết, môi trường là rất cần thiết do tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, hỗ trợ nông dân ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm là giải pháp rất tốt. “Tôi lấy ví dụ, nông dân chúng tôi không thể lấy lý do năm nay hạn hán, năng suất tiêu thấp, chi phí sản xuất cao để tăng giá tiêu. Nhưng sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm giúp giảm 50% lượng nước tưới thì rất cần Nhà nước hỗ trợ cho nông dân ứng dụng công nghệ này để giảm chi phí sản xuất, giúp giảm lãng phí nguồn nước ngầm đang ngày càng cạn kiệt” - ông Luân nói.
* Cần sớm đầu tư cho thủy lợi
Theo Sở NN-PTNT, tiến độ triển khai một số dự án thủy lợi, nước sạch còn chậm. Cụ thể trong năm 2020, dự án nạo vét suối Quán Thủ (H.Long Thành), dự án hồ Cầu Dầu xã Hàng Gòn, dự án tiêu thoát lũ xã Bình Lộc (TP.Long Khánh)... chậm tiến độ do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng kéo dài. Ngoài ra, nhiều dự án đầu tư thủy lợi có nguồn vốn lớn cũng chậm triển khai do việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia xã hội hóa đầu tư khó khăn vì kinh phí đầu tư lớn, hiệu quả không cao. Trong khi đó, nguồn vốn từ ngân sách bố trí để đầu tư các công trình thủy lợi chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế.
Nông dân H.Thống Nhất sử dụng nguồn nước giếng khoan tưới cho cây trồng. Ảnh: B.NGUYÊN |
Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cảnh báo, qua khảo sát, các địa phương đang sử dụng nguồn tài nguyên nước ngầm quá tải do thiếu hệ thống thủy lợi phục vụ tưới cho cây trồng. Các địa phương nên phối hợp với Sở NN-PTNT quan tâm nghiên cứu để có đề xuất, quy hoạch đầu tư cho hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp vì nếu để thực trạng này kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn nước ngầm, gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường, sản xuất. Mục tiêu đặt ra, trồng cây thì có nguồn nước thủy lợi, nước sinh hoạt của người dân có hệ thống cấp nước tập trung để đảm bảo tính bền vững cho sản xuất. Sở NN-PTNT nên xây dựng kế hoạch triển khai đầu tư về thủy lợi cho sản xuất nông nghiệp và phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư thủy lợi. Trong tình hình nguồn nước sản xuất khó khăn như hiện nay, giải pháp cần thực hiện ngay là các địa phương nên tích cực triển khai chương trình hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao trong tưới nước tiết kiệm, hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất.
Bình Nguyên